Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, kỳ tuyển sinh năm 2013 sẽ tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát.
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, thực hiện Luật GD ĐH, các trường được chủ động rất nhiều trong tất cả các khâu về chuyên môn. Vì vậy, công tác kiểm tra, giám sát phải được tăng cường để đảm bảo kỷ cương, chất lượng.
Vừa rồi, Bộ đã thực hiện thanh tra theo Nghị quyết 50 của Quốc hội về đảm bảo chất lượng; thanh tra liên kết đào tạo; thanh tra kiểm tra các điều kiện mở ngành... tất cả các trường vi phạm Bộ đã xử lý, chấn chỉnh kịp thời.
Từ nay về sau, Bộ sẽ tăng cường công tác thanh tra, giám sát song song với việc giao quyền tự chủ cho các trường ngày càng cao hơn.
Liên quan đến câu chuyện thanh tra và việc khó khăn trong tuyển sinh của các trường, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, công tác thanh tra chặt chẽ sẽ giúp cho các trường tuyển sinh tốt hơn chứ không phải làm các trường gặp khó khăn. Bởi khi thanh tra tốt, các trường sẽ tăng cường công tác đảm bảo chất lượng, nâng cao uy tín và như vậy sẽ thu hút được sự quan tâm của xã hội cũng như thu hút được nhiều người học.
Thực tế, những trường hiện nay bị xử lý đa số là những trường không đảm bảo chất lượng theo quy định. Ví dụ như không có đủ điều kiện về giảng viên trình độ tiến sĩ, thạc sĩ; cơ sở vật chất không đáp ứng theo tiêu chuẩn tối thiểu của nhà nước quy định... Những cái đó cứ tiếp tục kéo dài học sinh sẽ quay lưng.
PV. Bộ GD&ĐT suy nghĩ như thế nào trước thực trạng tuyển sinh vô cùng khó khăn của các trường NCL năm 2012?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Khó khăn vừa rồi không chỉ có trường NCL mà ngay cả các trường công lập đã có uy tín lớn như ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Kinh tế Đà Nẵng,... cũng tuyển sinh khó khăn. Đó là tình trạng chung hiện nay. Nguyên nhân Bộ cũng đã phân tích nhiều với những điều kiện khách quan và chủ quan. Khách quan là kinh tế xã hội quá khó khăn và chủ quan là các trường chưa đảm bảo được các điều kiện chất lượng, chưa thu hút được học sinh vào học... Đa số những trường khó khăn năm nay đều là trường tuyển sinh đơn ngành như chỉ đào tạo về kinh tế quản lý; còn với những trường đa ngành vẫn tuyển bình thường, không có gì khó khăn. Khó khăn này cũng là dịp để các trường nhìn lại chiến lược phát triển của mình; phải đa dạng hóa, có dự báo về nhu cầu nhân lực phù hợp. Ngành năm nay tuyển sinh tốt nhưng chưa chắc năm sau đã tuyển sinh tốt hơn...
PV. Không chỉ các trường NCL mà những trường CĐ, TCCN tuyển sinh cũng rất khó khăn. Phải chăng nguyên nhân do các trường ĐH có đào tạo CĐ và TCCN đã kéo hết thí sinh?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Không phải do các trường ĐH có đào tạo CĐ khiến việc tuyển sinh các trường CĐ khó khăn. Nói đào tạo ĐH nói chung tức là cả đào tạo ĐH và CĐ, lâu nay hệ thống đã chạy như vậy rồi. Cũng giống như chúng ta đã đào tạo TCCN ở các trường ĐH, CĐ và cũng không phải vì thế mà TCCN tuyển sinh khó khăn. Điều này thể hiện ở việc năm 2012 chúng ta đã giảm rất mạnh chỉ tiêu TCCN ở các trường ĐH nhưng các trường TCCN vẫn không tuyển được nhiều thí sinh như mong đợi. Nguyên nhân sâu xa nhất trong chuyện này là do phân luồng và do sự lựa chọn của người học.
Năm nay, theo báo cáo của các trường về chỉ tiêu thì ban đầu các trường đã điều chỉnh mạnh về chỉ tiêu cơ cấu ngành nghề. Một số trường nghiêng hẳn về phía khoa học công nghệ... giảm bớt các chỉ tiêu kinh tế.... Hy vọng, năm nay cơ cấu nhân lực được điều chỉnh theo đúng nhu cầu của xã hội. Sự điều chỉnh đó thực sự là tín hiệu tích cực.
|
Thí sinh thi tuyển sinh vào ĐH năm 2012. Ảnh: gdtd.vn |
PV. Có cách nào để giúp các trường định hướng đúng hơn trong đào tạo nhân lực, đặc biệt khi các trường đã được tự chủ trong xác định chỉ tiêu?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Hiện các trường tự xác định chỉ tiêu theo thông tư 57. Bộ GD&ĐT chỉ quản lý chỉ tiêu tổng hợp, còn việc phân bổ chỉ tiêu cho từng ngành, hiệu trưởng các trường quyết định tùy theo thị trường lao động cho phù hợp. Hiện Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành quy hoạch về phát triển nhân lực đến 2020, đây là tài liệu căn bản để các trường, các cơ sở giáo dục và cả Bộ GD&ĐT dựa vào đó để định hướng việc đào tạo các ngành nghề cho phù hợp. Vì vậy, Bộ đang tiến hành xây dựng lại, điều chỉnh lại mạng lưới các trường ĐH, CĐ cho đến 2020 thay thế Quyết định 121 của Thủ tướng trước đây để phù hợp với quy hoạch nhân lực; đồng thời, trong điều phối mở ngành Bộ cũng khuyến khích các trường nên hạn chế mở những ngành nhân lực đang dư thừa và tập trung khuyến khích mở những ngành xã hội đang cần.
Về dự báo nhân lực, ngoài quy hoạch phát triển nhân lực đã được phê duyệt, các thành phố, địa phương đều có Trung tâm dự báo nhân lực, Bộ GD&ĐT cũng có Trung tâm dự báo và cung ứng nguồn nhân lực... Những trung tâm đó triển khai các quy hoạch nhân lực của trung ương, địa phương và của ngành, sẽ cung cấp những dự báo tương đối xác thực để các cơ sở đào tạo định hướng chương trình đào tạo của mình, giúp cho học sinh, phụ huynh có thể lựa chọn ngành nghề phù hợp.
PV. Vậy còn về phương án tuyển sinh cho năm 2013 sẽ thế nào thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Về phương án tuyển sinh, Bộ cũng đã khẳng định từ nay đến năm 2015 không có thay đổi gì lớn, tức Bộ vẫn quản lý khâu đề thi và điểm sàn để đảm bảo chất lượng; còn việc tuyển, số lần tuyển hoàn toàn chủ động của các trường.
Ngoài ra, năm nay có điểm mới là giao cho 10 trường ĐH, CĐ khối Văn hóa – Nghệ thuật được tự chủ tuyển sinh, được ra đề các môn năng khiếu, còn môn Văn sẽ xét dựa trên kết quả học tập 3 năm THPT và thi tốt nghiệp. Đây là bước đầu tiên thí điểm thực hiện Luật GD Đại học là giao quyền tự chủ cho các trường có đủ điều kiện thực hiện công tác tuyển sinh riêng.
Theo Luật, các trường được được quyền tuyển sinh riêng nhưng phải đảm bảo các điều kiện theo đúng quy định của quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Có nghĩa là trường nào muốn tuyển sinh riêng phải có đề án, trong đó thể hiện rõ có đủ năng lực thực hiện tuyển sinh với nguyên tắc chung là không làm phát sinh ra những tiêu cực như dạy thêm, học thêm, luyện thi ...; không làm tăng gánh nặng cho xã hội như không tuyển sinh quá nhiều đợt trong 1 năm; đảm bảo tính nghiêm túc và đảm bảo sự giám sát của xã hội... Những trường nào đủ điều kiện đó Bộ sẽ xem xét. Từ hai năm nay Bộ đã khuyến khích các trường trọng điểm thực hiện đề án tuyển sinh riêng, nhưng đến nay chưa có trường nào đề xuất phương án khả thi.
PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Theo: gdtd.vn