Dày 180 trang, Cẩm nang tuyển sinh 2013 do Báo Thanh Niên phát hành mang đến cho thí sinh nội dung phong phú.
Nhiều thông tin đổi mới tuyển sinh
Đáng chú ý đầu tiên là những thông tin mới nhất về kỳ thi tuyển sinh năm 2013. Một kỳ thi vẫn theo phương thức "3 chung" (chung đề, chung đợt, chung kết quả xét tuyển) nhưng có rất nhiều điều chỉnh về mặt kỹ thuật mà người thi cần lưu ý. Đó là việc rút ngắn thời gian xét tuyển, mở rộng đối tượng ưu tiên, bổ sung đối tượng thi liên thông, thay đổi thời gian nộp hồ sơ đăng ký dự thi, cách tính điểm sàn mới...
Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM) với cẩm nang tuyển sinh năm 2013 củaBáo Thanh Niên - Ảnh: Lê Thanh
Những thí sinh dự định thi vào nhóm ngành kinh tế cần phải nắm rõ việc cắt giảm chỉ tiêu ngành này ở một số trường. Chẳng hạn Trường ĐH Sài Gòn thông báo ngưng tuyển sinh bậc CĐ một số ngành này ngay trong năm 2013.
Bên cạnh đó, cẩm nang cũng thông tin những điều chỉnh về tuyển sinh cũng như thay đổi chỉ tiêu các ngành, tuyển sinh ngành và chuyên ngành mới... của từng trường cụ thể.
Điểm tựa chọn ngành
Để có thể trúng tuyển, dễ tìm việc làm và làm việc hiệu quả thì ngay từ đầu việc chọn ngành thi phải chính xác. Ngành thi, trường thi phải đúng với sở thích, phù hợp năng lực và đáp ứng nhu cầu ngành nghề xã hội. Và để có được sự lựa chọn đúng, rất cần một nền tảng thông tin vững chắc.
Với tất cả tâm huyết của mình, nhóm biên soạn đã dành một khoảng thời gian dài để thiết kế nên các bảng thống kê số liệu toàn cảnh về kỳ thi 2012. Thí sinh sẽ tìm thấy những số liệu cần thiết như chỉ tiêu tuyển sinh vào từng ngành của các trường năm 2013, tỷ lệ chọi theo ngành, điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 theo nhóm ngành, điểm trúng tuyển và chỉ tiêu xét tuyển bổ sung các trường năm 2012... được sắp xếp một cách hệ thống và tập hợp đầy đủ. Có lẽ không ở đâu ngoài ấn phẩm này, thí sinh có được cái nhìn trọn vẹn để tra cứu dễ dàng nhất về thông tin tuyển sinh của các trường.
Song song đó còn rất nhiều bài viết định hướng giúp phụ huynh và thí sinh có thêm lời khuyên về việc chọn ngành, như: các ngành nghề đang hút lao động, xu hướng việc làm, hậu quả khi chọn không đúng ngành...
Vào ĐH không phải con đường duy nhất để đi đến thành công. Do vậy, bên cạnh thông tin về kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, cẩm nang còn mở ra nhiều hướng đi khác để học sinh chọn lựa như: học nghề, TCCN...
Đặc biệt hơn, đây là lần đầu tiên Báo Thanh Niên đưa vào cẩm nang bộ công cụ trắc nghiệm tự khám phá sở thích nghề nghiệp trong việc lựa chọn ngành nghề. Trải qua các bước này, thí sinh sẽ có thêm một điểm tựa vững chắc để quyết định chọn ngành thi nào cho phù hợp với bản thân mình.
Bí quyết thi đậu
Vài năm trở lại đây, Bộ GD-ĐT không còn ban hành cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Tuy nhiên, thông qua bài viết của các chuyên gia ở từng môn học, thí sinh sẽ tìm thấy những lời khuyên hữu ích về cách thức ôn tập và làm bài thi hiệu quả. Đó sẽ là những hướng dẫn chi tiết của các chuyên gia về ôn tập và thi hiệu quả từng môn thi cụ thể, cách làm bài đạt điểm cao như thủ khoa...
Đề thi tuyển sinh những năm gần đây cũng đang có chuyển biến nhất định trong cách ra đề. Những thay đổi này đòi hỏi thí sinh ngoài việc nắm vững kiến thức còn phải có cách làm bài phù hợp mới mong đạt được điểm cao. Đó là xu hướng khơi gợi tư duy, đòi hỏi sáng tạo trong cách ra đề môn ngữ văn, không yêu cầu nhớ quá chi tiết sự kiện nhưng phải có khả năng phân tích, tổng hợp vấn đề với môn lịch sử... Các bài viết sẽ phân tích rõ các xu hướng và lưu ý cần thiết với thí sinh.
Ngoài ra, cẩm nang còn là sổ tay cần thiết cho sinh viên trong năm đầu nhập học với những thông tin cần thiết như: học kỹ năng, vay vốn, tìm nhà trọ, mua sắm, quản lý tài chính, tìm việc làm, tìm nơi trau dồi ngoại ngữ, hệ thống thư viện, nơi vui chơi giải trí sau giờ học... Và điều quan trọng không kém là những hoạt động thiện nguyện giúp sinh viên sống có ích với xã hội...
Sách đã được phát hành rộng rãi, thí sinh có thể tìm mua tại các nhà sách và sạp báo trong toàn quốc.
Theo Thanhnien.com.vn