Quan chức Singapore
hối thúc người dân "kiềm chế" trong chiến dịch trừng phạt chủ cửa
hàng lừa khách Việt.
Ngày 9/11, Chánh Văn phòng Thủ tướng Singapore S. Iswaran đã
tuyên bố trên Facebook rằng một số người dân Singapore đã “quá tay” trong chiến
dịch trừng phạt chủ cửa hàng lừa du khách Việt mua iPhone tại khu Sim Lim, đồng
thời cho biết cảnh sát đang điều tra cáo buộc “quấy rối” từ đơn tố cáo của chủ
cửa hàng này.
Chánh Văn phòng Thủ tướng Singapore S. Iswaran
Trong tuyên bố này, ông Iswaran nói rằng “người dân đã bày tỏ
những quan ngại sâu sắc về vụ việc gần đây ở khu Sim Lim”, ám chỉ việc anh Phạm
Văn Th., du khách người Việt bị cửa hàng Mobile Air lừa 550 USD khi anh đến đây
mua iPhone tặng bạn gái, sau đó còn cười nhạo, chế giễu khi anh bật khóc xin
chúng trả lại tiền.
Ông Iswaran nhất trí rằng những chiêu bán hàng lừa đảo mà Mobile
Air cùng ông chủ Jover Chew áp dụng để lấy tiền của anh Th. là không công bằng
và “chúng ta không được phép để những thủ đoạn vô đạo đức đó làm hoen ố hình
ảnh dày công gây dựng của Singapore”.
Chánh Văn phòng Thủ tướng Singapore cũng bày tỏ sự vui mừng khi
thấy nhiền người dân nước này đã cùng lên tiếng trước hành vi lừa đảo đó, và
một số người còn quyên tiền giúp đỡ nạn nhân.
Tuy nhiên, ông Iswaran cảnh báo rằng một số người đã “đi quá xa”
khi có những hành vi xâm phạm đời tư của Jover Chew, ông chủ cửa hàng Mobile
Air, đồng thời tiết lộ rằng cảnh sát đang điều tra cả cáo buộc về các trường
hợp lừa đảo của cửa hàng này lẫn các hành vi “quấy rối” mà người dân đang thực
hiện đối với Jover.
Jover Chew, ông chủ cửa hàng bán iPhone lừa khách
Việt
Trước đó, cộng đồng mạng Singapore đã cùng nhau phát động chiến
dịch “trừng phạt” đối với Jover bằng cách công bố các thông tin cá nhân của anh
này như số điện thoại, địa chỉ nhà riêng, biển số xe, thậm chí cả địa chỉ cửa
hàng và số điện thoại của vợ anh này.
Một số bức ảnh “nhạy cảm” của Jover cũng bị họ lùng sục và tung
lên mạng. Người dân Singapore còn có những trò “quái chiêu” để trừng phạt Jover
như đặt hàng loạt bánh pizza cỡ lớn đến nhà riêng và cửa hàng anh này, vứt áo
phông với dòng chữ chửi bới trước cửa hàng, hay bán cho Jover suất cơm với giá
hơn 1000 USD vì phải cộng thêm “tiền bảo hành đĩa cơm”.
Tuy nhiên, ông Iswaran kêu gọi người dân Singapore “hết sức kiềm
chế và không nên tự mình ra tay giải quyết vấn đề” mà hãy để cho luật pháp làm
điều đó.
Ông cũng cho biết chính phủ Singapore đang nghiên cứu các biện
pháp khác để bảo vệ người tiêu dùng, nhưng điều đó sẽ cần đến thời gian, “đặc
biệt là khi cần phải sửa luật”. Hiện chính phủ Singapore đang phối hợp với Hiệp
hội Bảo vệ Người tiêu dùng (CASE) và các bên có liên quan để tuyên truyền cho
người tiêu dùng về quyền lợi của họ.
Mặc dù vậy, cộng đồng mạng Singapore cũng đã có những phản ứng
đầu tiên trước tuyên bố của ông Iswaran. Họ chi ra rằng CASE đã không hề có
biện pháp nào hiệu quả để ngăn chặn các gian thương trong suốt hàng chục năm
qua.
Cửa hàng Mobile Air đóng cửa im lìm sau khi bị cư
dân mạng "trừng phạt"
Họ cũng tố cáo rằng trong những lần trước đây, cảnh sát đã xuất
hiện trong các vụ tranh cãi giữa khách hàng với bọn gian thương, nhưng họ cũng
không thể làm được gì để giúp đỡ nạn nhân.
Một người thậm chí còn tuyên bố rằng chính sự bất lực của nhà
chức trách đã khiến cộng đồng mạng phải tự mình thực hiện chiến dịch “trừng
phạt”, đồng thời yêu cầu chính phủ phải vạch rõ lộ trình cải cách luật bảo vệ
người tiêu dùng.
Hôm thứ Năm tuần trước, Bộ trưởng Nhân lực Singapore Tan
Chuan-Jin viết trên Facebook rằng ông cảm thấy “sốc” trước hành vi lừa đảo tinh
vi, trắng trợn của Jover Chew.
Đáp lại, nhiều cư dân mạng thì cho rằng họ còn cảm thấy “sốc
hơn” khi biết rằng cả Bộ trưởng Tan và nhà chức trách Singapore đã không biết
gì về những thủ đoạn lừa đảo khách hàng đã diễn ra trong thời gian dài như vậy.
Trí Dũng (Theo AsiaOne, CNA)