Nhiều chuyên gia giáo
dục cho hay, trong điều kiện như hiện nay, chưa thể áp dụng ngay phương án sử
dụng bài thi tổng hợp để kiểm tra đánh giá năng lực học sinh. Nếu thực hiện
ngay phương án này, học sinh sẽ bị “sốc” vì chưa được chuẩn bị, làm quen, luyện
tập, thử sức… dạng bài thi tổng hợp.
Ngày 29/7, Bộ GD-ĐT công bố dự thảo 3 phương án cho kỳ thi quốc
gia năm 2015 như sau:
Phương án 1: Tổ chức thi theo môn,
theo cách truyền thống. Thí sinh sẽ thi 8 môn gồm: Toán, Văn, Ngoại ngữ, Vật
lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý; thi 8 buổi trong 4 ngày, mỗi buổi thi 1
môn.
Để được xét công nhận tốt nghiệp, mỗi thí sinh phải dự thi 4
môn, gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn
trong số các môn Hoá, Lý, Sinh, Sử, Địa.
Phương án 2: Kỳ thi THPT quốc gia sẽ tổ chức theo bài thi. Cụ thể, 8 môn học
ở lớp 12 THPT (Toán, Văn, Ngoại ngữ, Vật Lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa
lý) sẽ được chọn tổng hợp thành 5 bài thi gồm bài thi Toán; Ngữ văn; Ngoại ngữ;
Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa, Sinh học); bài thi Khoa học Xã hội (gồm Lịch sử
và Địa lý). Kỳ thi sẽ diễn ra trong 5 buổi- 2,5 ngày; mỗi buổi 1 bài thi. Mỗi
thí sinh phải làm 4 bài thi, gồm 3 bài thi bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và
1 bài thi Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội.
Phương án 3: Tổng hợp 11 môn học ở lớp 12 thành 4 bài thi: Toán-Tin; Khoa học
Tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ); Khoa học Xã hội (Ngữ văn, Lịch
sử, Địa lí và Giáo dục công dân); và bài thi Ngoại ngữ. Thí sinh phải thi cả 4
bài thi trong 4 buổi với tổng thời gian 2 ngày, mỗi buổi thi 1 bài thi.
Thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm
2014.
Chưa thể áp dụng ngay phương án sử dụng bài thi tổng hợp
Tiến sĩ Lê Hữu Lập, Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính
viễn thông, cho biết: Phương án 1, thi 8 môn giống với kỳ thi năm 2014 Bộ GD-ĐT
đang làm. Trong điều kiện như hiện nay, sử dụng phương án thi 8 môn vẫn hợp lý.
Còn phương án 2, 3 thi theo hình thức bài thi tổng hợp thì khó
có thể thực hiện trong năm 2015. Bởi cả hai phương án này muốn thực hiện được
phải có sự chuẩn bị trước, lộ trình. Học sinh phải được chuẩn bị về tâm lý, làm
quen cách học, bài thi về dạng tổng hợp từ trước đó. Bộ GD-ĐT cũng phải có
hướng dẫn cụ thể tới trường, thầy cô về cách giảng dạy, cách ra đề, chấm thi,
coi thi…
“Nếu trong năm 2015 mà thực hiện ngay phương án sử dụng bài thi
tổng hợp (phương án 3) thì học sinh sẽ bị 'sốc'. Vì trước đây học sinh chưa có
sự chuẩn bị, làm quen với dạng bài thi kiểu tổng hợp. Rồi các khâu ra đề thi,
chấm thi cũng cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng. Theo tôi, sau năm 2017, Bộ
GD-ĐT có thể áp dụng phương án này”, ông Lập nói.
Ông Lập cho biết thêm, muốn thực hiện được phương án sử dụng bài
thi tổng hợp (phương án 3), phải có sự chuẩn bị ít nhất là 3 năm. Nhà trường sẽ
tập huấn cho giáo viên, cách giảng dạy, ra đề. Đặc biệt, việc gộp 3 môn ở khối
Khoa học Tự nhiên phải có hướng dẫn cụ thể, chi tiết. Đề thi kiểu dạng bài tổng
hợp cũng phải có tính chất liên môn. Nội dung câu hỏi môn Lý phải có một phần
nhỏ liên quan đến Hóa. Ba môn phải có sự liên kết để đảm bảo đánh giá đúng năng
lực của học sinh.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên
Hoàng, Hà Nội, hiện nay chưa thể áp dụng ngay phương án bài thi tổng hợp được
mà vẫn phải sử dụng phương án thi theo môn. Nhà trường, học sinh, cần phải có
thời gian để chuẩn bị trong một thời gian dài.
“Dù thực hiện phương án nào thì vẫn phải đảm bảo mục tiêu giảm
áp lực, tốn kém cho xã hội, đảm bảo độ trung thực tin cậy, đánh giá đúng
năng lực học sinh và làm cơ sở cho tuyển sinh đại học, cao đẳng”, Tiến sĩ Lâm
nói.
Cũng theo Tiến sĩ Lâm, ngoài 3 phương án của Bộ GD-ĐT đề xuất,
ông còn đề xuất thêm một phương án 4, đó là thí sinh chỉ tập trung vào thi 3
môn Toán, Văn, Ngoại ngữ (có thể học sinh sẽ được chọn thêm một môn nữa
trong số những môn học còn lại). Như vậy, phương án này vẫn đảm bảo mục đích
đánh giá đúng năng lực học sinh.
Để thực hiện được phương án này, trường học phải làm nghiêm,
thường xuyên kiểm tra, đánh giá học sinh trong từng năm học, cấp học. Đặc biệt,
tập trung làm chặt ở cấp 3 nhằm đảm bảo độ tin cậy trong giáo dục. Coi thi phải
hết sức khách quan, ngoài lực lượng cán bộ giám sát phải lắp thêm camera. Giáo
viên, học sinh phải trung thực trong kỳ.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT
Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội.
Dạng bài thi tổng hợp là cơ sở dữ liệu cho tuyển sinh đại học
Tiến sĩ Lập cho hay, vừa qua, có nhiều thí sinh đỗ tốt nghiệp
THPT đi thi đại học nhưng bài thi môn Toán vẫn đạt điểm 0. Như vậy, có thể thấy
là trong kỳ thi tốt nghiệp, nhiều trường vẫn còn nặng về bệnh thành tích. Các
trường đại học, cao đẳng chưa thực sự tin tưởng vào dữ liệu tốt nghiệp.
“Tuy nhiên về lâu dài, phương án bài thi tổng hợp (phương án 3)
sẽ là dữ liệu tin cậy cho các trường đại học căn cứ vào đó xét tuyển thí sinh
vào đại học. Phương án bài thi tổng hợp rất hay cho một xã hội học tập nghiêm túc,
học sinh sẽ không học lệch, học tủ”, Tiến sĩ Lập nói.
Tiến sĩ Lập cho rằng, muốn thực hiện được phương án bài thi tổng
hợp thì phải có sự chuẩn bị ngay từ khi học sinh học trung học cơ sở. Học sinh
phải được làm quen với các dạng bài thi tổng hợp, áp lực thi cử từ trước. Đến
khi vào cấp 3, học sinh đã cơ bản định hướng được tương lai của mình là vào
trường đại học nào. Năm lớp 12 chỉ là sự chuẩn bị cuối cùng cho một kỳ thi quốc
gia.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Lâm cũng cho hay, phương án bài thi tổng
hợp hoàn toàn có thể giúp các trường đại học căn cứ vào đó để xét tuyển thí
sinh. Ngòai tránh được việc học lệch, tủ thì với 2 ngày thi, kỳ thi được tổ
chức gọn nhẹ hơn, giảm chi phí cho tổ chức thi. Mức độ tổng hợp, tích hợp các
môn thi thành bài thi mạnh và nhanh hơn phương án 1, đồng thời hạn chế được
việc dạy dồn hoặc cắt xén chương trình đối với những môn không thi như trước
đây.
Nguyễn Đức (Khampha.vn)