Gần 6 năm âm thầm dạy học cho các em nhỏ kém
may mắn. Không một đồng tiền công hay một danh hiệu. Công việc thầm lặng của
chàng sinh viên 9X Vũ Đắc Hồng Ân như một phép lạ giữa cuộc sống bộn bề, gấp
gáp.
Tôi gặp Vũ Đắc Hoàng Ân, sinh viên năm cuối khoa Công nghệ Thông
tin, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TPHCM trong kỳ tuyển sinh Đại học vừa
rồi.
Hoàng Ân đưa đón em Bùi Thị Dung, học trò khiếm thị trong đợt 2 kỳ
thi Đại học ngày 9/7.
Trong những ngày này, Ân đồng hành đưa đón em Bùi Thị Dung, cô học
trò khiếm thị của Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiều, TPHCM thi vào
Trường ĐH Mở.
Trước đó mấy hôm, trong đợt thi khối A, Ân cũng là người đưa một
thí sinh khiếm thị khác của trường đi thi là em Hồ Thái Hiển. Nhà xa, những
ngày này, Ân ăn ngủ ngay tại trường Nguyễn Đình Chiểu để đưa đón các em. Trên
chiếc xe máy tọc tạch của Ân, anh em Ân khởi hành từ 5h30 sáng, để kịp đến
trường thi cách hơn chục cây số.
Khi nghe hỏi, nếu không phải là anh Ân thì ai sẽ đưa đón
mình đi thi, cô gái khiếm thị Bùi Thị Dung - 6 năm theo học Ân, tham gia kỳ
thi đại học năm nay - đăm chiêu: “Em không nghĩ đến tình huống này vì
như đã mặc định, anh Ân là người đưa mình đi thi rồi. Bố mẹ em ở Lâm Đồng không
xuống được, còn chị gái ở quận Thủ Đức bận đi làm”.
|
Ân đứng trước cổng
trường hồi hộp, lo lắng như bao phụ huynh đưa con đi thi. Nhưng khác nhiều lắm,
vì những đứa em của Ân không nhìn thấy nên cậu phải dẫn vào tận chỗ ngồi, cuối
giờ vào tận phòng đón. Giữa hai buổi thi, Ân chở các em vòng lên Chợ Lớn, đường
đi đường về gần 30 cây số để nhận suất cơm từ thiện cho các em.
6 năm không mỏi mệt
Ân đã gắn bó với hai em và nhiều học trò khiếm thị khác ở Trường
Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu từ 6 năm trước. Khi đang học lớp 12, mỗi
lần đi qua trường, Ân rất tò mò muốn tìm hiểu về các bạn nhỏ ở đây.
Năm thứ nhất đại học, Ân chủ động đến trường liên hệ xin dạy học
tình nguyện. Sau đó là những ngày cậu tham gia tập huấn cùng giáo viên của
trường; những ngày vui chơi, sinh hoạt cùng các em khiếm thị để tìm hiểu về
“thế giới trong bóng tối”.
Gần 6 năm nay, cậu sinh viên Hoàng Ân âm thầm dạy học cho các em nhỏ kém may
mắn tại Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, TPHCM.
Và để làm việc, giao tiếp được với các em thì không chỉ học chữ
nổi mà theo Ân cần phải tìm hiểu về những vật dụng, đồ chơi trong cuộc sống
hàng ngày của các em.
Từ đó đến nay, gần 6 năm ròng, đều đặn các ngày trong tuần, sau
giờ ở giảng đường, Ân vòng qua trường kèm cặp các em từ bậc tiểu học lên phổ
thông học. Cho dù quãng đường từ trường về nhà gần 20 chục cây số. Không chỉ
các em nhỏ mà thầy cô, nhân viên ở Trường Nguyễn Đình Chiểu cũng quá thân quen
với “ông thầy sinh viên” người nhỏ, da ngăm.
Nhà Ân ở cuối quận Gò Vấp, quãng đường từ trường về nhà không hề
gần, những 20 cây số. Nhưng đó chẳng bao giờ là trở ngại trong việc dạy học
tình nguyện của Ân. Ngày thường 9, 10 giờ Ân mới về. Còn trong đợt cao điểm ôn
thi đại học cho Hiển và Dung, nhiều hôm 12 giờ đêm Ân mới về đến nhà.
Đây cũng là thời điểm Ân làm luận văn tốt nghiệp. Lúc này, lần đầu
tiên trong những năm dạy học cho các em, Ân nghĩ hay mình tạm ngưng để tập
trung cho luận văn. Mà rồi, mỗi lúc nhìn các em khiếm thị say mê học nhằm chinh
phục giảng đường, Ân không dứt nổi. Gắn bó bao lâu, Ân hiểu rõ hơn ai hết khát
vọng học tập của các em. Ở lớp, những lúc các em làm bài tập, thầy giáo Ân lại
tranh thủ lôi máy tính ra làm luận văn.
Dốc sức, thời gian cho công việc dạy học tình nguyện nhưng Ân vẫn
đảm việc học và mọi sinh hoạt của mình. Điểm tổng kết trung bình của Ân trên
8,0, Ân còn đi làm thêm, tham gia hiến máu tình nguyện cùng không ít hoạt động
xã hội khác. “Có chăng em ít thời gian lên mạng hơn mà thôi”, Ân nói.
“Làm vậy được lợi ích
gì?”
Ngày đầu biết Ân tham gia vào công việc này, bố mẹ Ân cũng phải
đối khi hỏi thẳng thừng “Làm vậy con được lợi ích gì?”. Khi hiểu công việc của
Ân, bố mẹ không còn phản đối.
Nhiều người cũng đặt câu hỏi này cho Ân. Ngay cả tôi, cũng phải
hỏi em: “Làm vậy em được cái gì?” để tìm cho mình lý giải về một 9X bình thường
nhưng đang làm một công việc phi thường. Một công việc thầm lặng thật sự, không
một đồng thù lao, không một sự ghi danh. Ân hoàn toàn có thể chọn những hoạt
động tình nguyện được nhiều người “nhớ mặt đặt tên” hoặc chí ít là sôi động
hơn.
Cho dù dành nhiều thời gian, công sức cho việc dạy học tình nguyện nhưng việc
học tập và các hoạt động khác trong cuộc sống của Ân không bị ảnh hưởng.Trong
ảnh: Ân hiến máu tình nguyện tại chương trình "Giọt hồng nhân ái"
năm 2013. Đã 6 lần Ân tham gia hiến máu.
“Được nhiều chứ chị”,
Hoàng Ân cười hiền lành trước câu hỏi của người đối diện. Cái được của Ân là
học được rất nhiều thứ các em nhỏ kém may mắn, đó là nghị lực, ý chí và cách
các em biến điểm yếu của mình thành thế mạnh. Được học và vận dụng thực tế
phương pháp, tâm lý sư phạm với các em học trò đặc biệt. Có những trải nghiệm
cực kỳ quý báu khi học trò của mình có những cách học, cách tìm hiểu cuộc sống
rất khác. Công việc này giúp mình biết trân trọng những điều mình có, những giờ
mình sống, hiểu rằng sinh ra lành lặn đã là điều may mắn.
Và hơn hết “Em có những học trò, có những người em” - trực
tiếp nhìn Ân chăm sóc các em, nếm từng tý gia vị, nhặt từng chút rau sống vào
tô hủ tiếu của Dung sẽ cảm nhận được cái “được” này của Ân lớn lao đến mức nào.
Cho dù trong cuộc sống vội vàng, tính toán, cái “được” này của Ân sẽ có phần lạ
lùng với không ít người.
Hoài Nam (Dân
trí)