Chiều cao chỉ trên dưới 1m, thậm chí có em chỉ cao 85cm nhưng
các thí sinh “tí hon” này mang trong mình ý chí vươn lên khiến nhiều người
ngưỡng mộ. Cùng Dân trí điểm lại một số thí sinh “bé hạt tiêu”
giàu nghị lực của mùa thi đại học năm nay.
Nữ sinh cao 1,2m
ước mơ trở thành kỹ sư CNTT
Kỳ thi đợt 2 vừa qua, tại điểm thi trường ĐH Tây Nguyên, thí sinh
Doãn Thị Ngọc Huyền (sinh năm 1996, học sinh Ttrường THPT Hồng Đức, TP Buôn Ma
Thuột, Đắk Lắk) khiến nhiều thí sinh khác chú ý với vóc dáng nhỏ bé như học
sinh tiểu học của mình: cao khoảng 1,2m, nặng 30kg,
Trong kỳ thi đại học năm
nay, Ngọc Huyền đăng ký dự thi khối A ngành Công nghệ thông tin và khối B ngành
Y Đa khoa của trường ĐH Tây Nguyên. Nhưng nguyện vọng lớn nhất của Huyền là trở
thành kỹ sư Công nghệ thông tin.
Ngọc Huyền nhỏ bé giữa trường thi. (Ảnh: Trương Nguyễn)
Thí sinh “tí
hon” tự tin đi thi
Sinh năm 1996, quê xã Quế Lưu (huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam),
thí sinh Trần Thị Kim Uyên có chiều cao khoảng 1,1m, nặng 34kg. Kỳ thi đại học
năm nay, Kim Uyên thi vào ngành Công tác xã hội, Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng.
Nói về việc quyết định
chọn ngành Công tác xã hội, Uyên chia sẻ: “Em thấy ngành này phù hợp với mình.
Em muốn sau khi ra trường có thể làm nhiều công tác từ thiện, giúp đỡ những
người có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh”.
Kim Uyên được sinh viên tình nguyện dẫn đến phòng thi làm thủ
tục. (Ảnh: Khánh Hiền)
Thí sinh cao
90cm ước mơ thi đậu ngành Công nghệ Thông tin
Cao vẻn vẹn 90 cm, em Nguyễn Minh Vượng (sinh năm 1996, quê ở khu
phố An Hưng, thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) rất quyết tâm để
thi đậu vào ngành Công nghệ Thông tin của Đại học Khoa học, Đại học Huế.
Sinh ra bị tật nguyền do
ảnh hưởng từ bố (bố Vượng bị chất độc màu da cam, sinh ra cũng bị mất 1 cánh
tay - PV), Vượng rất tự lập, việc nhà có gì em cũng cố gắng phụ giúp cha mẹ.
Vượng học rất giỏi và đặc biệt say mê Tin học.
Nguyễn Minh Vượng học rất giỏi và đặc biệt say mê Tin học. (Ảnh:
Đại Dương)
Nam sinh
“tí hon” được cha dắt tay đi thi
Chỉ cao khoảng 1,3m, thí sinh “tí hon” Phạm Vủ Nhân được cha dắt
tay đưa đón đến trường thi với một ước mong "vượt vũ môn" bước chân
vào giảng đường đại học.
Ông Phạm Văn Định (cha Nhân) cho biết, Nhân là con út trong nhà.
Lúc sinh ra Nhân bị dị tật nên “không lớn nổi”. Nhân chỉ cao khoảng 1,3m, trông
như một đứa trẻ.
Dù không “lớn” về hình
thể nhưng sĩ tử “tí hon” này học rất giỏi. Nhân cho biết, nhiều năm liền ở phổ
thông em là học sinh giỏi. Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, em thi được 36,5
điểm, xếp loại Giỏi.
Thí sinh "tí hon" Phạm Vủ Nhân và cha trên đường phố Cần
Thơ. (Ảnh: Huỳnh Hải)
Giấc mơ công
nghệ của thí sinh cao 85cm
Năm nay 18 tuổi nhưng nữ sinh Nguyễn Thị Phương Trang (ở phường
Phú Bài, Thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế) chỉ cao 85 cm, chân tay mảnh
mai và yếu ớt. Di chứng từ chất độc da cam khiến em bị thiểu năng vận động ngay
từ khi mới chào đời.
Hiểu rõ điều kiện của mình, em Phương Trang quyết chí thi vào
ngành Công nghệ Thông tin, Đại học Khoa học Huế. Mặc dù bị di chứng nặng nhưng
học lực của em khá tốt, nhiều năm liền là học sinh khá.
Cao chỉ 85cm, em Phương Trang là thí sinh "tí hon" nhất
trong các thí sinh dự thi vào Đại học Huế năm nay. (Ảnh: Anh Việt)
Nữ sinh “hạt
tiêu” đi thi đại học
Năm nay 18 tuổi, chỉ cao 1,1m và cân nặng 29 kg, thí sinh “bé hạt
tiêu” Nguyễn Thị Thanh Phượng (quê ở xã Đại Chánh, huyện Đại Lộc, Quảng Nam)
khiến mọi người chú ý.
Phượng đăng ký dự thi vào ngành Công nghệ thông tin, ĐH Bách khoa
Đà Nẵng, em nói: “Thi đỗ vào ngành Công nghệ thông tin, được học ngành này là
ước mơ bao lâu nay của em. Bởi em đã nghiên cứu kỹ rồi, là ngành này dù thấp bé
thế này thì em vẫn có thể theo được. Tìm hiểu về ngành học nhiều trước khi đăng
ký dự thi, em cũng rất thích”.
Thí sinh "bé hạt tiêu" Nguyễn Thị Thanh Phượng. (Ảnh:
Khánh Hiền)
Cảm phục nghị
lực nữ thí sinh nặng 16kg
Cao chỉ 104cm và cân nặng 16kg, có lẽ em Võ Thị Thanh Thảo (sinh
năm 1995) là thí sinh “tí hon” nhất của mùa thi đại học năm nay. Đến đâu
Thảo cũng được mọi người yêu thương không chỉ vì khuôn mặt dễ thương như em bé
mà vì ngưỡng mộ nghị lực vượt khó và niềm tin yêu cuộc sống của em.
Suốt 12 năm học phổ thông, Thanh Thảo luôn đạt thành tích học sinh
tiên tiến, học sinh giỏi và đặc biệt nhiều người cảm phục hơn bởi khả năng viết
chữ rất đẹp của em.
Trong phòng thi đại học, Thanh Thảo được sắp xếp một bàn riêng để
em thoải mái làm bài thi.
PV (tổng hợp)