Nếu Bộ GD-ĐT và Bộ Quốc phòng phối hợp tốt, sinh viên khi có giấy báo trúng tuyển vẫn được đi học và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quân sự mà không cần phải “hi sinh” một trong hai: hoặc đi học hoặc thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Anh Mai Quốc Bình là một trong khá nhiều độc giả gửi ý kiến phản hồi về việc Bộ Quốc phòng và Bộ Giáo dục - đào tạo ban hành những quy định mới về nhập ngũ.
Trung tướng Ngô Xuân Lịch, chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam,
tặng hoa động viên các tân binh ở thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương năm 2011. Ảnh TTXVN.
Dưới đây là toàn bộ ý kiến của anh Mai Quốc Bình:
Hiện tại chúng ta có 3 bậc học cơ bản gồm trung cấp, cao đẳng, đại học đối với những người trong độ tuổi từ 18-25. Bộ GD-ĐT nên quy định tất cả các trường phải bố trí việc nghỉ hè của sinh viên từ ngày 31-7 hằng năm để sinh viên thực hiện nghĩa vụ quân sự (trường ở địa phương nào thì nhập ngũ tại địa phương đó).
Sau khi nghỉ hè, bắt buộc tất cả sinh viên (cả nam và nữ) phải nhập ngũ thực hiện nghĩa vụ quân sự 3 tháng. Nên bố trí các “quân nhân sinh viên” này tập trung cùng đợt với lính chuyên nghiệp được gọi trong đợt tháng 8 để được huấn luyện cùng lúc.
Việc thực hiện nghĩa vụ quân sự này đối với sinh viên cũng được coi như một môn học, phải được chấm điểm, thi hết môn… Tất nhiên sinh viên phải được huấn luyện như lính chuyên nghiệp chứ không phải huấn luyện qua loa như hiện tại các trường vẫn dạy khoảng 1 tháng đối với tân sinh viên.
Đối với bậc trung cấp, thời gian học trung bình là 2 năm. Như vậy, sinh viên hệ này sẽ có 2 học kỳ hè, mỗi học kỳ hè được huấn luyện 3 tháng. Sau khi tốt nghiệp sinh viên phải nhập ngũ để thực hiện nghĩa vụ quân sự thêm 1 năm rồi mới đi làm.
Đối với bậc cao đẳng, thời gian học là 3 năm. Như vậy sẽ có 3 học kỳ hè, mỗi kỳ hè được huấn luyện 3 tháng. Sau khi tốt nghiệp sinh viên phải nhập ngũ để thực hiện nghĩa vụ quân sự thêm 9 tháng rồi mới đi làm.
Đối với bậc đại học, thời gian học là 4 năm và có 4 học kỳ hè, mỗi kỳ hè được huấn luyện 3 tháng. Sau khi tốt nghiệp sinh viên phải nhập ngũ để thực hiện nghĩa vụ quân sự thêm 6 tháng rồi mới đi làm.
Với cách làm này chúng ta sẽ thu được các lợi ích cụ thể như sau:
1. Đối với quân đội, chúng ta có được lực lượng hùng hậu đông hơn rất nhiều so với cách gọi quân nhân như hiện nay. Đặc biệt, đội ngũ “quân nhân sinh viên” vừa có kiến thức chuyên môn, vừa có kỹ năng quân sự. Những người có nguyện vọng phục vụ luôn trong quân đội sẽ được xem xét. Khi đó lực lượng quân đội sẽ mạnh về số lượng, tinh về chất lượng.
2. Đối với kinh tế - xã hội, chúng ta tạo ra được một đội ngũ lao động trí thức, kỹ năng và trình độ chuyên môn tốt, có tác phong lao động và thái độ làm việc chuyên nghiệp, biết tôn trọng tập thể, tôn trọng tổ chức. Chẳng phải lâu nay các doanh nghiệp vẫn thường hay kêu các sinh viên của chúng ta tác phong kém, ý thức kỷ luật tồi… Như vậy nếu sinh viên được huấn luyện như thế này thì những vấn đề trên sẽ được cải thiện đáng kể.
3. Đối với tâm lý con người, các nghiên cứu đã chứng minh trong một môi trường làm việc, nếu có cả nam và nữ thì hiệu quả, năng suất làm việc sẽ cao hơn rất nhiều so với môi trường làm việc chỉ có mỗi nam hoặc nữ. Ngoài ra, với nhiều trình độ, sự hiểu biết và nhận thức khác nhau nếu được huấn luyện trong cùng một môi trường sẽ làm cho mọi người học tập, noi gương nhau, phấn đấu để tiến bộ, không thua thiệt người khác.
Với cách làm này tôi cho rằng chất lượng quân đội, chất lượng sinh viên sẽ tăng lên đáng kể.
Theo Tuổi Trẻ