UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 22/2013/QĐ-UBND quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Nội dung đáng chú ý trong văn bản mới là quy định mức trần thu phí học thêm trong nhà trường ở từng cấp học.
Ở cấp THCS, tùy theo quy mô lớp học, mức thu tối đa đối với mỗi HS/ 1 tiết học dao động từ 6000đ/ 1 tiết học (với lớp có số lượng trên 40 HS) đến 26.000đ/ tiết học (lớp có dưới 10 HS). Tương tự, ở cấp THPT, mức thu dao động từ 7.000đ/HS/ tiết học đến 32.000đ/ HS/ tiết học.
Mức thu tiền học thêm tối đa hằng năm theo tỷ lệ với mức lương tối thiểu tại cùng thời điểm. Mức thu tiền học thêm được thực hiện theo hình thức thỏa thuận bằng văn bản giữa phụ huynh với nhà trường
Đối tượng áp dụng đối với người dạy thêm, người học thêm và các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm hoặc có liên quan đến hoạt động dạy thêm, học thêm. Việc phụ đạo cho những học sinh học lực yếu, kém, bồi dưỡng học sinh giỏi thuộc trách nhiệm của nhà trường, không thu tiền của học sinh; hoạt động trông giữ trẻ ngoài giờ, bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống không coi là dạy thêm, học thêm.
Văn bản cũng quy định cụ thể việc thu, sử dụng và quản lý tiền dạy thêm, học thêm. Đối với dạy thêm, học thêm trong nhà trường: Thu tiền học thêm để chi trả thù lao cho giáo viên trực tiếp dạy thêm, công tác quản lý dạy thêm, học thêm; chi tiền điện, nước và sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm; Mức thu tiền học thêm do thỏa thuận bằng văn bản giữa cha mẹ học sinh với nhà trường đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương.
Các nhà trường tổ chức thu, chi và công khai thanh, quyết toán tiền học thêm thông qua bộ phận tài vụ của nhà trường; giáo viên dạy thêm không trực tiếp thu, chi tiền học thêm. Mức chi và tỷ lệ phân bổ chi phải được thông qua Hội đồng Giáo dục trường và được quy định cụ thể trong quy chế chi tiêu nội bộ hàng năm của đơn vị.
(Theo: Lan Anh/Giáo dục và thời đại)