Một thành phố cổ, trước đây chỉ tồn tại trong tiềm thức, vừa được tìm thấy nằm ở gần khu vực Angkor (Campuchia) bằng phương pháp quét tia laser từ trên không…
Thành phố mới được phát hiện này có thể đã tồn tại vào khoảng giữa thế kỉ thứ 8 và thứ 9 (trước cả đền Angkor Wat), rất đúng với bản mô tả được khắc lại vào năm 802 sau Công nguyên về thành phố Mahendraparvata (thành phố thủ đô đầu tiên của đế chế Khmer).
Thành phố được cho là Mahendraparvata vừa được phát hiện
Thành phố Mahendraparvata nằm sâu trong một khu rừng rậm rạp trên ngọn núi thiêng Phnom Kulen (Núi Vải). Hệ thống đường, ống của thành phố đều được kết nối với công trình Angkor Wat nổi tiếng của Campuchia.
Trong hàng loạt dự án khảo cổ trước đây, các nhà khoa học đã sử dụng điều khiển từ xa để xác định các dấu vết mơ hồ của khu vực Angkor. Tuy nhiên, phần lớn khu vực này vẫn không thể được tiếp cận bằng kỹ thuật sử dụng điều khiển từ xa này bởi lượng cây cối trong vùng quá dày đặc.
Trong nghiên cứu mới đây thuộc chương trình Phnom Kulen của Tổ chức phát triển và khảo cổ (ADF), đội nghiên cứu từ rất nhiều quốc gia đã sử dụng phương pháp quét tia laser trên không (LiDAR) để thăm dò khoảng 363km vuông ở khu vực phía tây bắc Campuchia.
Với phương pháp LiDAR này, các vùng bị cây cối bao phủ và những tàn tích khảo cổ còn sót lại ở đáy rừng hoàn toàn có thể tiếp cận được. Và quả thật như vậy, kết quả của cuộc nghiên cứu cho thấy rất rõ ràng dấu vết của một khu vực đô thị nằm ngay bên dưới khu rừng bao quanh hệ thống đền Angkor Wat. Ngoài ra, các nhà khoa học còn khẳng định, chu vi của thành phố này còn kéo dài ra rất xa nữa so với khu vực chính của đền này. Thành phố có tường bao quanh mới phát hiện này dường như chỉ là một phần rất nhỏ của một thành phố khác lớn hơn, trong đó, đền Angkor Wat là trung tâm.
Đền Angkor Wat nhìn từ phía Tây
Khi LiDAR phát hiện được một khu vực nhô lên trong vùng cây rậm rạp, các nhà khoa học biết rằng họ đã khám ra được một cái gì đó rất lớn.
Ông Damien Evans, Giám đốc Trung tâm khảo cổ của đại học Sydney ở Campuchia trả lời báo chí: “Bất thình lình chúng tôi trông thấy hình ảnh rất rõ ràng của nguyên một thành phố mà trước đây chẳng một ai tin nổi nó tồn tại…”
Giáo sư Roland Fletcher thuộc đại học Sydney cho biết: “Kết cấu này cũng tương tự như Los Angeles (Mỹ): một vùng chính giữa đông đúc, nhưng lại có nhiều vùng ngoại ô rộng rãi và trải dài, được thông với nhau bằng những con đường và các kênh đào lớn…”
Ngoài việc phát hiện ra thành phố Mahendraparvata, đội nghiên cứu cũng đã nhận thấy nhiều yếu tố rất kì lạ và độc đáo ở phía nam đền Angkor Wat mà họ gọi đó là “các cuộn thẳng” – trông giống các bờ kè bằng cát khổng lồ với rất nhiều rãnh ở giữa, và ở khu vực Angkor không hề có thứ gì như vậy.
Các nhà khoa học cho rằng các cuộn thẳng này có thể là các khu vườn với các rãnh có thể dùng để tưới tiêu cho cây cối, nhưng mục đích thực sự của chúng vẫn còn là một câu hỏi lớn.
(Theo ANTD)