Cảnh giác với chiêu trộm cắp tại giảng đường 31/10/2012 16:34:53

Lợi dụng các trường ĐH đào tạo theo hình thức tín chỉ, kẻ gian đã đột nhập, giả danh sinh viên ngồi vào các lớp học để thực hiện hành vi lừa đảo, trộm cắp rất trắng trợn...

Đạo chích trà trộn sinh viên

“Giờ giải lao mình tranh thủ vào nhà vệ sinh, khi quay trở lại lớp chiếc laptop của mình đã không cánh mà bay… Mọi chuyện xảy ra quá chóng vánh chỉ vỏn vẹn trong 5 phút...” Thu Tr, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN bàng hoàng kể lại. 

Theo lời kể của Tr, trước khi đi ra ngoài, bạn đã nhờ 2 sinh viên khoa khác ngồi học cùng bàn trông máy tính cho. Nhưng khi Tr vừa đi khỏi thì có 1 bạn nữ vào lớp, xưng tên và nhận là bạn học cùng khoa với Tr, được cô nhờ vào lớp lấy máy tính và sách vở để đi về nhà trốn tiết học cuối cùng.

Tin lời người bạn gái này, 2 người bạn cùng bàn với Tr “nhiệt tình” giúp tắt máy tính và thu dọn sách vở cho vào cặp để người bạn lạ đó xách đi. Khi Tr quay lại lớp thì mọi chuyện đã xong xuôi, máy tính, cặp sách đã không cánh mà bay trong sự sửng sốt của cả 3 người. 

Tương tự, Trần Thanh Thảo (sinh viên năm thứ 2, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN) cũng vừa bị mất ví tiền và máy ảnh  trong một tình huống dở khóc, dở cười.

Cũng trong giờ nghỉ giải lao, Thảo lên phòng Chính trị và Công tác sinh viên trường xin giấy xác nhận sinh viên để làm thủ tục vay vốn học tập. Khi quay lại lớp bạn phát hiện mất ví tiền và chiếc máy ảnh Canon để trong cặp. Theo lời kể của các nhân chứng, Thảo vừa ra khỏi lớp cũng có người vào cầm ví tiền và máy ảnh của bạn đi. 

Khi cô bạn ngồi cùng bàn với Thảo hỏi thì sinh viên lạ này nói: “Mình là bạn của Thảo, cậu ấy nhờ mình lên lớp lấy hộ ví và điện thoại vì để quên thẻ sinh viên nên không xin được giấy xác nhận sinh viên và lấy máy ảnh xuống sân trường chụp ảnh “tự sướng”…”.

Thảo cho biết: “Mỗi lần có việc ra khỏi lớp mình đều cầm theo ví tiền và điện thoại nhưng lần này không hiểu sao lại để hết trong cặp. Một phần do bất cẩn, một phần vì nghĩ trong lớp thì không mất được. Chắc là người lấy của mình đã để ý từ trước rồi nên mới thừa đúng lúc mình đi lên phòng Chính trị và Công tác sinh viên mà lấy đồ…” 



Giảng viên cũng là đối tượng bị nhòm ngó

Không chỉ có sinh viên mất tiền, điện thoại, máy ảnh, máy tính... ngay cả giảng viên cũng trở thành đối tượng bị “nhòm ngó”. 

Cô giáo Đinh Thị Thu Th, giảng viên của một trường ĐH có hình thức đào tạo tín chỉ vừa bị mất laptop trong một buổi dạy bức xúc kể lại: “Tôi thường xuyên giảng bài trên lớp bằng laptop và máy chiếu, giờ giải lao xuống phòng chờ uống nước không nhẽ lại phải xách máy đi theo. Tôi không nghĩ lại có chuyện trộm cắp ngang nhiên như thế trong môi trường học đường...”

Cô Th chia sẻ kinh nghiệm xương máu của mình: “Các bạn sinh viên và giảng viên, nhất là trong những lớp môn học, học ghép tín chỉ cần đặc biệt chú ý, cảnh giác với những hình thức gian trá kiểu này. 

Chúng ta cần có những lớp môn học đúng nghĩa của nó, thứ nhất là đảm bảo chất lượng học tập cho sinh viên… và sau đó là phòng tránh những chuyện lừa đảo kiểu như thế này.”

Khó quản lý và nhận dạng

Mỗi lớp môn học ở các trường ĐH đào tạo theo hình thức tín chỉ có đến hàng trăm sinh viên từ các khoa khác nhau đăng ký học. Đặc biệt, với những môn học cơ sở chung của toàn trường như: Chính trị, Lịch sử Đảng, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Xã hội học đại cương... sỹ số lên đến hơn 100 người/lớp. 



Do tính chất “nhất thời” của các lớp môn học, chỉ duy trì trong một học kỳ và học với số lượng sinh viên đông từ nhiều khoa, các khóa khác nhau, do đó, học hết học kỳ, sinh viên trong lớp vẫn chưa biết tên, nhớ mặt nhau. 

Không những thế, ngay cả giảng viên phụ trách lớp cũng không quản lý được hết. Lợi dụng đặc điểm này của các lớp môn học, kẻ gian thường trà trộn vào, đợi cơ hội để thực hiện hành vi trộm cắp. 

Theo lời kể của các nạn nhân, những sinh viên “giả” này thường ăn cắp một cách rất công khai. Chúng thường “mạo nhận” là được nhờ vả mang giúp đồ, “hồn nhiên” vào lớp xách đồ đi trong sự chứng kiến của nhiều người. 

Tuy nhiên, để hành vi trộm cắp được trót lọt, chúng đều đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước, như: tìm hiểu trước về đối tượng sẽ trộm đồ, chuẩn bị người ứng chiến chờ sẵn ngoài trường… Lợi dụng giờ nghỉ giải lao, khi các đối tượng đã lọt vào tầm ngắm sơ hở, thủ phạm thừa cơ hội “ thó” đồ.
(nguồn: kenh14.vn)