ĐH Đà Nẵng: Tiếng Nga lại được ưa chuộng 07/11/2012 13:50:05

Trong hai năm liên tiếp, Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng không mở được lớp tiếng Nga vì số thí sinh trúng tuyển quá ít. Trường sắp buộc phải mất mã ngành tuyển sinh khoa tiếng Nga thì bất ngờ mùa thi năm 2012, thí sinh lại mặn mà với tiếng Nga.

Tiếng Nga lại được ưa chuộng
SV Khoa tiếng Nga- trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện Tổng lãnh sự quán Liên bang Nga tại Đà Nẵng.

“Tăng nhiệt” từ nhu cầu nguồn lực thực tế

Trong khi nhiều sinh viên (SV) tốt nghiệp ra trường khó kiếm được việc làm vì “cung vượt quá cầu”, thì PGS.TS Phan Văn Hòa - Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng lại chia sẻ một thực tế đáng tiếc: “Các doanh nghiệp thường xuyên đến trường “đặt hàng” SV tốt nghiệp khoa tiếng Nga nhưng trường không có “nguồn”. Liền hai năm trước, nhà trường phải tạm dừng mở lớp tiếng Nga do số lượng SV nhập học quá ít”.

Trong hơn 30 năm hoạt động giảng dạy, Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng chính thức thành lập khoa tiếng Nga được gần 30 năm, có hàng ngàn lượt SV đã tốt nghiệp ra trường, có công ăn việc làm ổn định và thành công. Thế nhưng, tuyển sinh cho khoa tiếng Nga trải qua không ít thăng trầm từ vị trí gần như độc tôn trong giảng dạy ngoại ngữ ở các trường học.

Đầu những năm 2000, thông tin về việc  xây dựng nhà máy lọc dầu Dung Quất tại Quảng Ngãi với sự tham gia của Liên bang Nga đã làm hồi sinh nhu cầu học ngoại ngữ này ở miền Trung, đặc biệt là ở Đà Nẵng. Số lượng SV của khoa bắt đầu tăng nhanh, đỉnh cao là năm 2002 -2003. Nhưng sau đó cùng với việc LB Nga rút khỏi dự án nhà máy lọc dầu, số lượng SV vào khoa lại bắt đầu giảm mạnh. Số SV nhập học “mỏng” đến mức trường không mở được lớp, trong khi nhu cầu về nguồn nhân lực tiếng Nga đang khởi sắc trở lại.

Hiện nhu cầu nguồn nhân lực giỏi tiếng Nga trong khu vực miền Trung rất lớn, một phần là nhu cầu từ khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi), một phần khác rất lớn chính từ nhu cầu nhân lực của ngành du lịch. Mới đây nhất là sự kiện đoàn Famtrip gồm 20 hãng lữ hành và báo chí từ các thành phố của Nga đến Đà Nẵng và các tỉnh, thành lân cận khảo sát tiềm năng du lịch ở miền Trung. Riêng từ tháng 5 tới tháng 10 năm nay, có ít nhất 1.200 du khách Nga đến các tỉnh miền Trung. Nắm được những thông tin thực tế từ nhu cầu nguồn nhân lực, mùa tuyển sinh vừa qua trường đã có những tư vấn thông tin chi tiết đến thí sinh. Kết quả, từ chỗ không mở được lớp, sắp phải đóng mã ngành, năm nay, trường tuyển mới được hơn 70 SV cho khoa tiếng Nga. Việc thí sinh lại mặn mà với ngành học này xuất phát chính từ nhu cầu nguồn lực thực sự của xã hội.

Truyền lửa đam mê từ "Thế giới Nga"

PGS.TS Phan Văn Hòa - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng nói chắc: “Chúng tôi không lo ngại về đầu ra của SV khoa tiếng Nga bởi nhu cầu về nguồn nhân lực giỏi tiếng Nga là có thật. Vấn đề còn lại là tạo cho SV có thái độ, động cơ học tập tốt để nâng cao chất lượng đào tạo”.

Cùng với việc đổi mới phương pháp giảng dạy nâng cao chất lượng đào tạo, ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng đã đưa vào sử dụng Phòng đọc Thế giới Nga từ gần một năm nay. Đây là phòng đọc Thế giới Nga thứ hai ở Việt Nam do Quỹ “Thế giới Nga” tài trợ (còn một phòng đọc khác ở Hà Nội). Tại đây được trang bị hơn 500 đầu sách gồm các từ điển, giáo trình tiếng Nga, các sách văn học, sách nghiên cứu về văn hóa, đất nước học… Từ phòng đọc này còn mở ra một thế giới Nga sinh động từ các máy vi tính nối mạng, Ti vi, DVD. Đây thực sự là nguồn học liệu quý đối với các giảng viên, SV khoa tiếng Nga. Hơn nữa, còn là địa chỉ chung cho những người yêu tiếng Nga, yêu đất nước, con người, nền văn hóa… của xứ sở Bạch Dương ở Đà Nẵng.

Theo Dân tr