Những câu chuyện... xa xôi
Càng
ngày chúng ta càng phải đối mặt nhiều hơn với những câu chuyện vừa gây
bức xúc vừa làm đau lòng cả thầy lẫn trò. Hết tin cô giáo đánh học trò
bằng gậy lớn, bạt tai học trò đến ngất lịm, chúng ta lại phải đối diện
với những “thảm cảnh” trò và thầy cô có quan hệ bất chính.
Ngày
ngày đến lớp, chúng ta mang trong mình nỗi sợ hãi mơ hồ, nhìn nhận mọi
thứ trong con mắt nghi ngại, không dám thẳng thắn đưa ra quan điểm của
mình sợ bị trù dập, không dám thể hiện sự yêu quý thầy cô sợ bị mọi
người hiểu lầm.
T. D (Thanh Xuân, Hà Nội) tâm sự: “Tôi
từng tham gia viết một bài báo về tình cảm giữa thầy và trò. Trong đó
tớ có phỏng vấn một cô giáo đã từng dạy tôi về cảm tình của cô dành cho
các sinh viên trong trường. Cô giáo khá thoải mái, thân thiện với học
trò, sẵn sàng sẻ chia nhiều chuyện và lắng nghe những khó khăn của học
trò. Thế nhưng, khi tôi đưa những chi tiết ấy vào bài viết và được đăng
thì cô gọi điện đến nhà trách mắng, nói phải gỡ bỏ ngay vì cô sợ... giáo
viên khác trong trường hiểu lầm về mối quan hệ giữa cô và học trò. Tôi
rất buồn vì bị mắng nhưng cũng thông cảm với suy nghĩ của cô. Vậy là đã
đến lúc tình cảm cô trò không những không được tôn trọng mà còn bị... kì
thị!”
Sự “xâm nhập” của những tư tưởng mới
Hệ
thống giáo dục hiện đại cho phép chúng ta học tập, đối thoại với thầy
cô như với... bạn bè. Sự thoải mái đôi khi quá đà khiến chúng ta quên
mất rằng thầy là thầy và trước hết thầy cô xứng đáng nhận được một sự
tôn trọng nhất định. Bởi “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “không thầy đố
mày làm nên”.
Với sự trang bị của rất nhiều
công nghệ hiện đại, ta đôi lúc tin rằng mình có thể tự mình thu nạp kiến
thức mà không cần tới lớp, không cần sự chỉ dạy của thầy cô. Nhưng điều
đó liệu có đúng? Kiến thức có thể thu nạp nhưng kỹ năng cần có, liệu
rằng bạn có thể không?
Những bận rộn không tên
Mỗi
năm cuối cấp qua đi, chúng ta nhìn nhau tự hứa năm sau sẽ tụ họp đông
đủ để về thăm thầy cô giáo. Chẳng cần quà to quà lớn, chỉ là bữa cơm
thân mật, là buổi chuyện trò, trao đổi, kể chuyện hay ôn lại những ngày
tháng cũ với thầy cô. Nhưng hết đứa này cáo bận, đứa kia nói không đi
được. Mà lý do thì trăm ngàn thứ để nói. Một năm không đủ, năm sau chẳng
ai còn hứng thú. Thế là xa nhau. Nào ai biết thầy cô hằng năm vẫn ngóng
đợi những học trò cũ. Chỉ để gặp lại và hỏi trò hạnh phúc không con?
Bữa trước một đứa bạn nhắn tin cho tôi: “Năm nay về học lớp ở nhà thầy cô chủ nhiệm không mày?”. Tự
dưng tôi thấy lòng bâng khuâng. Hình như lâu lắm rồi... từng ấy con
người cũng đã xa nhau lâu như thế. Cô giáo hẳn buồn nhiều lắm...
(theo Kenh14.vn)