Du học sinh Việt cùng chung tay vì “Cơm Có Thịt” 08/11/2012 15:56:59
“Để các em bé vùng cao có vài miếng thịt trong bát cơm hàng ngày, ít thôi nhưng đều đặn…”, đó là mục đích của chương trình nhân ái thu hút được sự quan tâm một cách mạnh mẽ của các bạn DHS Việt trên toàn thế giới trong suốt thời gian qua.

Cơm Có Thịt

 

Những hình ảnh các em bé vùng cao mặt mày nhem nhuốc, cởi trần hay độc một thân áo mong manh trong những ngày đông giá buốt hay lũ trẻ quanh năm với bát cơm hai màu xanh - trắng khiến ai thấy cũng không khỏi chạnh lòng.

 

Du học sinh Việt cùng chung tay vì “Cơm Có Thịt”

Chắc chắn rằng nhiều người không thể tin nổi nguồn thực phẩm cho 80 em học sinh tiểu học và 45 em học sinh trung học cơ sở trong khu nội trú dân nuôi chỉ là 2kg gạo và 5.000 đồng mỗi tuần một em do cha mẹ đóng góp. Một con số quá ít ỏi so với nhu cầu ở độ tuổi của các em nhưng đó lại là sự thật! Và “Cơm có thịt” đã ra đời…

 

“Cơm Có Thịt” (CCT) là chương trình từ thiện giúp tổ chức nấu ăn và thêm thực phẩm cho bữa ăn tại trường học của học sinh tại một số điểm trường vùng cao khó khăn, nơi các em bé nghèo quanh năm đi học chỉ có cơm trắng và muối giềng, ít có thức ăn giàu dinh dưỡng.
 
Song song và sau giai đoạn hỗ trợ về dinh dưỡng, CCT mở rộng sự trơ giúp sang các nhu cầu khác như nước sạch, vệ sinh, sách vở, đồ dùng học tập … cho các em.
“Cơm có thịt” sẽ phần nào giúp các bữa ăn của những em bé vùng cao đầy đủ dinh dưỡng hơn.
 
CCT được tiến sĩ Trần Đăng Tuấn và các cộng sự khởi xướng tháng 9/2011 tại Việt Nam, tới 10/2012 đã lan rộng ra nhiều nước, nó có sực lan tỏa đặc biệt mạnh mẽ trong cộng đồng DHS trên khắp thế giới: từ Mỹ đến Úc; từ Nhật, Hàn, Trung, Singapor đến các nước Châu Âu như Thụy Điển, Phần Lan và hiện tại là Hà Lan, Ba Lan, Đức, Pháp đang rục rịch khởi động,…
Chỉ hơn 2.000 đồng cho một bữa cơm có thịt, tương đương 5.000 đồng/ngày, 120.000 đồng/ tháng cho một em bé nghèo có bữa CƠM CÓ THỊT, một con số ít ỏi so với mức sống hiện nay. Hay nói một cách khác, bữa cơm có thịt tưởng chừng như một điều rất bình thường và đơn giản với nhiều người, nhưng lại là ước mơ chung của rất nhiều gia đình có con em đang đi học ở các xa vùng cao biên giới và thuộc diện đặc biệt khó khăn ở Việt Nam. Tất cả đều cùng chung tay vì một hành động nhân ái, cao cả: để các em bé vùng cao có vài miếng thịt trong bát cơm hàng ngày, ít thôi nhưng đều đặn …

 

Cộng đồng du học sinh Việt Nam thao thức vì “Cơm Có Thịt”

 

Cộng đồng du học sinh Việt Nam nói riêng và cộng đồng người Việt tại Úc nói chung là nơi đầu tiên phát động phong trào CCT tại nước ngoài.  Chỉ trong một thời gian ngắn, lời kêu gọi CCT từ Úc đã biến thành một phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ khiến cho cộng đồng người Việt tại đây phải thao thức.

 

“Để bữa ăn của các bé có thịt mỗi ngày, ít thôi nhưng đều đặn đã được truyền đi tới khắp xứ sở chuột túi. Từ Brisbane, Melbourne tới Sydney; từ Canberra, Albury, Wollonggong, Gold Coats, Perth, Adelaine, tới Ballarat, … Tất cả đều muốn chung tay để giúp tuổi thơ các em thêm tròn đầy hơn…

 

Du học sinh Việt cùng chung tay vì “Cơm Có Thịt”
“A DIME FOR A MEAL” (có nghĩa là “mười xu cho một bữa ăn”) - câu slogan đầy tính nhân văn của “Cơm Có Thịt” từ nước Mỹ



Rồi "Cơm Có Thịt" lan tới cộng đồng người Việt ở Mỹ, đặc biệt được các bạn sinh viên, nghiên cứu sinh đông đảo tại đây hưởng ứng phong trào một cách vô cùng hào hứng dưới sự kết nối của các Đại sứ CCT. Chương trình được bắt đầu với ba đại sứ tới từ 3 bang thì tới nay, sau khoảng 3 tuần vận động, chương trình đã có 19 đại sứ tại 14 bang trên toàn nước Mỹ. 12 giờ trưa (giờ Hà Nội) ngày 6/11, "Cơm Có Thịt" từ nước Mỹ đã tổng kết đợt quyên góp đầu tiên với số tiền gần 11.000 đô-la Mỹ. Một con số ấn tượng!

 

Một sự kết nối cộng đồng vô cùng mạnh mẽ ! Như lời sẻ chia đầy yêu thương của bạn Võ Ngọc Ánh, đại sứ của CCT tại Mỹ : “Từ phương xa, mình và rất nhiều các bạn nữa, bằng tất cả tấm lòng muốn sẻ chia những thiếu thốn trong từng bữa cơm, chiếc áo, đến đôi dép của các em nhỏ vùng cao.

 

Mình và các bạn, chúng ta có thể chưa được gặp các em nhưng sẽ không khỏi chạnh lòng khi nhìn thấy các em trong cái tím tái của mùa đông trên những miền đồi núi, trong mỗi bàn chân không dép lẫm chẫm qua triền dốc, trong mỗi bát cơm chỉ có màu xanh của rau, nó xanh ngát một màu như núi đồi của các em vậy… Với những sự cố gắng của chúng ta có thể mang về cho các em những TẤM LÒNG, để từ mùa đông này, các em sẽ được sưởi ấm …”.

 

Ngoài những đóng góp cá nhân, các bạn du học sinh tại Thụy Điển và Phần Lan còn có ý tưởng rất hay là quyên góp quần áo, đồ dùng không dùng tới của mọi người và thuê một gian hàng bán lấy tiền để quỹ CCT ngày một đầy thêm.

 

Du học sinh Việt cùng chung tay vì “Cơm Có Thịt”
Hình ảnh các bạn du học sinh tại Phần Lan hào hứng trong quầy hàng bán đồ cũ để ủng hộ CCT
 

 

Suốt ba tháng qua, các cuộc vận động Cơm Có Thịt từ 10 quốc gia cứ lan tỏa như sóng. Những lời nhắn trên facebook, những cuộc gặp gỡ, những cú điện thoại, ai ai cũng háo hức với “Cơm có thịt” . Như bạn Dương Tấn, đại sứ Cơm Có Thịt từ châu Âu chia sẻ rằng : “Đây không chỉ là một chương trình giúp đỡ các em nhỏ khó khăn, mà nó còn khơi dậy tình thương yêu và sự chia sẻ ở mỗi người con đất Việt chúng ta. Chỉ hơn 2000đ cho mỗi em nhỏ có một bữa ăn đủ chất. Điều nhỏ bé này đã làm nên ý nghĩa và sức mạnh gắn kết mà chúng tôi tự hào và cảm thấy thật may mắn khi được là một phần của CƠM CÓ THỊT”.
 
Trong đêm tưởng nhớ nhạc sỹ Trịnh Công Sơn 3/11 vừa rồi tại Singapore, các du học sinh cùng với cộng đồng người Việt tại đảo quốc Sư Tử đã ủng hộ “Cơm Có Thịt” với số tiền 1087 SGD. Con số đó, cho tới lúc này đã không ngừng tăng lên và đạt mốc 2000 SGD. 
 

Hình ảnh đẹp về lòng nhân ái

 
Facebook của du học sinh Việt tại nước ngoài cứ chộn rộn lên với “Cơm Có Thịt”. Ai ai cũng hỏi nhau, đã “cơm thịt” chưa ? Nếu chưa thì dễ thôi, 6 AU$ (tương đương với 5€ hay 6US$) có thể giúp một em bé vùng cao ăn thịt trong vòng 1 tháng. 50 AU$ (tương đương với 40€ hay hơn 50US$) có thể giúp một em bé “cơm có thịt” suốt cả năm học.
 
Rồi thật hạnh phúc khi nghe thấy các thành viên của “ngôi nhà chung” reo lên “cơm thịt đã có mặt ở Hà Lan, Ba Lan hay Đức rồi” hay vỡ òa lên khi nghe đại sứ ở Dallas, Mỹ thông báo rằng đợt quyên góp “cơm có thịt”đợt 1 tại bang Texas đã đạt mốc 1000 $ … Vì điều đó đồng nghĩa với việc mùa đông năm nay của các em sẽ bớt lạnh hơn, bát cơm thêm đủ đầy và nó cũng khiến cho nụ cười trên môi các em không bị tắt đi vì đói …
 
Nhờ vào lòng nhiệt thành luôn sôi sục bên trong các bạn tình nguyện viên, những người chủ yếu là DHS tại các nước đang thực hiện chiến dịch, những người dù chưa từng được gặp mặt các em, chưa từng được bước chân lên những mảnh đất biên giới, vùng sâu, vùng xa khó khăn của cả nước, CCT đã phát triển một cách vô cùng thuận lợi. Các đóng góp từ nước ngoài dù chỉ đóng góp một phần nhỏ trong quỹ chung của Cơm Có Thịt nhưng làm cho Cơm Có Thịt có một sức lan tỏa khác, mạnh mẽ hơn, và như lời động viên cho những cá nhân và tổ chức trong nước đang hàng ngày âm thầm đóng góp cho Cơm Có Thịt.

 

“Cơm có thịt” Úc đến với Nậm Mành …
“Cơm Có Thịt” Úc đến với Nậm Mành …


Sau khoảng hơn 1 năm hoạt động, CCT đã gây quỹ được trên 5 tỉ đồng, tương đương 250.000$ tiền đóng góp để hỗ trợ bữa ăn cho tổng cộng 187 điểm trường, thuốc 28 trường ở 26 xã thuộc khu vực tây Bắc với hơn 5.000 hoc sinh. Và chắc chắn, con số này sẽ được lớn dần hơn nữa với sức mạnh kết nối cộng đồng của du học sinh Việt nói riêng và cộng đồng người Việt ở nước ngoài nói chung.
 
Hạnh phúc được nhân lên khi chính sách hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ em miền núi đã có, tuy nhiên cần có thời gian để tiền hỗ trợ thức ăn đến được với các em bé ở các điểm trường CƠM CÓ THỊT đang hỗ trợ. Có lẽ là phải hết năm học 2012. Vì thế việc các du học sinh đóng góp cho CƠM CÓ THỊT là sự đồng hành đầy ý nghĩa với chương trình.
 
“Có thể những người trưởng thành như chúng ta không còn tin vào cổ tích nhưng màu nhiệm trong mắt trẻ thơ chưa bao giờ mất đi, đó là quyền mà không một ai có thể hay nỡ tước đi của các em. Có thể giờ các bé chưa thể hiểu được “cơm có thịt” là gì, các em cứ vô tư, hồn nhiên và cười rạng rỡ như cái tuổi của em vốn có, như các em vẫn tin vào cổ tích…
(Theo Dân trí)