Đầu tháng 5, việc tuyển sinh lớp 10 lại “nóng” lên ở các thành phố lớn và một số tỉnh- nơi áp dụng hình thức thi thay vì xét tuyển.
Theo quy chế của Bộ GD&ĐT, tuyển sinh vào lớp 10 có ba phương án: Xét tuyển, thi tuyển và thi tuyển kết hợp xét tuyển. Các địa phương tùy theo điều kiện của mình mà lựa chọn các phương án trên. Hiện có địa phương chọn cách xét tuyển, có địa phương chọn cách thi, thậm chí có địa phương vừa chọn cả xét lẫn thi.
Hiện trên cả nước có nhiều địa phương chọn phương án xét tuyển. Tại cuộc họp bàn về phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2013-2014 của tỉnh Quảng Nam mới đây, ông Nguyễn Tấn Thắng, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam- nơi chọn phương án xét tuyển- cho rằng phương án này có nhiều ưu điểm như tránh áp lực cho học sinh, phụ huynh trong vấn đề học thêm, thi cử, giáo viên có thêm thời gian nghỉ hè; đỡ tốn kém ngân sách và tiền của người dân để mở kỳ thi. Hơn nữa, việc xét tuyển đi kèm với phân tuyến tạo ra sự đồng đều đầu vào, giúp việc nâng cao chất lượng trong trường THPT được thuận lợi (trích báo Quảng Nam).
Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng có thể áp dụng hình thức xét tuyển. Tại các thành phố lớn, những nơi luôn chịu áp lực quá tải học sinh, dù chọn phương án nào cũng không thể gạt bỏ thi tuyển. Chẳng hạn ở TP.HCM, hàng năm phải tổ chức thi tuyển để chọn khoảng 80% học sinh vào lớp 10 công lập. Chúng tôi còn nhớ, có lần ông Trương Song Đức, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM nay đã nghỉ hưu, tâm sự: “Về lâu dài TP.HCM phải tập trung xây thêm trường. Một khi trường học đủ rồi thì việc tuyển sinh lớp 10 chỉ thông qua xét tuyển theo học bạ mà không phải thi. Lúc đủ trường rồi thì quận, huyện nào tuyển theo quận, huyện đó. Số học sinh khá, giỏi, trung bình được phân bố đều cho mỗi trường, tạo thuận lợi cho ngành giáo dục làm tốt việc nâng cao chất lượng”. Thực hiện chủ trương này, số quận huyện tại TP.HCM chọn phương án xét tuyển không ngừng tăng lên. Đến năm 2012, TP.HCM đã có chín quận, huyện tham gia hình thức xét tuyển lớp 10 là bốn huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ và năm quận 2, 6, 9, Thủ Đức và Bình Tân.
Hiện TP.HCM còn 15 quận nội thành phải tổ chức thi tuyển lớp 10. Và tình hình “nóng” lên là xuất phát từ các quận này. Ngoài sự căng thẳng của học sinh và phụ huynh, sự tốn kém ngân sách tổ chức kỳ thi như đã nói ở trên, theo các chuyên gia giáo dục, việc tuyển sinh lớp 10 qua một kỳ thi với ba môn thi chỉ mang tính nhất thời vì không thể đánh giá đúng năng lực học sinh (suốt chín năm học tập). Chưa kể việc đặt ra điểm chuẩn vào lớp 10 của các trường hiện có sự chênh lệch quá xa về điểm số. Chẳng hạn tại TP.HCM, có trường lấy trên 40 điểm nhưng cũng có trường chỉ lấy 13 điểm. Dẫn đến tình trạng có trường toàn học sinh giỏi, có trường toàn học sinh trung bình hoặc yếu. Gộp những học sinh yếu vào một trường là việc làm phản sư phạm vì các em không còn động cơ ganh đua học tập, khiến việc nâng cao chất lượng ở những trường này càng thêm khó khăn.
Trong khi tiếp tục chờ đợi sự tăng trưởng về trường lớp, thiết nghĩ ngành giáo dục tại những địa phương còn tổ chức thi tuyển cần đẩy mạnh “dạy thực chất, học thực chất” để có điểm số học bạ đáng tin cậy suốt những năm cấp 2. Việc làm này xua tan mối băn khoăn “không có thi thì học sinh làm biếng học”. Và trên cơ sở đó, khi chuyển sang áp dụng hình thức xét tuyển có thể chọn lựa đúng các học sinh có năng lực vào lớp 10.
Ngày nay, hầu hết hệ thống giáo dục phổ thông các nước tiên tiến không còn cái gọi là thi chuyển cấp. Quá trình học từ cấp dưới lên cấp trên diễn ra một cách nhẹ nhàng, thông suốt. Thậm chí, nhiều nước từ lâu đã hình thành loại trường phổ thông học một mạch từ tiểu học đến trung học phổ thông. Không phải lo sợ chuyển cấp, chuyển trường, việc học tập của học sinh trở thành “mỗi ngày đến trường là mỗi ngày vui”. Và đó cũng là để thực hiện triết lý “giáo dục là một quá trình học liên tục” đang phổ biến ngày nay.
Theo: Giáo dục và thời đại