Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập (NCL) vừa có bản kiến nghị khẩn cấp về nguy cơ tan rã của các trường ĐH, CĐ NCL gửi Thủ tướng.
GS Trần Hồng Quân - Ảnh: Việt Dũng
1
GS Trần Hồng Quân chủ tịch hiệp hội, cho biết:
- Phải khẳng định lại rằng chủ trương của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa giáo dục là đúng đắn. Chính phủ đã có nhiều quyết định và nghị định về lĩnh vực này. Song việc triển khai còn rất hạn chế và có tính cầm chừng, nhất là các chính sách khuyến khích có liên quan. Ở nhiều nước, hệ thống trường tư đã góp phần đắc lực trong sự phát triển giáo dục ĐH. Hàn Quốc có đến 67% sinh viên học trong các trường tư. Tiếc là ta vẫn do dự, thậm chí còn kỳ thị với loại trường "ngoài quốc doanh" này. Đổi mới tư duy quả là khó.
* Lý do nào khiến hiệp hội phải gửi kiến nghị khẩn cấp lên Thủ tướng, thưa GS?
"Tôi cho rằng nguy cơ đổ vỡ của nhiều trường NCL sẽ gây ra nhiều hệ lụy xã hội, làm nản lòng các nhà giáo và các nhà đầu tư tham gia loại trường này"
- Đúng là bất đắc dĩ hiệp hội mới phải gửi kiến nghị khẩn cấp lên Thủ tướng. Ba năm nay các trường tuyển được rất ít sinh viên. Ngay cả những trường rất khá về cơ sở vật chất và đội ngũ mà năm vừa rồi cũng khó tuyển. Nguyên nhân trực tiếp là cả nước cạn nguồn, số thí sinh đạt trên điểm sàn không đủ đáp ứng chỉ tiêu cần tuyển. Cả ba trình độ đào tạo ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp đều không còn thí sinh để tuyển. Kéo dài thời gian xét tuyển cũng vô ích. Các trường NCL càng khó khăn hơn gấp bội.
Thiếu sinh viên thì không đủ mở ngành, không đầy lớp, thừa thầy, thừa phòng học, các trường không đủ kinh phí duy trì, càng hoạt động càng lỗ chứ không như trường công còn có ngân sách nhà nước. Nói nhiều trường đứng trước nguy cơ tan rã không hề quá lời.
* Vậy tại sao chỉ ba năm lại đây các trường mới gặp khó khăn lớn có tính đột xuất như vậy, trong khi các trường NCL đã tồn tại hơn 20 năm rồi?
- Đây là một câu hỏi hay, nhưng tốt nhất là để cơ quan lãnh đạo và quản lý giáo dục trả lời. Các yếu tố có liên quan đến các trường, đến số lượng và chất lượng của học sinh tốt nghiệp THPT (nguồn tuyển sinh) đều không có gì thay đổi đột xuất. Chỉ còn lại ở chủ trương, chính sách tuyển sinh. Tôi cho rằng nguy cơ đổ vỡ của nhiều trường NCL sẽ gây ra nhiều hệ lụy xã hội, làm nản lòng các nhà giáo và các nhà đầu tư tham gia loại trường này.
Người đã đầu tư thì không muốn đầu tư thêm, thậm chí rút vốn, người có dự định đầu tư thì sẽ không đầu tư nữa. Chủ trương lớn là xã hội hóa giáo dục cũng sẽ bị thui chột.
* Ngoài khó khăn về tuyển sinh, các trường NCL còn có khó khăn nào nữa?
Khó khăn lâu dài thì rất nhiều, chỉ xin nêu vài chuyện. Tại sao sinh viên trường công lập thì được Nhà nước hỗ trợ chi phí đào tạo nên đóng học phí thấp, còn sinh viên trường NCL phải đóng 100% chi phí đào tạo, thậm chí còn phải gánh cả thuế mà trường đóng cho Nhà nước? Đương nhiên xét về mặt kinh tế sẽ khiến các em lựa chọn trường công lập trước hết. Đó là một trong nhiều yếu tố cạnh tranh không bình đẳng giữa các trường. Xét về mặt công bằng xã hội giữa sinh viên với nhau cũng vô lý. Ai cũng là công dân, tại sao sinh viên NCL lại bị phân biệt đối xử ngay trong chính sách của Nhà nước? Sinh viên NCL có khá nhiều em đến từ nông thôn, điều kiện kinh tế rất hạn chế.
Khó khăn nữa là thuế. Trường NCL làm giáo dục chẳng những không được Nhà nước cho đồng nào mà còn phải đóng thuế nặng nề, thường ở mức 25% tổng lượng học phí thu được. Để phần còn lại đủ cho hoạt động đào tạo, các trường không có cách nào khác là phải nâng học phí, càng tăng gánh nặng cho sinh viên. Biểu thuế lại quy định phụ thuộc điều kiện đạt hay không đạt định mức diện tích bình quân tính trên sinh viên. Mức đó là 25m2/sinh viên. Nếu đạt định mức ấy thì được "hưởng" thuế suất 10%, còn nếu không đạt phải chịu thuế suất 25% tổng lượng học phí thu được.
Trớ trêu là quyết định 69 của Chính phủ quy định rằng Nhà nước sẽ cấp đất sạch cho các trường, mà các cơ quan hữu quan không thực hiện. Như vậy, thiếu đất đâu phải chỉ tội của các trường? Thực tế, hầu như không trường nào không lo tìm đất đai. Bộ cũng nên hiểu cho các trường, và đáng ra nên cùng lo toan với các trường...
* Những bất ổn nào xuất phát từ nội bộ các trường?
- Phải thừa nhận rằng có yếu tố chủ quan từ các trường, chủ yếu do áp lực tài chính và mâu thuẫn lợi ích. Cũng có hiện tượng một số nhà đầu tư "ăn non", muốn chia chác ngay dù đầu tư chưa tới, rồi đâu đó có hiện tượng mất đoàn kết. Vi phạm các quy định của bộ. Bộ thường xử lý nghiêm các sai phạm này. Chúng tôi ủng hộ. Chỉ mong hai điều. Xử lý công bằng minh bạch, với trường nào cũng vậy.
Mặt khác cũng cần trân trọng khích lệ nâng niu các thành quả mà các trường đạt được. Dưới sự chỉ đạo của bộ, một số trường đã khang trang đàng hoàng không thua kém các trường công lập thuộc loại lớn trong nước. Có một số trường dạy theo các chương trình quốc tế tiên tiến. Nhiều trường quản lý việc dạy và học rất mẫu mực, đồng thời tích cực bổ sung các kỹ năng mềm để nâng cao chất lượng toàn diện. Đó là những thành công của trường, cũng là thành công của bộ. Trường công hay trường tư đều là của bộ cả.
GS Phạm Phụ(Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP.HCM):
Không nên để các trường ngoài công lập chết
Chủ trương xã hội hóa giáo dục, phát triển trường ngoài công lập là chủ trương đúng đắn, sáng suốt. Trong hoàn cảnh giáo dục ĐH ngày càng đại trà thì đây là con đường tất yếu. Mục tiêu của giáo dục ĐH nước ta được xác định là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài... Trong khi các nước quan niệm mục tiêu giáo dục ĐH là tạo điều kiện cho thanh niên phát huy mức cao nhất tiềm năng người ta có. Từ quan điểm này, tuyển sinh "ba chung" phải có ngưỡng nhất định để đảm bảo chất lượng, nhưng chất lượng là một phổ rất rộng cả về tính chất và trình độ. Trước mắt, trong tuyển sinh ĐH Bộ GD-ĐT cần giữ cách tuyển sinh "ba chung" như hiện nay để đảm bảo chất lượng. Nếu bỏ "ba chung" thời điểm này sẽ rất nguy hiểm, dù tất cả trường tư sẽ tuyển đủ 100% chỉ tiêu nhưng lúc đó không còn chất lượng tối thiểu.
Trong hoàn cảnh VN hiện nay, trường công lập phải giữ vai trò đào tạo lớp sinh viên tốp trên, còn các trường ngoài công lập đào tạo sinh viên tốp trung bình và thấp. Nếu quan niệm như vậy phải có nhiều mức điểm sàn khác nhau cho nhiều loại trường trong tuyển sinh. Đây có thể được xem là giải pháp cấp bách trước mắt để cứu các trường ngoài công lập. Không nên để các trường ngoài công lập chết.
Theo Xa lộ tin tức