Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận: Ba phương án thi thực tế là một 30/07/2014 10:55:37

 Ba phương án thi thực chất là giống nhau, chỉ khác nhau về mức độ mà thôi. Chính vì thế chúng ta đừng cố gắng phân tích sự khác biệt giữa ba phương án này mà quan trọng là chọn mức độ như thế nào để phù hợp với số đông.

Đó là quan điểm chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận tại Hội nghị tổng kết năm học 2013-2-14 được tổ chức Hà Nội ngày 29/7.

Bộ trưởng Phạm Vụ Luận ví von: Chúng ta tưởng tượng 3 phương án thi như là cuộc hành trình tàu hỏa từ Hà Nội vào Sài Gòn. Phương án 1 là tàu chỉ đến Vinh thôi; phương án 2 là vào đến Đà Nẵng và phương án 3 là vào đến tận Nha Trang. Từ đây đến đích sẽ còn một đoạn nữa. Đây là hành trình đi đến cách thức thi cử theo hướng đánh giá năng lực, phẩm chất của học sinh. Chúng ta không thể “giật cục”.

Thực chất 3 phương án thi là 1 nhưng khác nhau về mức độ.

Thực chất 3 phương án thi là 1 nhưng khác nhau về mức độ.

Bộ trưởng đặt câu hỏi: Nếu “giật cục” các cháu không thi được thì chúng ta chấm ai? Năm nay không thi được thì sang năm nếu không có ai học nữa thì chúng ta dạy ai? Đây là vấn đề rất khó. Học sinh thi được mà thầy không chấm được thì như thế nào?

“Quá trình này vừa làm thay đổi học sinh theo hướng phát triển năng lực vừa là quá trính tự bồi dưỡng giáo viên từng bước một. Không phải qua lớp bồi dưỡng đào tạo hè mà qua hoạt động để các thầy cô giáo từng bước nắm vững từ bước cơ bản đến phức tạp, từ thực tiễn đến ý nghĩa của việc dạy và học” - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói.

Với tư cách ý kiến cá nhân, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận bày tỏ: Nếu đây là một cuộc chạy ma-ra-tông chỉ có mình tôi và 5-7 cháu học sinh thì tốt nhất là làm ngay phương án 3, chạy thẳng một phát là vào đến Nha Trang. Đây là cách hay nhất. Tuy nhiên ở đây không phải là một người mà là một nhóm người cũng với xấp xỉ 1 triệu học sinh thi ĐH, CĐ hàng năm. Chúng ta phải cân nhắc số đông này, đi với tốc độ nào để cho các cháu khỏe, nhanh nhẹn... cũng như các cháu không khỏe, không được nhanh nhẹn đều thi được. Vấn đề chúng ta phải suy nghĩ để thảo luận cho kỹ trước khi “chốt” phương án.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng khẳng định, quá trình lấy ý kiến góp ý chưa dừng lại. Sau hội nghị này, Bộ GD-ĐT xin phép Thủ tướng tổ chức hội nghị lãnh đạo các trường ĐH, CĐ toàn quốc để bàn tiếp về một số nội dung đã bàn ở hội nghị và triển khai công việc của khối đào tạo. Ngành giáo dục còn thời gian để xử lý việc hệ trọng này.

Đã có những bước đầu đổi mới và đi đúng hướng

Tại Hội nghị tổng kết, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Kì thi tốt nghiệp THPT 2014 đã có sự thay đổi so với trước đây khi chúng ta thực hiện phương châm “học gì thi đó”, 50% dựa vào kết qủa học tập các môn lớp 12, 50% từ kết quả thi 4 môn mà học sinh tự chọn, tránh được chuyện học tài thi phận, tránh học lệch, học tủ.

“Khi đưa ra cách thức thi như vậy, có ý kiến lo ngại việc dạy học cho điểm, chạy điểm… Quan điểm của tôi thì đây là hai việc hoàn toàn khác nhau. Như bác sĩ chữa bệnh vậy. Bệnh nội tâm dùng thuốc khác, bệnh ngoài da dùng thuốc khác. Bệnh nào có thuốc đó. Trong thực tế, cả xã hội cùng giám sát điểm số của học sinh, cách cho điểm của giáo viên. Ngành giáo dục đã dùng công nghệ quản lý điểm trên mạng, Sở làm chặt, trường làm chặt, các cháu, cha mẹ giám sát chặt chẽ, không dễ để thay điểm” - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận bày tỏ.

Quang cảnh Hội nghị tổng kết năm học 2013-2014 diễn ra ngày 29/7.

Quang cảnh Hội nghị tổng kết năm học 2013-2014 diễn ra ngày 29/7.

 

Cũng theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, ngành đã thay cách Bộ chọn hàng năm đó là Lý hoặc Hóa, Sử hoặc Địa bằng cách cho HS tự chọn. Điều này thể hiện chúng ta tôn trọng HS hơn, coi HS là chủ thể là cái tiêu, cái đích mà tất cả hoạt động của giáo dục hướng vào chứ không phải bắt HS chạy theo mình. Chúng ta để HS phát triển trên nền tảng của giáo dục toàn diện đến hết THCS, để HS được phát triển theo sở trường, năng lực của mình. Điều này được quán triệt sâu sắc và nghiêm túc tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương.

“Một số người lo HS chọn môn thi dẫn đễn học lệch. Tôi khẳng định như vậy cân đối hài hòa hơn trước. Bởi trước năm 2014 thì thường có quan niệm năm nay thi Sử thì năm sau HS biết không thi Sử nữa mà chuyển sang học Địa. Chúng ta đang dạy HS cách đối phó với những quyết định của cơ quan quản lý. Chúng tôi cũng đã có lúc bàn với nhau hay là “làm một quả”, cứ làm một “cú bất ngờ” cho HS biết tay, năm trước thi Sử, năm sau lại thi Sử.Cách làm này để HS không đoán “tủ”, nhưng mình là người lớn, mình là thầy, làm thế không được. Đó không phải là cách giáo dục, đó không phải là cách nêu gương của người lớn. Chính vì thế, tốt nhất là cho các cháu tự chọn môn thi” - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chia sẻ.

Cũng theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, các kì thi ngày càng nghiêm túc hơn, nhất là kỳ thi tốt nghiệp, trung thực hơn, hứng thú hơn, học sinh làm bài xong vẫn bàn tán hứng thú, không phải trút gánh nặng thở phào "đốt sách đi chơi" mà có lắng đọng, có tâm tư, định hướng riêng cho mình. Thầy cô giáo chấm bài xúc động, có người đọc bài làm của các em mà cảm thấy lặng người vì viết hay quá. Quan trọng hơn, với cách thi cử như vậy, các giáo viên ở cơ sở phản đều nhìn nhận là phải thay đổi cách dạy, cách học.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chia sẻ các vấn đề giáo dục tại Hội nghị tổng kết.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chia sẻ các vấn đề giáo dục tại Hội nghị tổng kết.

 

“Mấy chục năm nay, năm nào cũng hô hào đổi mới phương pháp dạy phương pháp học, có thay đổi nhưng không thay đổi theo hướng đổi mới căn bản, lần này hy vọng sẽ có” - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận bày tỏ niềm tin.

Giải mã việc kết quả kì thi Olympic ngày càng khởi sắc

Năm 2014, các đoàn dự thi Olympic quốc tế có kết quả rất cao. Tất cả các HS đi thi đều đoạt giải, nhiều HS đoạt giải cao, một số HS nằm trong top đứng đầu về điểm số của kì thi. Thứ hạng các đoàn Toán, Lis, Hóa cũng rất cao. Vậy nguyên nhân do đâu?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chia sẻ: Nhiều thí sinh con nhà nghèo, bố mẹ lao động chân tay vất vả, thậm chí cuộc sống thiếu thốn nhưng đoạt huy chương vàng, bạc, đồng, thủ khoa các trường đại học. Đây là sự cố gắng của các em, là tư chất thông minh, là sự đầu tư giáo dục của gia đình, là sự đầu tư dạy dỗ của thầy cô giáo, của quê hương địa linh nhân kiệt… Nhưng có một nhân tố, đó là sự thay đổi chính sách của ta trong việc tổ chức thi.

“Thi đại học nhiều cháu thủ khoa nhưng lại ở quê và không đi học thêm. Qua đây cho thấy, học thêm nhiều chắc gì đã đỗ thủ khoa” - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận bày tỏ.

Minh chứng cho việc thay đổi chính sách trong việc tổ chức thi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhắc lại câu chuyện em Ngô Phi Long - HS của tỉnh Sơn La hai năm liên tiếp đoạt huy chương vàng kì thi Olympic Vật lý quốc tế.

Bộ trưởng bộc bạch: Đây là một chuyện mà trước đây chưa từng có bởi lâu nay nhiều người hay nghĩ chỉ có những nơi có điều kiện thì mới có huy chương vàng. Bản thân tôi đã từng không cảm thấy hết được tầm vóc của việc này. Sau này, tôi tìm hiểu là vì sao ở HS ở tỉnh vùng khó không bao giờ đạt huy chương thì mới được biết là HS ở tỉnh đó không bao giờ vào được đội tuyển Olympic. Sở dĩ chúng ta có HS Sơn La ghi danh bảng vàng thành tích thế giới là bởi đã thay đổi cách tổ chức thi chọn HS giỏi thi quốc tế theo cách thức của thế giới.

Sự thay đổi về cách thi chọn học sinh giỏi thi quốc tế đã tạo nên thành công 

Sự thay đổi về cách thi chọn học sinh giỏi thi quốc tế đã tạo nên thành công của các đoàn dự thi Olympic.

 

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng khẳng định, mấy năm trước có giai đoạn dư luận, báo chí nói về sự sa sút của giáo dục mũi nhọn, phê bình ngành đang khủng hoảng. Tuy nhiên, được sự tư vấn của các nhà khoa học, ngành đã thay đổi cách thi, cách tổ chức lựa chọn học sinh cho các đội tuyển quốc gia, đội tuyển Olympic. Chính vì thế, thứ hạng của HS Việt Nam nâng lên, sự cố gắng của cáccháu, đầu tư của gia đình, xã hội cho những kết quả tốt và bên vững trong 3, 4 năm nay.

Kết thúc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chốt lại vấn đề: Bước đầu chúng ta đã đổi mới. Dù là bước đầu nhưng rất quan trọng vì đây là bước đổi hướng. Bước đổi hướng cũng rất quan trọng, chúng ta đã có sự đổi hướng nhưng chưa nhiều. Tuy nhiên điều đáng nói là chưa có sự đỗ vỡ gì nhưng được thầy cô giáo, HS đón nhận hồ hởi ghi nhận, động viện. Chính vì thế, ngành sẽ tạo nền tảng cho năm học 2014 - 2015 để có sự thay đổi sâu hơn. Ngoài công tác chỉ đạo của Bộ GD-ĐT thì các thầy cô cũng cần có sự nhiệt tình, tự giác hưởng ứng, đoàn kết, đồng lòng mới duy trì được kết quả này.

“Chúng ta thay đổi thi cử làm khâu đột phá đã được triển khai một cách an toàn.có kết quả và chúng ta sẽ làm tiếp” - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh.

Người đứng đầu ngành giáo dục cũng quán triệt, chương trình năm học tới là phải làm tất cả các công việc thương xuyên của hoạt động chuyên môn và quản lý một cách trung thực, khách quan, nghiêm túc. Thay đổi căn bản chính là dẹp bỏ những tệ nan, những tiêu cực trong ngành giáo dục. Giải quyết tất cả những hạn chế, yếu kém bất cập gây nên bức xúc của xã hội đó chính là thực hiện Nghị quyết 29, đó là thay đổi căn bản.

Nguyễn Hùng (Dân trí)