Cần có điểm sàn chung cho cả nước, đảm bảo trình độ đầu vào của SV trường ĐH, CĐ là những ý kiến đóng góp của bạn đọc với diễn đàn "Hiến kế xây dựng phương án điểm sàn mùa tuyển sinh 2013".
Ông Võ Đức Chỉnh - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Việt Hồng, TP Cần Thơ: Cần có một điểm sàn thống nhất chung cho cả nước
Chúng ta cần xây dựng điểm sàn làm sao để có chất lượng đào tạo thật sự; thứ hai là xây đựng điểm sàn để tạo điều kiện cho các trường đảm bảo chỉ tiêu và chất lượng; thứ ba là để HS có cơ hội vào học ĐH, CĐ, đặc biệt là HS ở vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn…
Hiện nay, HS vùng khó đã có chính sách ưu tiên và có điểm cộng (khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ) nên điểm sàn cho từng khu vực là không cần thiết.
Cần tùy theo tình hình ra đề của mỗi năm, tùy theo độ khó đề thi, căn cứ vào phổ điểm thực tế để xác định điểm sàn.
Chúng ta cần có một điểm sàn thống nhất chung cho cả nước, theo quy định của Bộ GD& ĐT. Từ đó mới có thể có mức điểm sàn hợp lý, phù hợp với đặc điểm trình độ, năng lực của thí sinh.
Phải tạo điều kiện cho các trường ngoài công lập mở rộng nguồn tuyển sinh trong khi các trường này đang gặp khó khăn như hiện nay.
Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tình thế, chỉ trong một vài năm để các trường ngoài công lập bớt khó khăn, từng bước phát triển, vững vàng cạnh tranh thực sự cùng trường công lập.
Nhìn chung phổ điểm của thí sinh trong kỳ thi ĐH, CĐ ở ĐBSCL thời gian qua còn thấp. Vấn đề là làm sao chúng ta nâng cao chất lượng ở bậc học phổ thông chứ không phải hạ điểm sàn để tuyển vào ĐH, CĐ. HS vùng ĐBSCL không phải không thông minh nhưng số lượng các em “quyết tâm” theo đuổi con đường ĐH, CĐ ít hơn so với HS các vùng miền khác. Nhiều người vẫn cho rằng nơi đây không chỉ có con đường học mới thoát nghèo. Họ vẫn có thể sống được bằng nhiều kế sinh nhai khác nên tâm lý của không ít phụ huynh và HS chưa quan tâm nhiều đến việc học.
Đã có chính sách ưu tiên khu vực, chính sách hỗ trợ rồi nên điểm sàn vẫn theo mặt bằng chung cả nước, không nên hạ thấp nữa. Nếu hạ điểm sàn chưa chắc kích thích việc học của HS, vô hình trung có thể làm giảm chất lượng đào tạo ở hệ ĐH, CĐ.
Hiện nay chúng ta đang đẩy mạnh phân luồng, phải thấy rằng không chỉ có con đường ĐH là duy nhất mà còn bậc CĐ, TC, nghề… Nếu vào ĐH nhiều quá chúng ta đào tạo quá nhiều thầy trong khi đó thiếu thợ. Nếu đầu vào của việc đào tạo thầy mà hạ thấp điểm tuyển thì khó lòng mà đảm bảo chất lượng.
Chúng tôi hy vọng sẽ có điểm sàn hợp lý, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo bậc ĐH. Song song đó sẽ phát triển hệ thống trường CĐ, trường trung cấp, trường nghề… chứ tình hình hiện nay các trường này đang gặp rất nhiều khó khăn.
Phụ huynh Phạm Văn Út (xã Bình Phú, Càng Long, Trà Vinh): Điểm sàn phải đảm bảo trình độ đầu vào của SV trường ĐH, CĐ.
Có thể thấy thời gian qua mức điểm sàn ở các khối là phù hợp với năng lực HS. Tuy mặt bằng về trình độ cũng như phổ điểm của HS chưa đồng đều nhưng quan trọng nhất là phải đảm bảo trình độ đầu vào của SV các trường ĐH, CĐ.
Hiện nay phụ huynh cũng như học sinh rất phấn khởi với chính sách ưu tiên về đối tượng và khu vực của Chính phủ.
Từ đây học trò vùng khó có thêm cơ hội vào học bậc ĐH, CĐ, học xong về phục vụ nhu cầu phát triển của địa phương.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT xây dựng điểm sàn làm sao đảm bảo mặt bằng chung để các em HS phổ thông có thể học được ở bậc ĐH, CĐ.
Điểm sàn thấp quá sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng đầu vào. Không khéo các trường sẽ tuyển sinh quá nhiều, có thể vượt chỉ tiêu trong khi điều kiện về cơ sở vật chất, giảng viên,… chưa đảm bảo.
Bên cạnh đó cần phải thống nhất điểm sàn chung cho cả nước. Các vùng, trong đó có các trường ĐH, CĐ sẽ ngồi lại với nhau, thông qua phổ điểm chung thí sinh đạt được để đưa ra điểm sàn.
Đặc biệt những trường ĐH vùng, ĐH lớn, có thương hiệu và đã khẳng định được chất lượng đào tạo thì mức điểm sàn phải cao hơn các trường nhỏ hơn. Thí sinh nào có năng lực thực sự sẽ vào học các trường tốp trên. Em nào điểm ít hơn sẽ học trường tốp dưới. Như vậy sẽ kích thích sự phát triển ổn định của hệ thống trường ĐH, CĐ của cả nước.
Chúng tôi tin tưởng rằng, nếu Bộ GD& ĐT đưa ra mức điểm sàn phù hợp sẽ nâng cao chất lượng GD ở bậc ĐH, CĐ. Từ đó sẽ góp phần từng bước nâng cao chất lượng GD phổ thông vì có mức điểm sàn phù hợp sẽ kích thích HS phấn đấu nhiều hơn, tập trung cho việc học hơn…
Theo: Giáo dục và thời đại