Chọn trường, chọn ngành thế nào cho phù hợp 19/03/2013 09:58:16
“Thi trường nào, ngành nào” đang là câu hỏi hóc búa đối với không ít HS lớp 12. Bởi không đơn giản là chọn một nơi để học lên cao hơn sau khi rời ghế nhà trường phổ thông, mà chính là chọn lấy một nghề, một hướng đi cho cả cuộc đời mình. Việc chọn ngành thường dựa trên sở thích, đam mê và khả năng của chính bản thân. Còn chọn trường lại dựa trên uy tín, thương hiệu, chất lượng đào tạo của nhà trường qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua các kênh tư vấn của HS, phụ huynh học sinh. 
 
“Soi” điểm chuẩn và tỷ lệ chọi các trường 

Trong các kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, điểm trúng tuyển mỗi ngành cao hay thấp không phụ thuộc số lượng thí sinh hay tỷ lệ “chọi”, mà tùy thuộc nhiều vào chất lượng thí sinh dự thi vào ngành và độ khó của đề thi.

Ở các trường luôn đông thí sinh như ĐH Nông Lâm TPHCM, ĐH Sài Gòn, ĐH Công nghiệp…, nhiều ngành điểm chuẩn cũng chỉ ở mức 15. Do vậy, các thí sinh không quá âu lo trước những ngành luôn có đông thí sinh.

Trong khi đó, điểm chuẩn các ngành sư phạm lại không có sự chênh lệch quá lớn giữa các trường. Đặc biệt, trong một vài năm trở lại đây, lượng thí sinh dự thi vào các ngành sư phạm ở các trường ngày càng ít dần. Điểm chuẩn dao động ở khoảng 13-18 điểm. 

Nhóm ngành y, dược, răng hàm mặt… nhìn chung điểm chuẩn ở mức tương đối cao, khoảng 22 điểm trở lên. Nhóm ngành ở các trường y có điểm chuẩn trên dưới 20. Trong khi đó, ngành sinh học luôn có mức điểm thấp hơn 2-4 điểm.
 
Thí sinh dự thi ĐH năm 2012

Ở khối B, nhóm ngành: nông - lâm - ngư gồm chăn nuôi, trồng trọt, chế biến thủy sản, chế biến nông sản, nông học, bảo vệ thực vật, bệnh học thủy sản… luôn có mức điểm chuẩn 14-15 ở hầu hết các trường công.

Với khối C, điểm chuẩn cao nhất thuộc về ngành báo chí, ngữ văn... Thông thường, điểm chuẩn khối C các trường phía Bắc luôn cao hơn phía Nam khoảng 2 điểm.

2 yếu tố  chọn trường, chọn nghề

Theo các chuyên gia giáo dục, để lựa chọn ngành nghề phù hợp cần căn cứ vào một số điều kiện cơ bản như: Sở thích nghề nghiệp và hoàn cảnh bản thân; mục tiêu đào tạo và nhu cầu xã hội của ngành nghề đó; uy tín, điều kiện học tập ở trường định dự thi và cuối cùng mới là khả năng dự thi và trúng tuyển vào trường đã lựa chọn. Nên chú ý, chọn đúng nghề phù hợp với mình là con đường ngắn nhất để có việc làm và thành đạt sau này.

Với mỗi thí sinh, trước hết cần xác định mình có phù hợp và thật sự yêu thích công việc cụ thể của ngành nghề đó không. Sau đó mới nên quyết định chọn ngành và cuối cùng mới là cân nhắc học lực, điều kiện riêng của mình để quyết định thi vào bậc học nào: ĐH, CĐ hay trung cấp chuyên nghiệp, học nghề.

Cũng cần lưu ý, học lực là yếu tố quyết định sẽ trúng tuyển hay không nhưng lại không quyết định sự thành công của mỗi người trong đời. Học giỏi, thi đậu vào trường mình yêu thích chưa chắc đã có thể dễ dàng thành công sau này. Mục đích sau cùng của con đường lập nghiệp là sau khi học xong có thể hành nghề đúng chức danh ngành nghề đã được đào tạo. 

Đặc biệt, đối với các ngành năng khiếu như: nhạc, họa, sân khấu, thiết kế thời trang, mỹ thuật... là những ngành có thể hấp dẫn thí sinh nhưng rất kén người. Do vậy, nếu không có năng khiếu đặc biệt, không thật sự say mê thì không nên chọn những nghề này.

Với kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013, cùng việc nghiên cứu xu hướng phát triển các ngành nghề, nhu cầu nhân lực của xã hội, thí sinh hãy tham khảo những lời khuyên, tư vấn từ cha mẹ, thầy cô, từ các chuyên gia giáo dục để có định hướng khi chọn trường, chọn ngành đăng ký dự thi. Năng lực học để thi vào các trường, năng khiếu để chọn ngành, chọn nghề. Cần chú ý đến năng lực học tập trong suốt một quá trình 12 năm học phổ thông và những sở trường, niềm đam mê của bản thân để từ đó có quyết định đúng đắn.
 
Theo: Giáo dục và thời đại