Đi tìm giải pháp cho tuyển sinh hệ đào tạo không chính quy năm 2013 20/03/2013 08:33:03
Chiều qua 19/3 tại Hải Phòng, Trung tâm phát triển đào tạo Viện Đại học Mở Hà Nội đã tổ chức Hội thảo về công tác tuyển sinh hệ không chính quy, tham dự Hội thảo có đại diện nhiều trường chuyên nghiệp, dạy nghề, các trung tâm giáo dục thường xuyên và các khoa đào tạo thuộc Viện Đại học Mở Hà Nội.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Minh Đức – Giám đốc Trung tâm phát triển đào tạo đã đưa ra thực trạng hoạt động tuyển sinh năm 2013. Theo đó, năm 2013 này công tác tuyển sinh báo hiệu nhiều khó khăn như: Nhiều trường tham gia hoạt động tuyển sinh dẫn đến cạnh tranh quyết liệt; nguồn tuyển sinh khó khăn, các ngành công nghệ kỹ thuật tuyển sinh khó; địa bàn tuyển sinh bị thu hẹp, một số địa phương không được tuyển sinh tiếp.
 
 Nhiều tham luận có giá trị, chỉ ra hướng đi cho mùa tuyển sinh năm 2013 

Tuy nhiên cũng có những thuận lợi do tổng chỉ tiêu tuyển sinh chính quy, vừa học, vừa làm giảm thì người học lại tìm đến loại hình đào tạo từ xa. Các địa phương chủ động kế hoạch tuyển sinh ngay từ đầu năm nên có thể triển khai sớm. Thêm nữa việc điều chỉnh quy mô tuyển sinh hệ từ xa cũng như tăng cường áp dụng công nghệ trong đào tạo đã góp phần thuận lợi hơn cho công tác tuyển sinh.

Giải pháp được đưa ra trong năm 2013 này là: Cải tiến chương trình đào tạo đảm bảo năng động, thực dụng, phù hơp với nhu cầu của xã hội; Công bố rộng rãi chuẩn đầu ra, bao gồm chuẩn về kiến thức chuyên môn và hiệu quả thực tế sau tốt nghiệp; Mở thêm nhiều chuyên ngành, các chương trình đào tạo ngắn hạn, hoàn thiện các chương trình đào tạo theo tín chỉ với phương thức đào tạo từ xa truyền thống nhưng phù hợp với thực tế và người học nhưng đảm bảo chất lượng.

Tham luận của nhiều đại biểu tại Hội thảo đã làm rõ hơn hiệu quả, tính thiết thực của loại hình đào tạo này. Bà Đặng Thị Huấn - Giám đốc TTGDTX Đông Anh, Hà Nội đã đưa ra những nguyên nhân ảnh hưởng đến nguồn tuyển như: Kinh tế khó khăn dẫn đến việc học mở rộng thêm kiến thức không phải là ưu tiên hàng đầu; Độ tuổi của người học lựa chọn loại hình này đang trẻ hoá và bị phân tán ở các trường chính qui, dân lập; Các điểm tuyển sinh đặt lớp của loại hình này quá dày trên một khu vực dân cư; Học phí tăng cao, người học đều là những người lao động, rất nhiều công ty, xí nghiệp giải thể, không có việc nên có nhiều người học đã bỏ giữa chừng. 
 
Các đại biểu tham dự Hội thảo 

TS. Nguyễn Tiến Hùng – Chủ nhiệm Khoa Kinh tế đã đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn trong năm 2013  là: Cần phải linh hoạt, chủ động, tích cực hơn nữa trong công tác tuyển sinh; Phối hợp tích cực với Trung tâm phát triển đào tạo, các đơn vị liên kết đào tạo trong công tác tuyển sinh; Đổi mới chương trình đào tạo dài hạn phù hợp với yêu cầu thực tiễn, vừa sức với sinh viên, có tính ứng dụng cao; Xây dựng thêm nhiều chương trình đào tạo ngắn hạn dựa trên nhu cầu xã hội (thực hành kế toán, thực hành kê khai thuế, kế toán dành cho nhà quản lý, kế toán viên, kế toán trưởng, chủ tài khoản đơn vị HCSN, kỹ năng mềm trong quản lý, giám đốc doanh nghiệp…).   

Phát biểu của ThS. Trần Thị Lan Thu – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm đào tạo Elearning khẳng định, loại hình ĐTTX và elearning làm cho xã hội, người học hiểu rõ hơn về thế mạnh của Viện Đại học Mở đối với loại hình ĐTTX. Việc tăng cường các hoạt động này góp phần cung cấp đầy đủ thông tin để người học hiểu được cơ bản về phương pháp học tập từ xa, những ưu điểm thuận lợi mà hình thức học tập từ xa mang lại cho học viên, tạo điều kiện thuận lợi để người học đăng ký và làm các thủ tục cần thiết trước khi bước vào khoá học. Để công tác tuyển sinh ngày càng hiệu quả hơn, theo bà: Cần tăng cường công tác quảng bá, tuyên truyền thế mạnh về kinh nghiệm nghiên cứu và đào tạo từ xa của Viện Đại học Mở Hà Nội. Có đầy đủ các hướng dẫn thông tin tuyển sinh cho học viên như các quy trình thủ tục, các câu hỏi thường gặp đưa lên mạng…, tạo điều kiện cho người học đăng ký trực tuyến và tư vấn trực tuyến trên mạng… các thủ tục đăng ký tuyển sinh linh hoạt, đúng qui định. 

Phát biểu tại Hội nghị TS. Lê Văn Thanh – Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội đã đánh giá cao những cố gắng, kết quả đạt được của Trung tâm phát triển đào tạo, cũng như sự hợp tác hiệu quả của các đơn vị. Ông cho biết, thực hiện chủ trương đổi mới tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, trong đó có việc giảm chỉ tiêu đào tạo. Trong bối cảnh đó hoạt động đào tạo cũng phải đổi mới cho phù hợp nhưng vẫn phát huy tối đa năng lực và khả năng thu hút người học và đào tạo. Cần phải có những đổi mới về tuyển cho thích hợp, đa dạng hóa công tác tuyên truyền. Trong quản lý đào tạo cần đổi mới, lập kế hoạch học và thi theo hệ thống tín chỉ, việc xét hết môn, xác định ngay thời gian đào tạo từ khi vào học, thực hiện nghiêm quy chế thi, xóa hẳn việc tổ chức đào tạo theo khóa, tăng cường các hoạt động khen thưởng cho sinh viên.

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ, học liệu, đầu tư mua sắm trang thiết bị mới phục vụ quản lý và học tập. Xây dựng thêm các studio phục vụ cho việc biên soạn các giáo trình học liệu điện tử. Chú trọng hoàn thiện toàn bộ học liệu, chuyển từ học liệu truyền thống sang các giáo trình học liệu điện tử sinh động để cung cấp miến phí cho sinh viên tất cả các hệ đào tạo, đặc biệt là sinh viên hệ từ xa. Đồng thời hoàn thiện các phần mềm quản lý sinh viên, nối mạng đến tất cả các cơ sở liên kết đào tạo trên cả nước.

Theo: Giáo dục và thời đại