Thứ trưởng Bùi Văn Ga kiểm tra công tác chuẩn bị thi của các Hội đồng
Trực tiếp thị sát tại 2 điểm thi của Trường ĐH Công đoàn và Trường ĐH Thủy lợi, Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã kiểm tra từng hộp đựng giấy thi, túi đựng giấy thi; trao đổi với các cán bộ làm công tác tổ chức thi các kỹ năng cần thiết cho từng buổi thi; đồng thời kiểm tra việc làm thủ tục đăng ký thi của thí sinh ở các điểm thi này. Thứ trưởng đã dành thời gian động viên cán bộ coi thi và chia sẻ với các thí sinh đến đăng ký dự thi.
TS Phạm Gia Thảo - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công đoàn - cho biết: Để đảm bảo kỳ thi diễn ra tốt đẹp, đồng thời tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh dự thi, nhà trường đã chọn thuê những địa điểm gần trường, cơ sở vật chất đảm bảo và nhất là dễ tìm; đồng thời huy động thêm sinh viên để tăng cường cán bộ coi thi.
Hiệu trưởng - Chủ tịch Hội đồng coi thi Trường Đại học Thủy lợi Nguyễn Quang Kim - cho biết: Để đảm bảo nghiêm túc và giữ nghiêm kỷ luật phòng thi, nhà trường yêu cầu cán bộ coi thi làm theo đúng quy chế tuyển sinh. Ghi nhận chung ở cả 2 Hội đồng thi Đại học Công đoàn và Đại học Thủy lợi, các công việc liên quan đến thi đều đã sẵn sàng, giám thị được tập huấn kỹ nhằm tránh tuyệt đối những sai sót.
Tại Trường ĐH Thương mại, đoàn công tác do Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Bùi Anh Tuấn dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo nhà trường về công tác chuẩn bị cho kỳ thi. Ông Đinh Văn Sơn - Hiệu trưởng cho biết: Kỳ tuyển sinh năm nay, có trên 1.000 giám thị được huy động coi thi, trong đó có 577 là sinh viên, chiếm gần 50% số lượng cán bộ coi thi.
Cán bộ coi thi đối chiếu các thông tin thí sinh
Đoàn kiểm tra của Bộ đã kiểm tra các phòng thi của hội đồng thi Trường ĐH Thương mại, xem xét công tác phổ biến quy chế của giám thị, đồng thời có những dặn dò, động viên thí sinh cố gắng trong đợt thi bắt đầu từ sáng nay 4/7. Đánh giá của Vụ trưởng Bùi Anh Tuấn cho thấy Trường ĐH Thương mại, cũng như một số các trường ĐH khác mà đoàn kiểm tra, đã hết sức cố gắng, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các thí sinh. Việc tập huấn giám thị và các lực lượng tham gia kỳ thi được các trường tổ chức nghiêm túc theo đúng chỉ đạo của Bộ GD&ĐT; trường nào có ký túc xá đều sẵn sàng mở cửa đón thí sinh và người nhà với những ưu đãi tối đa. Ngoài lực lượng huy động trong nhà trường, các lực lượng xã hội khác như thanh niên, sinh viên tình nguyện, nhà chùa... cũng đã nhiệt tình tham gia tiếp sức mùa thi; hỗ trợ nhà trọ, cơm, nước uống miễn phí... Vụ trưởng Bùi Anh Tuấn khẳng định: Với sự quan tâm rất lớn của nhà trường và toàn xã hội, đến nay, công tác chuẩn bị diễn ra thuận lợi, sẵn sàng cho kỳ tuyển sinh 2013.
Tại Trường ĐH Mỏ - Địa chất, đoàn công tác do Vụ trưởng Vụ giáo dục thường xuyên Nguyễn Công Hinh dẫn đầu đã kiểm tra công tác chuẩn bị thi. Theo báo cáo của Trường ĐH Mỏ - Địa chất, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất năm nay được trường hết sức chú trọng; chỉ đặt các điểm thi tại trường và các trường phổ thông có cơ sở vật chất đáp ứng được yêu cầu. Qua kiểm tra thực tế điểm thi tại trường và một điểm thi đặt tại Trường Tiểu học Xuân La (quận Tây Hồ), đoàn kiểm tra ghi nhận công tác chuẩn bị cơ sở vật chất cho kỳ thi đã được Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Mỏ - Địa chất chuẩn bị kỹ lưỡng. Công tác tập huấn cho giám thi coi thi và các công tác khác được chuẩn bị theo đúng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình phải đúng quy chế
Liên quan đến vấn đề thí sinh được phép mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi, ông Đinh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Thương Mại - cho biết Bộ GD&ĐT đã có những hướng dẫn rất cụ thể và khẳng định nhà trường không gặp trục trặc gì khi triển khai quy định mới này; đồng thời đã phổ biến kỹ tới cán bộ coi thi cũng như thí sinh ngay trong ngày làm thủ tục đăng ký dự thi.
Kết quả kiểm tra của các đoàn công tác thuộc Bộ GD&ĐT cho thấy trong ngày làm thủ tục đăng ký dự thi cho thí sinh, tại các hội đồng thi, cán bộ coi thi đều rất chú trọng việc tổ chức phổ biến quy chế thi, điều chỉnh các sai sót trong giấy báo thi... Đặc biệt hướng dẫn thí sinh mang các dụng cụ vào phòng thi đúng quy chế; nhắc nhở thí sinh nếu mang các thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi phải lưu ý đến những loại được phép sử dụng theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
- Số trường Đại học tổ chức thi: 133 trường.
- Số điểm thi: 996
- Số phòng thi: 24.311
- Số thí sinh đăng kí dự thi: 843.687
- Số thí sinh đến làm thủ tục dự thi: 629.833
- Tỷ lệ thí sinh làm thủ tục dự thi/số đăng kí dự thi: 74,65% (tăng so với năm 2012 là 1,26%).
- Số cán bộ tham gia công tác tuyển sinh: 69.468
Đây cũng là vấn đề đã được các hội đồng thi chú trọng ngay từ khi bắt tay vào chuẩn bị các hoạt động phục vụ kỳ thi. Tại Trường ĐH Công đoàn, để giúp giám thị hiểu rõ hơn về các thiết bị này, nhà trường đã mời cán bộ an ninh của PA83 đến tư vấn và tập huấn cho cán bộ coi thi về những tình huống nếu thí sinh sử dụng các thiết bị ghi âm, ghi hình không đúng với quy chế cho phép. Còn Hội đồng thi Đại học Thủy lợi lại cho in hẳn một cuốn cẩm nang hướng dẫn giám thị những điều cần thiết, bên cạnh đó cũng tập huấn cho giám thị về việc thực hiện đầy đủ các kỹ năng làm thi theo đúng hướng dẫn. Hội đồng này cũng nhắc giám thị phổ biến thường xuyên cho thí sinh nhiệm vụ của các em đến là để đi thi, làm bài cho tốt, tránh tuyệt đối vi phạm quy chế để bị xử lý.
Tuy vậy, tại những điểm thi các đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đến kiểm tra, việc làm thế nào để phát hiện, ngăn chặn thí sinh sử dụng các thiết bị điện tử không được phép trong phòng thi vẫn là mối băn khoăn của rất nhiều cán bộ coi thi. Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: “Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ về tính chất khác nhiều so với kỳ thi tốt nghiệp THPT, thí sinh dự thi là để làm bài, các cán bộ coi thi không nên quá lo lắng. Nếu yêu cầu Bộ GD&ĐT liệt kê hết các thiết bị công nghệ hiện đại là rất khó. Có hội đồng thi yêu cầu nếu thí sinh mang thiết bị ghi âm ghi hình vào phòng thi phải kèm theo bản hướng dẫn sử dụng đi kèm, đây là điều không cần thiết, chỉ thêm căng thẳng cho cả thí sinh và người coi thi”.
Thí sinh tự tin bước vào đợt I kỳ thi ĐH, CĐ năm 2013
Nhấn mạnh vai trò giám sát xã hội, minh bạch trường thi là cần thiết trong mỗi kỳ thi, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định: “Nếu một thí sinh nào đó sử dụng thiết bị công nghệ cao để quay cóp (như đồng hồ) thì giám thị sẽ dễ dàng phát hiện vì thí sinh đó làm bài nhưng sẽ chăm chăm nhìn vào đồng hồ. Chính vì vậy, trách nhiệm của người coi thi sẽ nhiều hơn vì phải quan sát, phát hiện những thí sinh có những hành động không bình thường ở trong phòng thi. Thế nên, việc tập huấn giám thị của các Hội đồng thi là rất quan trọng. Bởi có quy chế, nhưng nếu giám thị mà không làm tròn trách nhiệm của mình thì sai sót là điều khó tránh khỏi".
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, năm nay là năm thứ hai thực hiện Quy chế tuyển sinh cho phép thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình, không có chức năng phát âm, phát hình tại chỗ cũng như không có truyền thông tin ra ngoài. Quy chế này nhằm tăng tính minh bạch của kỳ thi và làm tăng trách nhiệm, vai trò của giám thị. Hiện cán bộ coi thi đã có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc phát hiện, xử lý sai phạm.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tiếp tục cầm đường dây nóng
Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013, dù đang tham dự kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XIII, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận vẫn cung cấp đường dây nóng tới cáccơ quan thông tấn qua số điện thoại và email: pvluan@moet.edu.vn, với mong muốn nhanh chóng tiếp nhận những thông tin liên quan đến công tác tổ chức thi để nắm bắt tình hình, kịp thời có sự chỉ đạo.
Tại kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ lần này, qua đường dây nóng nêu trên, Bộ trưởng cũng mong muốn được tiếp nhận các thông tin góp phần tổ chức kỳ thi nghiêm túc, chất lượng.
Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ GD&ĐT cũng công bố đường dây nóng trực thi trong suốt kỳ thi tuyển sinh năm nay qua các số điện thoại: 0438682136, 0989538415.
(Theo: Giáo dục và thời đại)