Thí sinh “ngã ngựa” cần thông minh với nguyện vọng 2 13/08/2013 14:45:43
Điểm sàn đã có, các trường đã bắt đầu công bố điểm chuẩn, nhiều thí sinh biết rằng mình đã “ngã ngựa”. Và chiến dịch “săn lùng” nguyện vọng 2 (NV2) đã chính thức bắt đầu...
 
Cuộc đua gay cấn

Năm nay, số thí sinh đạt từ điểm sàn trở lên so với số chỉ tiêu các khối đã nhiều hơn hẳn. Điều này có nghĩa là các trường có thể thoải mái hơn trong việc xét tuyển, nhưng cũng đồng nghĩa với việc thí sinh sẽ phải cạnh tranh gay gắt hơn trong việc chọn chỗ học theo NV2, 3.

Mặc dù điểm thi của thí sinh năm nay khá cao nhưng có thể thấy nhiều trường đã nâng mức điểm trúng tuyển NV1 lên so với năm trước, để dành chỉ tiêu cho NV2, 3. Đặc biệt các trường công lập “có tiếng” cũng đã thông báo xét tuyển NV2.

Vì điểm thi cao nên tham gia cuộc đua NV2 năm nay có không ít thí sinh trượt NV1 từ những trường lấy điểm “khủng” như ĐH Y Hà Nội, ĐH Dược Hà Nội, ĐH Ngoại thương… đã khiến các thí sinh đạt mức điểm từ 16 - 19 rơi vào cảnh lỡ làng.

Thí sinh Nguyễn Ngọc Hà, quê Hà Nam, dự thi vào khoa Y Dược (ĐH Quốc gia Hà Nội) ngành Dược học được 25 điểm ngậm ngùi khi điểm trúng tuyển lên tới 26,5.

“Điểm thấp mà trượt đã đi một nhẽ. Đằng này, em được đến ngần đấy điểm mà vẫn trượt nên cũng buồn. Các trường cùng nhóm ngành điểm cũng quá cao nên bây giờ tìm một chỗ học khác là rất đau đầu” - Hà than thở.

Cá nhân Hà và không ít thí sinh khác đang nỗ lực “cải thiện” tình hình bằng việc săn lùng NV2. NV2 không “dành riêng” cho một thí sinh nào nên ngoài việc phụ thuộc trường ĐH đó có tuyển NV2 hay không và điểm số của các em có đủ để trúng tuyển theo nguyên tắc lấy từ cao xuống thấp hay không, thí sinh còn phải biết “tính” khi nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển.

Theo kinh nghiệm của các thí sinh đi trước, đa phần các trường ĐH nhóm đầu sẽ hạn chế tuyển NV2 hoặc nếu có thì chỉ diễn ra với những ngành “kém hấp dẫn”. Vì thế, đa số các thí sinh sẽ đổ dồn vào tranh suất học NV2 tại các trường ĐH nhóm giữa - trong trường hợp các trường này đã lấy NV1 mà vẫn còn thiếu chỉ tiêu.

Phải tính toán hợp lý

Theo thống kê của Bộ GDĐT, năm 2013 số thí sinh trên điểm sàn ĐH, CĐ các khối nhiều hơn so với tổng chỉ tiêu tới 238.768 - nghĩa là trong trường hợp các trường tuyển được hết chỉ tiêu thì có tới ngần đó em vẫn không tìm được chỗ học.

Năm nay, thí sinh trượt NV1 nếu có kết quả thi bằng hoặc cao hơn điểm sàn cao đẳng sẽ được nhận giấy chứng nhận kết quả thi. Ứng với mỗi khối thi, thí sinh sẽ nhận được 03  giấy chứng nhận kết quả thi. Thí sinh sẽ gửi các giấy chứng nhận này về trường có chỉ tiêu để đăng ký xét tuyển NV2.

Từ năm 2011 Bộ GDĐT cho phép thí sinh được quyền rút hồ sơ nếu không trúng tuyển hoặc có nguyện vọng rút hồ sơ đăng kí xét tuyển NV2 đã nộp. Các trường cũng được thực hiện xét tuyển nhiều đợt.

Quy định linh hoạt trên vừa là thuận lợi, nhưng cũng là “thách đố” với thí sinh. Việc này đòi hỏi thí sinh phải thường xuyên cập nhật thông tin về thời gian xét tuyển, chỉ tiêu, diễn biến hồ sơ NV2… của trường để dự đoán khả năng đỗ hay trượt.

Bộ GDĐT cũng tạo thuận lợi cho thí sinh trong việc theo dõi tình hình hồ sơ đăng ký xét tuyển bằng cách yêu cầu các trường phải cập nhật thông tin hàng ngày. Tuy nhiên, thí sinh cần lưu ý số lượng hồ sơ nộp vào không phải là yếu tố quyết định, mà điều quyết định chính là điểm số của mình. Nếu một ngành lấy 100 chỉ tiêu NV2 mà có 300 hồ sơ đăng ký xét tuyển không có nghĩa cơ hội cho người đến sau không còn. Nếu 300 hồ sơ này đều có điểm thấp thì thí sinh thứ 301 có điểm cao hơn vẫn sẽ trúng tuyển.

Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp, thí sinh thấy đông người nộp hồ sơ vào một ngành nên ào ạt rút hồ sơ để “chạy” sang chỗ vắng. Cuối cùng lại trao cơ hội cho số người trụ lại hoặc nộp sau đó. Vì thế, để “thắng” trong cuộc chiến NV2 này, thí sinh cần có tính toán hợp lý.

Các chuyên gia giáo dục đều chung lời khuyên: Với các trường nhóm giữa, nếu thí sinh có điểm thi chỉ bằng điểm xét tuyển, nếu chỉ tiêu NV2 của trường đó còn lại không nhiều thì khả năng bị loại là lớn. Muốn tăng cơ hội trúng tuyển, thí sinh nên nộp hồ sơ vào những trường mà kết quả thi của mình cao hơn mức điểm nhận hồ sơ tối thiểu từ 0,5 - 1 điểm. Trong trường hợp điểm thi chỉ bằng điểm sàn, thí sinh nên nộp hồ sơ vào các trường ĐH vùng, các trường ngoài công lập...  với chỉ tiêu dồi dào hơn.


Theo Lao động