Hàng loạt câu hỏi kèm theo sự lo lắng, hoang mang, có bạn stress,.. vì dự thảo tuyển sinh ĐH 2014 cho phép các trường tự chủ tuyển sinh, không cần thi theo hình thức “3 chung”
Dự thảo tuyển sinh ĐH vừa được Bộ GD-ĐT có nhiều điểm mới, trong đó cho phép các trường ĐH-CĐ từ 2014 tự chủ phương thức tuyển sinh phù hợp như thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Các trường có thể không cần thi theo phương thức “3 chung” như trước đây.
Thí sinh trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2013. (Ảnh: Văn Chung).
Đáng chú ý là thí sinh thi vào trường tuyển sinh riêng sẽ không được sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào các trường thi chung.
Tới 2017, tất cả các trường phải có phương án tuyển sinh riêng.
Ngổn ngang trăm mối
Nhiều học sinh THPT tỏ ra khá hoang mang, thậm chí stress khi nhận thông tin này, nhất là các bạn lớp 12 chuẩn bị thi ĐH.
Đại Dương, HS lớp 12H Trường THPT Chuyên ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: “Mình và nhiều bạn khá bất ngờ với thông tin này. Hiện học sinh lớp 12 đang tập trung thi cuối kỳ I khá căng thẳng. Nhiều bạn lo không rõ trường ĐH mình thích có tuyển sinh riêng không. Nếu có thì thời gian không nhiều, sẽ phải chuẩn bị ra sao? Ôn thi như thế nào?”
Họa My, Trường THPT Xuân Đỉnh (Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Mình không biết là có đủ chỉ tiêu vào trường đại học mong muốn nếu như trường đó tuyển sinh theo kiểu xét tuyển”.
Quan trọng là nếu đổi sang thi tự luận thì coi như xong vì tụi mình tập trung ôn luyện gần như hoàn toàn là trắc nghiệm”.
Trong khi đó, Nguyễn Vũ (sinh năm 1995, quê Vĩnh Phúc) chia sẻ nỗi lo: “Năm ngoái mình thi ĐH và thiếu 0,5 điểm, những lần nộp đơn NV1 và NV2 cũng không được. Năm nay mình đang quyết tâm ôn thi lại. Nhưng khi nghe thông tin có thể các trường sẽ tuyển sinh riêng, kết quả không được nộp sang trường khác thực sự mình rất stress vì chưa chuẩn bị tinh thần đối diện”.
Trà My, học sinh lớp 11E, Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ tâm trạng: “Dẫu chưa thi ngay nhưng nhiều bạn trong lớp mình cũng lo nếu trường đổi sang thi tự luận nhiều sẽ khó khăn vì tụi mình tập trung ôn luyện gần như hoàn toàn là trắc nghiệm”.
Nguyễn Dương một học sinh lớp 12 trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội bổ sung: “Mỗi trường thi riêng theo cách thức khác nhau. Học sinh nếu mong muốn thi vào trường tuyển sinh riêng lại tiếp tục phải lao vào học thêm, đặc biệt là môn chuyên ngành cày kiến thức ngoài những môn theo 3 chung đã học trước đó”.
“Như thế cũng là cơ hội tốt để nhiều trung tâm luyện thi hay các thầy cô trong trường đại học có thêm việc làm, lại tấp nập như ngày trước cũng nên” – một teen 96 Trường THPT Xuân Đỉnh (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết.
Cần bình tĩnh
Tuy thế, nhiều bạn vẫn tỏ ra khá bình tĩnh và thận trọng trước thông tin này.
Đại Dương trấn an các bạn: “Mình đọc thông tin thấy hiện chỉ có ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2014 thí điểm tuyển sinh theo hình thức mới nhưng ở diện hẹp. Đa phần các trường công lập có môi trường tốt như Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội,…sẽ vẫn sử dụng 3 chung nên chúng mình cũng không quá lo, tập trung ôn luyện như trước”.
Trà My cho biết: “Vẫn có nhiều trường để mình và các anh chị lớp 12 chuẩn bị thi đại học đăng ký lựa chọn tổ chức thi theo phương thức 3 chung. Còn một năm nữa để mình chuẩn bị cho kỳ thi đại học. Nếu các trường tuyển sinh riêng cũng có cái hay".
Thu Phương, một học sinh lớp 12 tại Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc cho rằng: "Nếu như đi theo lối mòn ngày trước thì không biết đánh giá thực sự vào một bài thi đậu là do học nhiều làm được bài hay ăn may do đánh lụi. Hình thức mới như thi bài luận, phỏng vấn, thực hành ... cũng khá thú vị chứ”.
Cô Lan Anh, GV Văn Trường THPT Trần Phú – Hoàn Kiếm (Hà Nội) đưa lời khuyên: “Dù như thế nào các em cũng phải bình tĩnh. Trước mắt cần cố gắng vượt qua kỳ thi cuối học kỳ I với điểm số mong muốn. Đây mới chỉ là dự thảo, chưa có quy định chính thức.
Việc tuyển sinh riêng chủ yếu mở ra cho các trường đầu vào thấp dễ dàng hơn hay trường cần lựa chọn những người giỏi nhất trong số những người giỏi. Nếu các em học tốt thì hình thức thi nào cơ hội vào đại học vẫn mở rộng. Có thắc mắc nên trao đổi với giáo viên chủ nhiệm, nhà trường tránh tâm lí hoang mang, lo lắng”.
(Theo: Vietnamnet)