"Em mơ ước lớn lên sẽ trở thành một nhà văn vì em rất thích học văn học" - đó là ước mơ lớn lao của em Nguyễn Cẩm Vân, học sinh lớp 6A4 Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, TP Thanh Hóa hiện đang phải "sống chung" với căn bệnh xương thủy tinh.
Nhìn thân hình gầy còm, ốm yếu của Cẩm Vân, không ai nghĩ rằng năm nay em đã 14 tuổi.Sau mỗi lần bị ngã gãy xương thì xương trong cơ thể em lại bị ngắn thêm một ít. Nhiều chỗ, xương bị cong teo khiến cho bây giờ thân hình em co dúm lại, gầy còm, chân tay teo tóp. 14 tuổi mà nhìn em như một đứa trẻ mới lên 3.
Hàng ngày em Nguyễn Cẩm Vân đến trường trên đôi tay của mẹ.
Căn bệnh xương thủy tinh hành hạ khiến Cẩm Vân đau ốm triền miên, không ăn uống được gì. Cho đến bây giờ em vẫn không tự đứng lên đi được, chỉ ngồi hay nằm bất động một chỗ, muốn dịch chuyển phải nhờ người khác. Thời gian nằm bệnh viện nhiều hơn ở nhà, mãi hơn 8 tuổi, Vân mới có thể đến trường đi học được. Cho đến nay hơn 14 tuổi em mới học đến lớp 6.
Chị Nguyễn Thị Tám - mẹ em Cẩm Vân cho biết: "Khi mới sinh ra, cháu Vân như những đứa trẻ bình thường khác. Nhưng khi cháu lên 4 tuổi, những triệu chứng của căn bệnh xương thủy tinh bắt đầu biểu hiện. Chỉ cần bị ngã nhẹ khi đang vui đùa hay khi không may chống tay xuống bất ngờ cũng bị gãy xương. Hai vợ chồng tôi đã cố gắng đưa đi khắp các bệnh viện nhưng không thể nào chữa được bệnh cho con".
Tuy bị bệnh tật nhưng Cẩm Vân học rất giỏi khiến thầy cô và bạn bè vô cùng quý mến. Em là một tấm gương cho nghị lực vươn lên trong học tập của trường. Nhiều năm liền Vân là học sinh tiên tiến.
Cô giáo Nguyễn Thị Hưng - chủ nhiệm lớp em Cẩm Vân chia sẻ: "Em Vân là học sinh có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt của lớp. Không chỉ bản thân bị bệnh tật mà gia đình em cũng khó khăn. Biết được hoàn cảnh Vân như vậy nên nhiều bạn học sinh trong lớp và nhà trường luôn dành sự quan tâm đến cho em về mọi mặt. Vân là một học sinh chăm ngoan học giỏi, luôn có nghị lực vươn lên trong học tập".
Hơn 14 tuổi nhưng thân hình em gầy còm như đứa trẻ lên ba.
Mỗi ngày đến trường, Cẩm Vân phải có mẹ hay bà nội bế đi. Xong giờ học, mẹ hay bà lại phải vào tận lớp để đón về. Hôm nào bà hay mẹ chưa tới kịp thì các bạn trong lớp lại cùng nhau cõng bạn ra cổng trường để chờ người nhà đến đưa về. Cứ thế đã hơn 6 năm qua, em đến được trường đi học là nhờ vào đôi bàn tay của mẹ và bà.
Về đến nhà, Vân chỉ ngồi một chỗ, không thể đi lại được, mọi sinh hoạt, ăn ở đều do mẹ em hoặc bà nội chăm sóc. Tay chân bị tật nhưng Cẩm Vân viết chữ rất đẹp. Không chỉ học tốt môn Văn và ham học văn học mà các môn học khác em đều học giỏi như nhau. Cô Hưng chia sẻ thêm: "Em Cẩm Vân có năng khiếu vẽ rất đẹp, nhiều học sinh trong lớp cũng không vẽ đẹp bằng. Dù tay bị tật nhưng em luôn đạt điểm cao trong môn Mỹ Thuật".
Khi được hỏi vì sao lại thích trở thành nhà văn, Cẩm Vân cho biết: "Em biết căn bệnh của mình không thể nào chữa khỏi được. Lớn lên làm việc gì cũng khó, khi đi học em yêu thích học Ngữ Văn rồi từ đó ham đọc văn học. Em rất thích đọc thơ và viết văn. Em nghĩ đây là công việc nhẹ nhàng phù hợp với bản thân mình. Ở nhà em cũng có thể viết văn để phụ giúp bố mẹ được".
Ngoài ước mơ cho tương lai, hiện tại em Vân mong muốn bố mẹ cố gắng làm được tiền mua cho em một chiếc máy vi tính để em có thể học trên đó. Vân khoe: "Em biết gõ văn bản trên máy tính rồi, em mong mình có một cái máy vi tính để học tập trên đó, giải các bài Toán rồi học tiếng Anh nữa. Bố mẹ em vẫn chưa có đủ tiền để mua. Biết bố mẹ em khổ vì hai chị em lắm nên em không dám xin. Khi nào bố mẹ có mua cho em cũng được".
Ngoài những giờ học trên lớp, Cẩm Vân luôn chăm chỉ học thêm ở nhà.
Nhìn vào đôi mắt thơ ngây và hồn nhiên của Vân, chúng tôi hiểu với em để được giấc mơ đó thì hàng ngày em phải vượt qua những khó khăn vô cùng lớn khi mang căn bệnh "éo le" này.
Bà Nguyễn Thị Huyền, Bí thư chi bộ phố Đặng Thai Mai, nơi gia đình em Cẩm Vân đang sống chia sẻ: "Vợ chồng cô Tám có hoàn cảnh vô cùng khó khăn khi có hai người con đều bị bệnh xương thủy tinh. Cả khu phố chúng tôi đều thấu hiểu được nỗi khổ của vợ chồng cô Tám. Gia đình thuộc diện hộ nghèo của khu phố, hai vợ chồng làm bao nhiêu tiền cũng không đủ chữa bệnh cho hai con. Bà con khu phố cũng thường xuyên qua thăm hỏi chia sẻ những khó khăn".
Theo Xa lộ tin tức