Trần Minh Tây là giáo viên trẻ của trường Hồng Đức. Thầy giáo 9X này khiến teen có ấn tượng ngay từ lần gặp đầu tiên bởi sự thận thiện và vẻ ngoài khá dễ thương.
Minh Tây là giáo viên khá đa năng trong trường khi phụ trách nhiều việc. Về chuyên môn, Tây là giáo viên Ngữ Vvn, nhưng hiện tại lại đang phụ trách các tiết học ngoài giờ của các teen từ lớp 6 đến lớp 11, phụ trách công tác Đoàn và quản lý cả lớp nội trú. Tây cho biết: “Chắc có lẽ do các tiết học mang tính chất tương tác giữa thầy và trò nhiều hơn lý thuyết nên các em học sinh nhớ đến mình với một hình ảnh vui vẻ nhiều hơn là một người thầy nghiêm nghị”.
Tốt nghiệp ĐH Sư phạm Huế vào tháng 7/2012, Trần Minh Tây quyết định Nam tiến để thực hiện ước mơ
trở thành giáo viên của mình tại mảnh đất Sài Gòn. Hình ảnh dễ thương của thầy giáo 9X Trần Minh Tây
khiến học trò có thiện cảm ngay lần gặp đầu tiên.
Anh bạn cho biết: “Mình nghĩ Sài Gòn là một môi trường năng động. Điều đó phù hợp với tính cách của mình. Vào Nam, mình muốn tìm kiếm cơ hội và môi trường phù hợp để thể hiện sức trẻ và nhiệt huyết. Chính vì vậy, khi biết được thông tin tuyển dụng của trường Hồng Đức, mình đã nộp đơn ứng tuyển và may mắn đã mỉm cười với mình”.
Lúc đầu, mới ra trường để có thể đứng lớp giảng dạy không phải là chuyện dễ dàng. Trong giờ học đầu tiên, học trò xôn xao vì thầy giáo trẻ và… đẹp trai quá. Nhưng khi thầy cất lời, thì giọng nói đậm chất địa phương của mình làm học trò phải “nhăn mặt” vì khó theo kịp.
Anh bạn cho biết: “Có lẽ là may mắn, lúc còn là sinh viên, mình có điều kiện tham gia rất nhiều hoạt động Đoàn (Tây là lớp trưởng kiêm Phó bí thư Đoàn khoa), tiếp xúc và đứng nói trước đám đông nhiều nên mình trở thành người khá tự tin. Điều này thuận lợi cho mình rất nhiều trong công việc hiện tại. Nhưng do mới ra trường, còn trẻ, nên vẫn không thể tránh một vài sai sót. Tiết đầu tiên dạy, vào lớp, học sinh ồ lên, khen giáo viên mà trẻ thế, khen đẹp trai nữa (cười). Phải mất 10 phút để giới thiệu và làm lớp ổn định. Lên lớp, mình nói giọng Huế, lúc đầu học sinh không nghe được, nên mình phải rất khó khăn điều chỉnh giọng nói. Tiết đầu tiên phải nói là vất vả”.
Chụp cùng với học sinh trường Hồng Đức trong một tiết học ngoài giờ.
Vì thầy giáo mới ra trường nên còn trẻ và có ngoại hình khá dễ thương nên cũng có những học sinh nữ phải "liêu xiêu". Tây kể: “Mình có nhận được một mẩu giấy vào ngày sinh nhật. Nội dung cũng có chút chút bày tỏ tình cảm, nhưng giấu mặt. Sau đó cũng có vào trường hợp tương tự. Vì thế mà trong các tiết hoạt động ngoài giờ lên lớp, mình cũng lồng ghép chủ đề Tình yêu học đường, qua đó giúp các em bày tỏ suy nghĩ, và cũng bày tỏ quan điểm của mình, cũng như từ chối một cách khéo léo”.
Theo sát các em học sinh trong các tiết học ngoài giờ, bản thân thầy giáo trẻ này thừa nhận rằng, học sinh bây giờ mạnh dạn hơn trong việc bày tỏ tình cảm, nhưng Tây không cho rằng đó là một điều xấu. Tây chia sẻ: “Các em "dạn" mới hòa nhập tốt vào cuộc sống hiện giờ. Trong chuyện tình cảm, mình ủng hộ tình cảm trong sáng học đường, nhưng quan trọng ở cách thể hiện của các em như thế nào để không có gì phải hối tiếc ở tương lai và không xa rời nhiệm vụ chính của người học sinh”.
Phụ trách lớp nội trú và sống cùng phòng với 35 học sinh nam khác của trường, Tây gần gũi với các học trò như một người anh hơn là một người thầy. Tây tâm sự: “Đây cũng có thể được coi là một đặc thù của trường nội trú. Các em đến từ rất nhiều tỉnh thành khác nhau, sống với nhau như anh em trong nhà. Và Tây vừa là người thầy, vừa như người anh. Các em khá gần gũi, và thường xuyên tâm sự những chuyện buồn, vui: gia đình, bạn bè, cả chuyện tình cảm nữa. Và đương nhiên, mình luôn lắng nghe và cho các em những lời chia sẻ tốt nhất”.
Đối với người thầy giáo trẻ này, được làm bạn với học trò và được học trò tin tưởng tâm sự là một niềm vui rất lớn. Tây cho biết: “Mỗi câu chuyện mà các em chia sẻ, mình đều ghi nhớ và cố gắng hết sức để động viên giúp đỡ các em. Riêng có một lần khiến mình nhớ mãi. Đó là một em học sinh đang có ý định nghỉ học. Mình hỏi ra mới biết là em cảm thấy mình học không tốt và hoàn cảnh gia đình khó khăn. Em mất mẹ, chỉ ở với bố, bố đi làm thợ xây xa nhà. Hoàn cảnh khá khó khăn, em nhiều lần muốn bỏ học. Nghe em tâm sự xong, mình có nhờ giáo viên chủ nhiệm và một số giáo viên bộ môn quan tâm giúp đỡ em nhiều hơn trong học tập. Đồng thời, kêu gọi một số thầy cô giáo ủng hộ về vật chất, mặc dù số tiền không lớn lắm nhưng sau đó em có chia sẻ là em rất hạnh phúc vì được sự quan tâm của nhiều người. Mình có gọi điện cho phía phụ huynh để tìm hiểu và động viên gia đình. Hết học kỳ 1, em có sự tiến bộ khá tốt, và đặc biệt, em có sự cố gắng và đam mê trong học tập hơn”.
Nguyễn Tấn Duy, học sinh trường THCS – THPT Trần Đức cho biết: “Thầy Tây là một giáo viên trẻ mà học sinh có thể gần gũi như người anh trong gia đình, nên tụi mình cảm thấy dễ chia sẻ và đồng cảm hơn. Khi cần lời khuyên thì thầy là người mà mình cảm thấy tin cậy nhất để chia sẻ”.
Phụ trách các tiết học ngoài giờ, công việc của Tây là truyền đạt cho các em các kỹ năng sống thông qua các hoạt động nhóm, đồng thời tổ chức những buổi hướng nghiệp cho học sinh.
Anh cho biết: “Phải thú thật rằng, kỹ năng sống của các em học sinh hiện nay còn thiếu. Đặc thù môn này chủ yếu giúp các em tự tin và thành thạo trong các kĩ năng ví dụ như: thuyết trình, nói chuyện trước đám đông, tổ chức hoạt động… Môn này không dạy lý thuyết, mà chủ yếu hỗ trợ, hướng dẫn các em tổ chức các hoạt động, thông qua hoạt động các em tự tích lũy kĩ năng. Ở những tiết đầu, mình lên kế hoạch cho các em tổ chức. Về sau, mình chỉ hướng dẫn các em lên kế hoạch và tổ chức các hoạt động phù hợp với chủ đề hàng tháng”.
Chính nhờ vào sự gần gũi luôn quan tâm và lắng nghe học trò, thầy giáo trẻ Trần Minh Tây ngày càng được các teen Hồng Đức yêu mến và tin tưởng hơn. Nhắc đến Tây là các bạn ở đây nhớ đến ngay hình ảnh của một thầy giáo 9X có vẻ ngoài dễ thương nhưng luôn biết cách chia sẻ với học trò như một người anh lớn trong gia đình có đông anh em.
Theo Tiin/Đất Việt