Cậu học trò miền núi đam mê sáng tạo 03/06/2013 10:01:16
Hai năm liền Phan Đình Trường (học sinh lớp 12A4 Trường THPT Cầm Bá Thước, huyện miền núi Thường Xuân, Thanh Hóa) đoạt giải trong “Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên và nhi đồng toàn quốc”, do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ GD&ĐT, Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức.

Trường là con đầu trong gia đình có hai anh em, bố mẹ đều làm nghề lao động tự do nhưng Trường lại có niềm đam mê tìm hiểu, nghiên cứu các loại máy móc điện tử. Ngay từ nhỏ, cậu đã say mê, hứng thú với các loại máy móc, thiết bị. Biết bao thiết bị, đồ chơi bố mẹ mua về  đều được Trường tháo tung ra để khám phá, thỏa trí tò mò. Thấy vậy, ông Phan Đình Sơn (bố của Trường) biết con trai thích tìm tòi, nghiên cứu nên cũng không phản đối gì.

Năm 2011, được biết về “Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên và nhi đồng toàn quốc lần thứ VII” dành cho lứa tuổi từ 6 đến 19 tuổi, Trường đã đăng ký tham gia và hăm hở nghiên cứu chế tạo ra mô hình chiếc máy tuốt lạc. Với ý tưởng muốn giúp bà con nông dân đỡ vất vả và tiết kiệm công sức trong quá trình thu hoạch lạc. Mô hình máy tuốt lạc đã ra đời có tính năng tuốt những củ lạc ra khỏi thân cây, đạt năng suất nhanh gấp 10 lần so với lao động chân tay. Sản phẩm này Trường đã đoạt giải Khuyến khích.
 
Phan Đình Trường cùng bằng khen và tấm huy chương đã đạt được trong
Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên và nhi đồng toàn quốc lần thứ VIII, năm 2012
 
Như được tiếp thêm ngọn lửa say mê sáng tạo, Trường lại tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo ra mô hình robot thám hiểm vượt địa hình tích hợp camera quan sát từ xa, và cùng với bạn học là Phùng Văn Đạt sáng tạo mô hình robot họa sỹ. Cả hai mô hình trên đều đoạt giải Ba và giải Khuyến khích trong “Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên và nhi đồng toàn quốc lần thứ VIII, năm 2012”.

Mô hình robot thám hiểm vượt địa hình tích hợp camera quan sát từ xa (đoạt giải Ba) của Trường với ý tưởng tạo ra một loại robot có khả năng vượt chướng ngại vật hiểm trở, gồ ghề như vùng đất núi, hang động, tiến tới có thể dùng robot trong mục đích quân sự, thu thập thông tin, thám hiểm mặt trăng, sao hỏa… Ngoài ra, robot còn được trang bị camera hồng ngoại có thể quan sát môi trường xung quanh ban ngày cũng như ban đêm qua màn hình tivi.

Cấu tạo của robot có 6 bánh xe được gắn với khung thân robot qua cơ cấu bản lề đã giúp bánh xe của robot linh hoạt thích ứng với các địa hình phức tạp và cân bằng robot trong quá trình di chuyển. Robot được điều khiển từ xa, nên nguồn điện không thể cấp đủ cho động cơ hoạt động, Trường đã thiết kế mạch điện kết hợp với rơ le giúp điều khiển chiều của robot một cách dễ dàng.

Trường cho biết, quá trình lắp ghép, sáng tạo robot cũng gặp nhiều khó khăn: Em phải tận dụng đồ chơi trẻ em, một số thiết bị phải xin tiền bố mẹ mua như trục bi của bánh xe, camera không dây… Đặc biệt là khi đấu mạch điện để robot hoạt động, lắp bánh xe để robot có thể di chuyển … nhiều lúc em phải làm đi làm lại nhiều lần mới đạt kết quả như mong muốn.

Vừa qua, Phan Đình Trường đã vinh dự được Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa trao tặng giải thưởng và bằng khen về thành tích đã đạt được trong cuộc thi trên. Hỏi về ước mơ sau này, Trường nói: Trước mắt em muốn ôn thi thật tốt để hoàn thành 2 kỳ thi quan trọng sắp tới là tốt nghiệp THPT và đại học. Em đã đăng ký thi vào Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, khoa Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử - lĩnh vực mà em yêu thích. Em mong muốn sau này sẽ được làm trong ngành khoa học kỹ thuật, chế tạo điện tử để có thể nghiên cứu, sáng tạo những máy móc, thiết bị có tính ứng dụng cao vào thực tiễn.

Theo: Giáo dục và thời đại