Bữa cơm 3 nghìn đồng của học sinh tiểu học Đăk Rong
Ba nghìn đồng chưa đủ mua một bó rau, vậy mà bữa cơm hàng ngày của các em học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Đăk Rong (huyện Kbang, Gia Lai) cũng chỉ có giá 3.000 đồng.
Sau buổi học trên lớp, 209 em học sinh (HS) người Bahnar Trường Tiểu học Đăk Rong liền ào tới bàn ăn. Bữa ăn trưa hôm đó của các em có 3 món: một chậu cơm, một chậu canh “đại dương” lõm bõm vài lá rau và mì tôm, món cuối cùng là 2 đĩa trứng rán được các thầy, cô chia nhỏ ra sẵn. Phần cơm này dành cho 10 HS/bàn. Sau khi chờ cho bàn mình có mặt đầy đủ, các em lần lượt tự bới cơm vào bát và ăn một cách ngon lành khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Bởi suất cơm của 10 em HS giá chỉ bằng một dĩa cơm bình dân được bán trên phố.
Thầy Phạm Quốc Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, theo quy định của Nhà nước, những HS dân tộc thiểu số nhà cách trường từ 3km trở lên sẽ được hỗ trợ 460 nghìn đồng/tháng/em theo hình thức bán trú. Nhưng Đăk Rong là xã vùng sâu đường xá đi lại rất khó khăn, nhiều thôn làng cách trường trên 20km (xa nhất 25km), gia đình phần lớn là hộ nghèo, cha mẹ quanh năm bám rẫy nên không có điều kiện đưa đón con đến trường hàng ngày khiến nhiều em có nguy cơ phải bỏ học. Để giúp các em có thể gắn bó với trường lớp, thầy Tuấn quyết định giữ các em ở lại trường để nuôi theo hình thức nội trú. Sáng kiến này của thầy được toàn trường đồng ý, lãnh đạo Phòng Giáo dục cũng tán thành.
Với số tiền 460 nghìn đồng/tháng/em, để nuôi 209 HS theo hình thức nội trú (từ sáng thứ 2 đến chiều thứ 6, mùa mưa thì cả tuần) không phải là điều đơn giản. Do cơ sở vật chất còn nhiều hạn hẹp, tất cả các khâu nấu nướng từ cơm đến đồ ăn đều phải sử dụng bếp củi trong khi nhân lực của trường không có nên trường phải thuê thêm cấp dưỡng phục vụ việc ăn uống hàng ngày cho HS. Trường phải trích 80 nghìn đồng/em/tháng từ số tiền hỗ trợ bán trú để trả cho 5 cấp dưỡng.
Bữa cơm của 10 em học sinh Trường Tiểu học trường Đăk Rong.
Số tiền còn lại là 380 nghìn đồng, trong đó tiền dầu gội, bột giặt, kem đánh răng… phục vụ sinh hoạt cho các em mất 3 nghìn đồng/ngày/em. Mỗi em sẽ còn lại 10 nghìn đồng/ngày tiền ăn, bữa sáng 3 nghìn đồng, hai bữa trưa và chiều 7 nghìn đồng. Trong khi giá cả tại địa phương rất đắt đỏ, do các tiểu thương phải vận chuyển hàng hóa từ trung tâm huyện vào với quãng đường trên 50km đường rừng núi nên giá đã được tăng lên khá cao như 1kg thịt heo giá 100 nghìn đồng tăng lên 130 nghìn đồng, các loại thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt cũng tăng giá.
Với số tiền trên, các thầy, cô phải tính toán rất giỏi mới có thể lo cho các em HS được ăn no. Buổi sáng, các em sẽ được ăn bữa sáng 3 nghìn đồng với các món mì tôm hoặc bún, miến. 2 buổi còn lại, các em sẽ được ăn cơm với thịt, hoặc cá, hoặc trứng và một món canh. Nói là cá, thịt cho sang chứ thực chất bữa ăn của các em chủ đạo vẫn là món cơm và canh "đại dương".
Các em học sinh ăn cơm sau một buổi học.
Trước thực trạng trên, vì xót học trò, nhà trường đã tìm đủ cách để cải thiện bữa ăn cho các em: “Lúc nào trường biết được trong làng có người bán heo thịt khoảng hơn 2 triệu đồng/con, thì trường sẽ mua về xẻ thịt nấu cho các em ăn. Một con heo có thể chia làm 5 ngày cho các em ăn. Mua như vậy giá rẻ hơn rất nhiều so với mua của tiểu thương bán, nhưng phải rất lâu chúng tôi mới mua được như vậy”, thầy Tuấn cho biết. Ngoài ra, vào mùa thu hoạch nông sản, nhà trường còn vận động phụ huynh góp bầu, bí để nhà trường thêm vào khẩu phần ăn cho con em mình.
Một bữa ăn ngon luôn là ước mơ của cả thầy và trò nơi đây: “Do trường phải nấu cơm bằng bếp củi, lại phải nấu nhiều nên có lúc cơm bị cháy ăn không ngon rất tội cho các em. Tôi rất mong có những nồi cơm điện lớn để nấu cơm cho các em được ăn ngon hơn”, thầy Tuấn bộc bạch.
Thiên Thư
Nguồn dân trí