Hãi hùng “phong cách” đi tàu hỏa ở Ấn Độ 19/03/2013 10:48:44
Với sự đông đúc đến mức khó tưởng tượng và nguy hiểm đến mức làm chết hàng chục nghìn người mỗi năm, các chuyến xe lửa ở Ấn Độ được “chỉ định” là không dành cho người yếu tim.
 
... hay bất cứ nơi nào có thể ngồi được, thậm chí là nóc tàu (Nguồn: joanquick.com)

Trẻ em đùa nghịch với rắn hổ mang như chơi với thú cảnh, toa tàu có sức chứa 200 người nhưng chở đến hơn 500 người… là một số hình ảnh bình thường ở Ấn Độ nhưng lại rất lạ lẫm, phi thường đối với người nước ngoài. Trước những hình ảnh ấy, người xem không thể không hỏi “Tại sao?”.

Loạt bài này sẽ giới thiệu những chuyện ở Ấn Độ khiến người nước ngoài phải thấy kinh ngạc, đồng thời lý giải phần nào nguyên nhân người Ấn Độ cho là bình thường.

Tại Ấn Độ, chỉ tính riêng Mumbai (thủ phủ của bang Maharashtra) đã có khoảng 6,4 triệu người dân sống ở vùng ngoại ô xa xôi sử dụng tàu hỏa làm phương tiện di chuyển hàng ngày đến nơi làm việc.
 
Xếp hàng chờ mua vé tàu ở Ấn Độ (Nguồn: joanquick.com)

Những chuyến tàu “thần chết”

Năm 2006, có 3.404 người thiệt mạng liên quan đến xe lửa Mumbai, theo số liệu từ báo Wall Street Journal. Họ là hành khách trên các chuyến tàu, người qua đường ray hay bị trượt ngã trong khi lên hoặc xuống tàu.

"Tai nạn phổ biến đến nỗi mà nhà ga nào cũng luôn dự trữ những tấm phủ trong kho để phủ lên các xác chết”, tác giả Eric Bellman viết trên Wall Street Journal. Trong khi đó, tại tiểu bang New York (Mỹ), ước tính trong vòng 5 năm mới có khoảng 127 người chết do tai nạn liên quan đến tàu hỏa, thấp hơn rất nhiều so với Mumbai
 
 Không đủ chỗ đứng, người dân phải đu lên trần của con tàu… (Nguồn: joanquick.com)

Mỗi ngày, mạng lưới đường sắt ở Mumbai mang theo khoảng 20.000 hành khách cho mỗi km, vượt qua cả nơi được đánh giá khá cao là Tokyo với 15.000 người trên mỗi km. Thậm chí trong giờ cao điểm, có tới 550 người chen chúc trong một toa mà sức chứa chỉ là 200 hành khách.

Khoảng 25.000 người chết mỗi năm trên mọi tuyến đường sắt tại Ấn Độ. Đó là chưa kể tới hàng trăm ngàn người nghèo sống tại các khu vực tồi tàn tiếp giáp đường ray xe lửa.

Một số thương vong là do sự xuống cấp của hệ thống đường sắt, nhưng phần lớn là do hành khách rơi ra khỏi con tàu đang chạy, theo tờ Agence France Presse. Trong giờ cao điểm, xe lửa là một cơn ác mộng, người ta tranh giành nhau từng cm chỗ đứng.
 
Phần lớn các ca tử vong là do hành khách rơi ra khỏi con tàu đang chạy (Nguồn: joanquick.com)

Vì sao người Ấn Độ vẫn đi tàu?

Những đám đông điên rồ, nóng, bụi và bẩn thỉu là tình trạng thường xuyên gặp phải trong các cơ sở đường sắt. Mặc dù sự hỗn loạn này đã tồn tại từ lâu, nhưng 18 triệu người Ấn Độ vẫn mua vé tàu mỗi ngày. Xe lửa giữ một vị trí vô cùng quan trọng trong hệ thống giao thông của đất nước Ấn Độ nói chung.

Giống như kinh đô điện ảnh Hollywood và trò thể thao cricket, đường sắt giúp kết nối 1,15 tỷ dân Ấn Độ với nhau. Người ta gọi nó là "huyết mạch quốc gia".

"Người Ấn Độ có nhận thức rất tích cực về hệ thống đường sắt của họ", giáo sư G. Alivelu, một chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Hyderabad cho biết. “Họ không bao giờ làm được gì mà không có nó. Từ nam ra bắc, từ đông sang tây, tất cả đều được nối liền nhờ xe lửa. Máy bay không phải là sự lựa chọn kinh tế và quá chậm trong khi đi tàu lại mất ít thời gian và rất kinh tế”, rất nhiều người dân đã ca ngợi như vậy đối với phương tiện tàu hỏa của họ.

Trong số 15 triệu lượt hành khách đi tàu mỗi ngày ở Ấn Độ, khoảng 12 triệu phải chịu cảnh chỗ ngồi không đảm bảo trên những băng ghế gỗ cứng trong điều kiện nóng và đông đúc nhưng họ vẫn lựa chọn vì giá rẻ và “đáng tin cậy”.
 
 Khoảng 25.000 người chết mỗi năm liên quan đến tai nạn đường sắt tại Ấn Độ (Nguồn: businessinsider.com)

Devin Singh Chauhan, một công nhân 50 tuổi đến từ thị trấn Ratlam - nơi mà những con tàu du lịch hạng hai được lựa chọn nhiều nhất - cho biết ông đi ăn cưới con gái ở cách xa 150km nhưng giá vé tàu chỉ vẻn vẹn 42 rupee, tương đương với 1,3 USD. Mặc dù chật chội và thiếu thốn nhưng dường như ông Chauhan khá hài lòng với dịch vụ của con tàu hạng hai này.

Ông Chauhan chia sẻ: “Đây là cách tốt nhất để tôi di chuyển đến những địa điểm xung quanh. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với các tầng lớp khác như học sinh, sinh viên".

Milind Sathye, nhà kinh tế học tại trường Đại học Canberra nói: “Đường sắt ở Ấn Độ có ảnh hưởng lớn đến đất nước. Nếu không có đường sắt, nền kinh tế Ấn Độ dường như sẽ không phát triển hoặc phát triển chậm lại”.

Theo: Xã luận