Mơ ước được thưởng Tết mức 2 triệu đồng... là thực tế phũ phàng của nhân viên nhiều ngân hàng thời thu nhập teo tóp.
Kinh doanh nhỏ “ăn đứt” lương ngân hàng
N.H làm giao dịch viên tại T 3 năm, nhưng chưa năm nào N. cảm thấy “ngành ngân hàng buồn tẻ” như năm nay. “Làm ngân hàng giờ khó khăn lắm chị ạ. Bọn em là giao dịch viên nhưng cũng phải chịu định mức như nhân viên tín dụng. Tháng này định mức 4 tỷ đồng thì tháng sau phải chịu “lũy tiến” lên 6 tỷ đồng. Cứ mỗi lần khách tới rút tiền là rất buồn” - N.H chia sẻ.
Có lẽ để lúc nào cũng nhớ tới mục tiêu hàng đầu trong công việc nên trên bàn làm việc của H. có dán khẩu hiệu của nhà băng T, “mỗi người là một chiến sĩ sale”. Nhưng để trở thành chiến sĩ sale như khẩu hiểu theo H. thật khó, tháng nào không đủ chỉ tiêu là tháng đó chỉ có lương cơ bản. Nhớ về hai cái Tết trước, H. thở dài, năm đầu tiên thì em mới vào làm việc nên thưởng rất ít, năm thứ hai thì ngân hàng tái cơ cấu, kinh tế khó khăn nên cũng chỉ được thưởng 2 triệu đồng.
Khác với mọi năm, thu nhập giảm sút khiến ngân hàng không còn là mảnh đất làm việc màu mỡ.
Còn thưởng Tết năm nay với những vị trí như cô cũng không mấy khả quan. “Em chỉ mong mức thưởng bằng năm ngoái là tốt lắm rồi, về biếu bố mẹ một nửa, còn một nửa giữ lại dành dụm, chứ chẳng dám nghĩ tới chuyện mua sắm hay đi du lịch”.
Chị T.N - đang làm việc tại VietBank còn nói thẳng, “ngoài các sếp có thu nhập cao, còn lại nhân viên ngân hàng giờ thu nhập cũng chỉ đủ sống. Như thu nhập ở vị trí kiểm soát viên cũng chỉ 9 triệu đồng/tháng, trong khi trách nhiệm thì rất nặng nề. Sắp tới sẽ cắt giảm 25% lương, nên giờ làm ngân hàng thu nhập chẳng bằng các ngành nghề lao động khác, thậm chí còn mệt mỏi hơn vì lúc nào trong đầu đau đáu chữ “làm sao đạt chỉ tiêu”.
Chia sẻ cái khó với ngành ngân hàng, ông Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tỏ ra cảm thông, “Tôi biết nhiều ngân hàng năm nay không có thưởng Tết cho nhân viên, chỗ nào thưởng 1-2 tháng lương cho người lao động đã là may mắn, còn thưởng hơn được số này thì quá tốt rồi”.
Theo ông, giờ những ai kinh doanh nhỏ, lẻ thu nhập có khi còn hơn nhân viên ngồi phòng kính, máy lạnh. “Mọi người vẫn có cái nhìn không mấy thiện cảm với ngành ngân hàng thời gian qua, nhưng ngân hàng cũng như các ngành nghề khác trong xã hội. Khủng hoảng kinh tế chẳng loại trừ ngành nào cả. Đừng nghĩ làm trong ngân hàng, văn phòng sáng loáng, lịch sự thì thu nhập sẽ cao, không phải. Bây giờ người làm ăn kinh doanh, nếu có duyên, thu nhập còn gấp hàng chục lần ấy chứ”- ông nói.
Không mơ dùng dịch vụ xa xỉ
Đã có thời làm trong ngành ngân hàng là niềm mơ ước của nhiều người, và ít ai nghĩ rằng sẽ có lúc nhân viên ngân hàng rơi vào thời “mạt vận” như bây giờ.
Nhớ lại thời hoàng kim cách đây vài năm mà chị H.L (làm việc tại BIDV) vẫn còn tiếc nuối, thời đó ngoài thu nhập chính thì mỗi tháng lại có một khoản thưởng vài triệu đồng là bình thường. Ấy vậy mà cả năm nay những khoản thưởng “đột xuất” gần như biến mất tăm tại bộ phận của chị. “Vì không phải là bộ phận trực tiếp làm ra lợi nhuận nên các khoản thưởng của bọn em giờ gần như là không có” – chị nói. Cũng chính lương, thưởng giảm nên những kế hoạch đưa con đi chơi xa trong dịp lễ chị L. đành hoãn lại.
Cũng làm trong ngân hàng, nhưng T.L - Cán bộ tín dụng của HDBank buồn rầu, lâu lắm rồi chị không còn thói quen đi spa mỗi tháng để chăm sóc cho bản thân. Thói quen đi du lịch vào dịp nghỉ Tết của gia đình chị năm nay sẽ phải tạm hoãn vì thu nhập giảm sút, trong khi đụng đến cái gì đều cũng phải chi.
“Cả năm nay em chưa biết bước chân vào spa chăm sóc cho sức khỏe bản thân. Với mức thu nhập 7 triệu đồng/tháng gồm cả phụ cấp xăng xe, điện thoại, cộng với phần thu nhập của ông xã, khó khăn lắm mới thu xếp đủ chi tiêu cho gia đình nhà 3 người.” - chị T.L thở dài.
Phó tổng giám đốc một NHTMCP có trụ sở tại Hà Nội thừa nhận chuyện thu nhập của ngành nhân hàng bị giảm sút trầm trọng trong năm 2013, nhưng ông cho rằng, bối cảnh kinh tế khó khăn chung ngân hàng cũng không tránh khỏi.
“Chủ trương của chúng tôi là không giảm lương để khuyến khích người lao động. Nhưng để giữ được mức lương cho nhân viên không phải chuyện dễ dàng gì trong lúc này”- ông nói với PV. Có lẽ vì sự khó khăn nên trên mái tóc vị Phó tổng giám đốc nọ đã điểm thêm nhiều sợi bạc so với cuộc gặp cách đây vài tháng.
Thế nhưng dù khó khăn vì phải bươn trải, cố gắng không giảm lương nhân viên và giữ chân người tài, song vị CEO ngân hàng vẫn không nguôi hy vọng, “tôi tin là chỉ qua nốt năm nay, năm sau thôi, sang tới 2015-2016 ngành ngân hàng sẽ bớt khó khăn hơn”.
Theo Infonet