Những vùng đất bí ẩn nhất thế giới (kỳ 1) 05/11/2012 15:50:53

Vùng sa thạch độc đáo The Wave ở sa mạc Arizona của Mỹ, "cánh cửa tới địa ngục" ở sa mạc Karakum, Turkmenistan hay Cánh đồng muối Salarde Uyuni ở Bolivia là một trong những vùng đất bí ẩn nhất thế giới.

1. The Wave, Mỹ

 

Ẩn mình trong sa mạc Arizona là vùng sa thạch độc nhất trên thế giới được gọi là The Wave (Làn sóng). The Wave bao gồm nhiều máng hình chữ U đan xen nhau của các phiến sa thạch hình thành từ kỷ Jura. Hai máng sa thạch lớn nhất của The Wave có kích thước là 19m chiều rộng x 36m chiều dài và 12m chiều rộng x 6m chiều dài.

Các lớp trầm tích taọ nên những hỗn hợp màu sắc độc đáo trên các phiến đá khổng lồ, hình thành hình ảnh cầu vồng tam sắc rực rỡ với màu vàng nhạt, hồng và đỏ. 

Các nhà khoa học cho rằng sa thạch được hình thành từ những đụn cát bị vôi hoá qua nhiều năm theo phương thẳng đứng và nằm ngang lại bị xói mòn bởi các các hiện tượng tự nhiên như mưa, nắng hay gió.

2. “Cánh cửa tới địa ngục” ở sa mạc Karakum, Turkmenistan

Đây là một hố nhân tạo bốc cháy suốt 40 năm qua. Hố này do các nhà địa chất Liên Xô tạo ra năm 1971, trong một lần  thăm dò địa hình tại sa mạc Karakum. Khi đó, máy khoan của họ chọc trúng một hang ngầm chứa khí gas tự nhiên có đường kính 70cm.

Lo ngại khí độc có thể bị giải phóng từ đây, các nhà địa chất quyết định châm lửa đốt hố và cho rằng, ngọn lửa sẽ tắt trong vài ngày. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng của họ, do lượng khí gas quá nhiều nên hố vẫn bùng cháy cho đến ngày nay.

3. Cánh đồng muối Salar de Uyuni, Bolivia

 

Salar de Uyuni là cánh đồng muối tự nhiên lớn nhất thế giới được hình thành do sự vận động của vỏ trái đất. Trong những tháng mùa đông, khu vực này hoàn toàn khô ráo. Tuy nhiên, khi mùa hè đến, cánh đồng lại luôn ngập nước, biến thành tấm gương soi khổng lồ.

Ở độ cao 3.656m so với mặt nước biển, rộng tới 10.582 km và phẳng một ách hoàn hảo, Salar de Uyuni có khả năng giúp Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đo độ chính xác của một số vệ tinh quan sát trái đất.

4. Đập xoáy trôn ốc Spiral Jetty ở Utah, Mỹ

 

Đê chắn sóng xoắn trôn ốc Spiral Jetty là công trình được đào đắp bằng đất từ năm 1970, do nhà điêu khắc người Mỹ là Robert Smithson thực hiện. Công trình được xây dựng từ bùn và đá bazan vun lại thành dải dài 457m với điểm bắt đầu ở đỉnh bờ Tây của hồ muối khổng lồ Great Salt Lake, gần Brigham, bang Utah và đoạn cuối được xoắn 3 vòng hướng ra biển. Hình dạng đặc biệt của đê chắn sóng này chỉ được nhìn thấy rõ nhất khi mực nước ở hồ muối xuống thấp. Bởi phụ thuộc vào thủy triều, hình dạng của Spiral Jetty thoắt ẩn thoắt hiện. Khi thủy triều lên, Spiral Jetty chìm dưới làn nước mặn còn khi thủy triều rút, Spiral Jetty lại nổi lên với vẻ lóng lánh nhờ được phủ một lớp muối biển trên bề mặt.

5. Cappadocia, Thổ Nhĩ Kỳ

 

Cappadocia nổi tiếng với những cấu trúc đất đá dạng ống khói hay “thung lũng nấm” và ấn tượng nhất với khu vực có địa hình gồ ghề như “bề mặt của mặt trăng” nằm xung quanh các thị trấn Urgup, Goreme, Uchisar, Avanos và Mustafapasa.

Hàng triệu năm về trước, địa hình ở Cappadocia chủ yếu là khe nứt và miệng núi lửa. Theo thời gian, các núi lửa trong khu vực phun trào nham thạch phủ kín toàn bộ bề mặt của khu vực này.

Tiếp theo, dưới tác động mạnh mẽ của thời tiết khắc nghiệt và sự ăn mòn bởi gió, mưa và nước sông, một Cappadocia ngoạn mục được hình thành.

Do các khối đá núi lửa mềm nên người dân trong khu vực Cappadocia từ lâu đã khắc nhà ở, nhà thờ và tu viện ở đây.

Theo Infonet