Theo phòng CSGT Hà Nội, từ ngày mai (1/7), người tham gia giao
thông đội mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng sẽ bị phạt từ 100.000đ đến
200.000đ.
Đây là thông tin được Phòng CSGT Hà Nội cung cấp trong cuộc tiếp
xúc với báo chí chiều nay (30/6).
Theo Đại tá Đào Vinh Thắng - Trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường
sắt CATP Hà Nội, lực lượng CSGT sẽ dừng xe và xử phạt người tham gia giao thông
đội mũ bảo hiểm (MBH) không đúng chất lượng, sai quy cách.
Phòng CSGT Hà Nội phổ biến kế hoạch xử phạt MBH
“rởm”
Đối với người đi mô tô, xe gắn máy, đội mũ có kiểu dáng giống MBH
nhưng không đủ các thành phần (vỏ mũ, lớp hấp thụ xung động, quai đeo; không có
tem CR, không có nhãn hàng hóa...) sẽ bị cho là không đội MBH và sẽ bị xử phạt
với mức tương tự như không đội MBH (từ 100.000 đến 200.000 đồng).
Đại tá Thắng cho biết thêm, đối tượng xử lí là những người điều
khiển phương tiện ô tô, xe gắn máy, xe đạp điện có các hành vi vi phạm các quy
định về trật tự an toàn giao thông như: người ngồi trên xe không đội MBH, người
đi mô tô xe gắn máy hoặc người tham gia giao thông không cài quai đúng quy cách
tại điểm I và K, khoản 3, điều 6 – Nghị định so 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ…
Theo đó, lực lượng CSGT sẽ tiếp tục công tác tuyên truyền các quy
định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là các quy định về
đội MBH khi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện khi tham gia giao
thông để nhân dân hiểu và tự giác thực hiện.
Trước đó, năm 2013, một chiến dịch do Bộ Công an, Bộ Công thương
và Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức đã đưa vấn đề MBH rởm lên “bàn cân”. Tuy
nhiên, sau đó, vấn đề xử lý người đội MBH "rởm" vẫn “giậm chân tại
chỗ”, còn MBH kém chất lượng vẫn được bày bán công khai, tràn lan.
Những loại mũ không có tem, xuất xứ, ngày tháng
sản xuất là mũ “rởm”
Theo kế hoạch 69 của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, kể từ
ngày 1/7, lực lượng chức năng sẽ xử lý người tham gia giao thông bằng mô tô, xe
máy, xe đạp máy không đội MBH, đội MBH không đúng quy cách hoặc đội mũ không
phải MBH. Việc thực hiện bắt đầu từ ngày 15/6 với hình thức nhắc nhở.
Đợt ra quân diễn ra từ ngày 1/7/2014 đến hết ngày 31/12/2014, thời
gian xử phạt sẽ tập trung từ 6h – 22h, các đội CSGT số 1 đến 12 và đội 14 chia
làm 3 ca, tổ chức 1 tổ tuần tra để đảm bảo ATGT cho nhân dân và đợt thi đại học,
cao đẳng sắp diễn ra.
Cách nhận biết mũ “rởm”
Trong
thời gian sắp tới, lực lượng CSGT trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ được hướng
dẫn cách phát hiện MBH “rởm” bằng mắt thường. Theo đó, MBH đạt chuẩn phải là
loại mũ có đủ các cấu tạo là vỏ mũ, lớp đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ
và quai đeo. MBH đạt chất lượng phải là mũ được chứng nhận hợp quy, được gắn
dấu hợp CR (dấu hợp quy phải được dán lên MBH bằng chất liệu không thấm nước,
không thể tẩy xóa, làm mờ dấu hợp quy) và có ghi nhãn hàng theo quy định của
pháp luật.
Cụ
thể, với các loại MBH được sản xuất trong nước, trên MBH phải có dòng chữ “Mũ
bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy”, tên địa chỉ và cơ sở sản xuất, cỡ mũ
cùng ngày tháng năm sản xuất.
Với
các loại mũ nhập khẩu, ngoài các thông tin trên cần phải có thêm thông tin về
xuất xứ hàng hóa. Các loại MBH đạt chuẩn là các loại mũ che nửa đầu, mũ che
cả đầu và tai, mũ che cả đầu, tai và hàm.
Các kiểu dáng của MBH đảm bảo chất lượng
Trong
trường hợp MBH có lưỡi trai mềm gắn với mũ, hoặc lưỡi trai có thể tháo lắp
được thì độ dài của lưỡi trai tính từ điểm kết nối với vỏ mũ đến điểm xa nhất
của lưỡi trai không quá 70mm. Trường hợp MBH có lưỡi trai cứng gắn liền với
vỏ mũ thì độ dài của lưỡi trai không được dài quá 50mm. trường hợp có vành
cứng xung quanh thì không được nhô quá 20mm.
Với
các loại mũ không đầy đủ các tiêu chuẩn như trên sẽ được coi là MBH “rởm” và
sẽ bị xử phạt theo kế hoạch 69.
|
Nguyễn Hinh (Khampha.vn)