Một cháu nhỏ mới học lớp 3 viết thư hỏi nữ Bộ
trưởng LĐ-TB&XH về chế độ cho người ông 60 tuổi từng là bộ đội thời chống
Mỹ. Một bà cụ 83 tuổi gửi Bộ trưởng bức thư đầy day dứt, cho biết bà có chồng
và 1 con trai là liệt sĩ nhưng chưa được phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam
anh hùng chỉ vì bà đã tái giá...
Bộ trưởng LĐ-TB&XH
Phạm Thị Hải Chuyền đăng đàn trong chương trình Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời
đúng ngày 27/7, khi khắp cả nước đang diễn ra các hoạt động tưởng nhớ, tri ân
các anh hùng liệt sĩ, những người có công với cách mạng.
Người đứng đầu ngành
LĐ-TB&XH nhận nhiều câu hỏi, thắc mắc về chế độ chính sách đối với người có
công. Thậm chí, một cháu nhỏ đang học lớp 3 cũng viết thư hỏi về chế độ cho
ông. Theo đó, người ông 60 tuổi của cháu bé là bộ đội thời chống Mỹ, có cả giấy
chứng nhận của Mặt trận DD9 về việc cựu chiến binh này được nhận Huân chương
chiến sĩ giải phóng hạng Ba. Tuy nhiên, hiện tại, ông của cháu bé chưa được
hưởng chế độ nào.
Ghi nhận hành động đáng
khích lệ của cháu nhỏ, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền trả lời, trường hợp của
ông cháu bé, đã có giấy chứng nhận công tác 2/1972 đến 4/1975 và Kỷ niệm chương
Mặt trận DD9, Huân chương chiến sĩ giải phóng hạng 3 như trình bày là đủ căn cứ
khẳng định việc tham gia chiến trường. Căn cứ vào đó, người ông 60 tuổi của
cháu bé có đủ điều kiện được trợ cấp một lần, hàng tháng theo quyết định hiện
hành của Chính phủ mà hiện nay các đối tượng đang hưởng.
Nữ Bộ trưởng gợi ý, nếu
vị cựu chiến binh này bị thương thì nên đi giám định sẽ được xác định là thương
binh. Ông nên đến chính quyền địa phương để được hướng dẫn làm thủ tục hồ sơ
xác nhận và kiểm tra lại hồ sơ đã đề xuất, đề nghị đến các cơ quan có trách
nhiệm như Bộ Chỉ huy quân sự địa phương để kiểm tra lại lần nữa hồ sơ đó để xem
xét và xác nhận.
Bộ trưởng LĐ-TB&XH
Phạm Thị Hải Chuyền.
Bức thư của một bà cụ 83
tuổi có chồng và 1 con trai là liệt sĩ nhưng chưa được phong tặng danh hiệu Bà
Mẹ Việt Nam anh hùng chỉ vì bà đã tái giá gửi đến Bộ trưởng Hải Chuyền cũng đầy
day dứt: “Trong chiến tranh, các mẹ có tính toán thiệt hơn gì đâu, mà giờ người
làm chính sách lại tính toán chi li với các mẹ có tái giá hay không?”.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải
Chuyền đáp lời, theo quy định tại Nghị định 31 hướng dẫn về triển khai pháp
lệnh người có công sửa đổi thì bà cụ có chồng và 1 con trai hi sinh cho cách
mạng là đủ điều kiện được công nhận là Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Tuy nhiên, nữ
Bộ trưởng cũng phân trần thêm, trong quá trình triển khai hướng dẫn vấn đề này
Bộ Quốc phòng đã tham mưu cho Chính phủ ban hành và triển khai Nghị định 56
trong đó có những nội dung như trường hợp phản ánh như của bà cụ.
Người đứng đầu ngành
LĐ-TB&XH cho biết, hiện nay, Bộ Quốc phòng đang tổng hợp những trường hợp
chưa đủ rõ sẽ có văn bản hướng dẫn thực hiện nội dung này. Bộ LĐ-TB&XH cũng
sẽ đề nghị Bộ Quốc phòng và phối hợp với Bộ Nội vụ xem xét có văn bản hướng dẫn
cụ thể để triển khai thực hiện quy định trong các trường hợp như của cụ bà này.
Thông tin thêm về tình
hình xử lý chế độ cho những người có công bị mất hồ sơ gốc, Bộ trưởng Phạm Thị
Hải Chuyền nêu nhiều con số đáng suy nghĩ. Cụ thể, cả nước hiện đã xác nhận
trên 8,8 triệu người được hưởng chế độ chính sách ưu đãi của Nhà nước nhưng còn
một số trường hợp không còn đủ hồ sơ gốc.
Đến nay, theo nữ Bộ
trưởng, để giải quyết vấn đề này, Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với Bộ Quốc phòng
ban hành Thông tư 28 để giải quyết các trường hợp không còn đủ và mất hồ sơ
gốc. Đến nay, Bộ Quốc phòng đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn các địa phương về
thủ tục, trình tự xem xét giải quyết. Theo báo cáo của 26/63 tỉnh, thành trong
cả nước đã xem xét duyệt 112 hồ sơ và đề nghị xác nhận liệt sỹ, thương binh là
396 hồ sơ.
Ngược lại với những
trường hợp người có công vẫn chịu thiệt thòi vì vướng mắc thủ tục, dư luận hết
sức bức xúc với không ít trường hợp bị tố cáo làm giả hồ sơ để hưởng chế độ,
phổ biến nhất là hưởng chế độ cho người nhiễm chất độc da cam. Câu hỏi day dứt
nhất là, có hay không các tiêu cực về khai man hồ sơ cộng với sự tiếp tay của
địa phương để trục lợi chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước?
Bộ trưởng LĐ-TB&XH
xác nhận hiện tượng làm giả hồ sơ, gian lận để trục lợi chính sách là thực tế
có trong xã hội.
Để giải quyết tình trạng
này, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định, Bộ LĐ-TB&XH đã chủ động phối
hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế các đơn vị ở địa phương để chỉ đạo và tổ chức
thực hiện thanh tra, xem xét phát hiện những sai phạm trong vấn đề này, trên cơ
sở đó để có những biện pháp cụ thể.
Bà Chuyền cho biết, việc
xem xét đánh giá từ năm 2008 đến 2013 đã rà soát, cắt được một số trường hợp
gian lận, nhiều trường hợp vi phạm đến mức đã chuyển sang các cơ quan pháp luật
như các vụ việc ở Quân khu 1, Nam Định, Ninh Bình…
“Phải nói rằng chiến
tranh đã qua rất lâu, việc hoàn thiện hồ sơ cho những đối tượng chính sách
người có công quả là hết sức khó khăn. Chính vì vậy mà tới đây cùng với việc
tiếp tục chỉ đạo công tác thanh, kiểm tra của Bộ và thanh tra các tỉnh việc
thực hiện chính sách này, và giáo dục trong dân nhận thức, trách nhiệm trong
việc phát hiện vấn đề gian lận chính sách và kịp thời phản ánh” – Bộ trưởng
LĐ-TB&XH nói.
Ngoài ra, Bộ
LĐ-TB&XH cũng phối hợp với UB TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm cuộc tổng rà
soát về đối tượng người có công. Thông qua đợt tổng rà soát này, các lực lượng
của mặt trận như thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh cùng tham gia sẽ phát hiện
và xử lý các trường hợp gian lận và cắt các trường hợp không đúng quy định pháp
luật của Nhà nước.
Để hạn chế việc khai man
hồ sơ, việc xác định danh tính đối với người có công cũng được chú trọng hơn.
Trong năm 2014 - năm đầu tiên bắt đầu triển khai Đề án 150 xác nhận danh tính
liệt sĩ, Bộ LĐ-TB&XH dự kiến sẽ xác định được tên của nhiều liệt sỹ nhằm
đáp ứng mong mỏi của gia đình các liệt sĩ.
Trước đề án này, ngành
LĐ-TB&XH cũng đã phối hợp với các Viện khoa học của Bộ Quốc phòng, Bộ Công
an cũng như Viện khoa học Việt Nam triển khai việc giám định cho hàng nghìn
trường hợp là liệt sĩ - Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết.
P.Thảo (Dân
trí)