Cảnh giác với mánh khóe lừa đảo sinh viên 04/02/2015 10:54:25

Sinh viên sống xa nhà luôn đối mặt với nhiều cạm bẫy. Bằng nhiều hình thức và chiêu trò khác nhau một số đối tượng đã lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của sinh viên hòng chiếm đoạt tài sản.

Mất đồ vì bị “thôi miên”

Thời gian qua, không ít những trường hợp sinh viên là nạn nhân của trò “thôi miên” ngay chính phòng trọ của mình. Nguyễn Diệu Thảo (sinh viên  trường Đại học Sư phạm Hà Nội) vừa chân ướt chân ráo lên thành phố học đã bị mắc bẫy ngay kẻ gian. Thảo kể lại, khi đang ngồi học trong phòng thì có người đến gõ cửa và xưng là nhân viên tiếp thị của hãng mỹ phẩm A.W. Thảo cũng từng mua sản phẩm của hãng một lần  nên không nghi ngờ nhiều khi nghe giới thiệu sản phẩm. 

Tiếp tục với “chiếc bánh vẽ” cô nhân viên quảng cáo nếu đầu tư một sản phẩm có giá trị cho công ty thì Thảo sẽ có cơ hội bốc thăm trúng thưởng sản phẩm gấp đôi giá trị của mình đầu tư lúc khởi điểm. Trong phòng Thảo lúc đó có chiếc máy tính để bàn là giá trị nhất nhưng không hiểu vì lý do gì Thảo chạy sang phòng bên cạnh mượn chiếc laptop và đưa cho nhân viên mỹ phẩm, không chút do dự.

Chỉ đến khi người lạ kia đi chừng 10 phút, Thảo mới ngẩn người vì biết rằng mình bị lừa. Thảo cho biết: “ Em không nhớ nổi mình đưa máy cho người ta như thế nào, khi có chị hàng xóm gọi lấy laptop em mới choàng tỉnh và biết mình bị sập bẫy. Thời gian sau đó, em phải đi làm thêm cật lực để có tiền mua máy trả nợ”.

 

Lê Thị Hương kể lại chuyện bị thôi miên mất đồ trong phòng trọ

Cũng giống như Thảo, Lê Thị Hương ( Sinh viên năm cuối trường Đại học Văn hóa Hà Nội ) cũng từng bị kẻ gian thôi miên lấy chiếc máy ảnh và xe đạp ngay tại phòng trọ. Vờ là người khách đến hỏi phòng trọ và  xin Hương cốc nước trong phút chốc cô đã “tự nguyện” đưa máy và xe cho kẻ lạ. Khi bạn cùng phòng về hỏi xe thì Hương mới giật mình vì những chuyện như mơ vừa xảy ra.

Nguyễn Trà My (Sinh viên Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên) khi đang đứng đợi bạn ở ngã tư phố Nối, Hưng Yên thì gặp một người phụ nữ nhờ My mở phím khóa ở điện thoại di động. Nghĩ là khách đi xe buýt bình thường nên My không ngần ngại và nhận lời giúp đỡ. Sau một hồi nói chuyện, cô sinh viên lặng lẽ đưa chiếc cặp đựng máy tính cho người phụ  nữ ấy mà không biết rằng mình đang bị người kia dùng chiêu trò. Khi xe buýt tới gần, mọi người đổ xôlên xe, My mới giật mình “tỉnh” thìđồ đã biến mất.

Thảo, Hương, My cũng chỉ là 3 trong số rất nhiều vụ việc bị thôi miên lừa tài sản. Thời gian qua, có nhiều vụ nạn nhân là sinh viên trình báo cơ quan công an rằng họ bị người lạ thôi miên đến mất tài sản, tiền bạc mà không lý giải nổi.  Chỉ sau ít phút kẻ gian đi mất nạn nhân mới thực sự bàng hoàng vì mọi chuyện vừa xảy ra với mình.

Bán hàng đa cấp: sinh viên thành “chúa chổm”

Đặc trưng của bán hàng đa cấp là phải lôi kéo thật nhiều người vào đường dây của mình để thành lập nhóm nên hầu hết các bạn đã dùng những gì mình học được để dụ dỗ hoặc lừa người khác cùng tham gia bán hàng đa cấp. Vì “đâm lao thì phải theo lao” nên rất nhiều sinh viên bán hàng đa cấp đã mất đi bạn bè hoặc bị mọi người cảnh giác vì sợ bị lừa. Đặc biệt hơn, để thu hút sinh viên tham gia, các thành viên tuyển dụng khi lên thuyết trình thường tạo ra những mức lương và triết khấu hoa hồng “khủng” từ vài triệu thậm chí lên đến hơn chục triệu đồng. Khoản thu nhập trong mơ của các sinh viên xa nhà, thuê trọ học.

Bán hàng đa cấp bằng nhiều hình thức lâu nay đã biến tướng trở thành lừa đảo. Nhiều sinh viên trót “đâm lao nên phải theo lao” và cuối cùng tiền mất tật mang.

Vụ việc nam sinh viên  N.H.H ( Đai học Thủy lợi) bị nhân viênCông ty bán hàng đa cấp đánh hội đồng thời gian qua vẫn chưa hết bức xúc trong dư luận. Theo tìm hiểu, trước đó, H. đã ký hợp đồng bán hàng đa cấp với công ty TNMY và phải đóng một khoản tiền để mua sản phẩm máy lọc nước ozone. Tuy nhiên từ ngày kí hợp đồng H. vẫn chưa nhận được hàng. Sáng 15/9/2013 H. cùng nhóm bạn đến công ty uy cầu hủy hợp đồng. Phía công ty đã gây khó dễ, không giải quyết thậm chí còn hành hung gây gổ với H. và nhóm bạn. CA phường Phương Liệt (quận Thanh Xuân) ngay sau đó đã có mặt để tiến hành xác minh, làm rõ vụ việc.

 

Những chiếc bánh vẽ từ cách kinh doanh đa cấp khiến nhiều sinh viên lao đao

Bên cạnh đó, liên quan đến việc tham gia vào mạng lưới đa cấp, nhiều sinh viên dở khóc dở cười và trở thành con nợ của bạn bè, của người thân. Hoàng Trang (Sinh viên Cao đẳng kinh tế kỹ thuật Công nghiệp) cũng từng điêu đứng một khoảng thời gian để lo trả nợ vì lỡ làm thành viên của một công ty đa cấp.

Để mua được sản phẩm của công ty Trang đã chạy vạy lo tiền của bạn cùng lớp, cùng xóm trọ. Sau khi mua sản phẩm và sử dụng đã không như lời quảng cáo Trang muốn trả lại và ngỏ ý rút lại số tiền thì phía công ty không chấp nhận. Biết mình bị lừa và không thể lấy lại số vốn đã bỏ ra, Trang phải vất vả dạy gia sư một thời gian dài mới trả được nợ. Trang cho biết: “Vì lo tiền trả bạn mà việc học hành của em cũng sa sút trông thấy. Học kỳ đó em thi lại gần như toàn bộ môn liên quan đến lý thuyết".

Theo Thạc sỹ Thôi miên Nguyễn Mạnh Quân - Trung tâm Thể Tâm Trí: "Những trường hợp nạn  nhân bị thôi miên chiếm đoạt tài sản rất có thể đối tượng xấu đã sử dụng một loại ma tuý đặc biệt (Loại này rất hiếm). Loại thuốc này phần lớn là ở dạng bột để pha vào nước, tất nhiên là cũng có ở dạng nước và toả khí gần như cồn Ê- te, nhưng khó kiếm hơn dạng bột. Đặc tính của loạt này đều không có mùi vị. Loại ma tuý này không mới, nó xuất hiện tại châu Âu đã khoảng 10 năm nay. Bộ não của người bị hại sẽ bị xoá hết mọi thông tin (quên) đã có trước khi uống hoặc ngửi phải 15 phút và ngay khi tỉnh cũng cần phải tới 10 phút sau bộ não mới có thể ứng xử bình thường được. Trong trường hợp này thì người bị hại không hề nhớ được mặt kẻ đã hại mình, chỉ nhớ được tài sản khi “lỡ” trao cho kẻ gian.

Tuệ Linh ( Khám phá)