Lào Cai là tỉnh miền núi triển khai thí điểm dạy Tiếng Việt lớp 1 CGD từ năm 2006 ở 3 trường học nhưng đến nay đã phủ kín toàn bộ 100 hệ thống trường TH. Ông Trương Kim Minh - nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai, người trực tiếp tham gia triển khai Tiếng Việt lớp 1 CGD đã có cuộc trò chuyện với Báo GD&TĐ.
Nguyên là Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai, xin ông cho biết việc triển khai dạy tiếng Việt 1 – CGD của tỉnh diễn ra như thế nào?
Tỉnh Lào Cai triển khai dạy và học Tiếng Việt lớp 1 CGD từ năm học 2006 - 2007 ở 3 trường: Huyện Mường Khương 1 trường (Tung Chung Phố); huyện Bảo thắng 1 trường (Phong Hải); huyện Bảo Yên 1 trường (Lương Sơn). Cần nhấn mạnh rằng, thời gian này, Lào Cai là tỉnh duy nhất trong số các tỉnh, thành phố trên cả nước triển khai dạy và học Tiếng Việt lớp 1 CGD. Từ năm học 2007 - 2008 trở đi, mỗi năm tỉnh Lào Cai nhân rộng thêm số lớp, số trường; tới năm học 2010 - 2011, tất cả trường tiểu học của tỉnh; vì hiệu quả của cách tổ chức dạy và học tiếng Việt CGD cho học sinh lớp 1.
Giờ học theo nhóm tiết Tiếng Việt 1 CGD của cô và trò Trường TH thị trấn Bắc Hà - Lào Cai Ảnh VH
Qua quá trình triển khai, theo ông, việc dạy học Tiếng Việt lớp 1 - CGD đã đem lại hiệu quả ra sao, nhất là ở tỉnh miền núi vốn HS dân tộc chiếm đa số như Lào Cai?
Lào Cai trước đây là một trong số những tỉnh có tỉ lệ HS yếu Tiếng Việt vào loại cao nhưng kể từ khi áp dụng dạy Tiếng Việt 1 CGD cho HS dân tộc đã đem lại kết quả khả quan. Những cuộc thi giao lưu tiếng Việt dành cho HS Tiểu học là minh chứng cho sự dày công đưa Tiếng Việt đến với HS lớp 1. HS học Tiếng Việt ở trên lớp cùng thầy cô, thông qua trò chơi vận động với bạn bè, hoặc thông qua tủ sách thư viện...
Có thể khẳng định rằng, việc dạy và học Tiếng Việt lớp 1 CGD có có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với phương pháp dạy học truyền thống. HS tự tin, mạnh dạn hơn trong học tập, giao tiếp. Các em tiếp thu ngữ âm tiếng Việt nhanh hơn, phát âm chuẩn hơn, chất lượng đọc, viết được nâng cao, học hết lớp 1 đã có thể đọc nhanh, viết không sai.
HS có kỹ năng nghe, viết chính tả tốt, nắm được luật chính tả. Đội ngũ giáo viên ngày càng thành thạo cách dạy, thích dạy Tiếng Việt lớp 1 CGD. HS thực sự trở thành trung tâm, được thầy tổ chức cho làm thì hứng thú học, đi học đều; tích cực hóa hoạt động học tập có cơ hội thực thi. Thách thức lớn là tiếng Việt không phải là tiếng mẹ đẻ của học sinh dân tộc thiểu số; cho nên, đầu lớp 1, trẻ học chậm hơn; từ cuối học kỳ I, trẻ học nhanh hơn nhiều.
Là đơn vị tiên phong của năm 2006, vậy Lào Cai có gặp phải khó khăn gì không, cách giải quyết ra sao?
Khó khăn lớn nhất mà Lào Cai gặp phải trong quá trình triển khai Tiếng Việt 1 CGD là sách cho HS. Do năm 2006 chỉ có một mình Lào Cai triển khai nên chúng tôi làm theo kiểu cuốn chiếu, từng bước triển khai, làm đâu chắc thắng đấy, nên số lớp, số học sinh tăng từ từ; số lượng sách đặt mua không nhiều, số lượng bản sách Tiếng Việt lớp 1 CGD ít; giá sách vì vậy rất cao để đảm bảo kinh doanh của Nhà xuất bản. Nhưng giá sách Tiếng Việt lớp 1 CGD cao hơn sách thông thường, phụ huynh không mua.
Lào Cai đã tập trung giải quyết mâu thuẫn này bằng nhiều cách. Đây là một câu chuyện dài, do số phận của Tiếng Việt lớp 1 CGD chung với số phận của CGD. Nhưng Sở GD&ĐT Lào Cai xác định,“cái gì có lợi cho dân, khó mấy cũng làm", nên được cấp ủy, chính quyền, nhân dân ủng hộ, giáo viên, cán bộ quản lý trường học, phòng GD&ĐT quyết tâm. Sở đã vượt qua khó khăn, đi đến cùng, để có kết quả như hôm nay. Chỉ đạo của quản lý giáo dục có vai trò quyết định trong lúc khó khăn. Đây cũng là ý kiến đề xuất của Lào Cai: Cần có trợ giá để khuyến khích thầy trò tìm tòi, sáng tạo, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến.
Xin cảm ơn ông!
Theo: Giáo dục và thời đại