Có đủ vốn cho HS, SV nghèo vay vốn 16/10/2012 14:24:57

Đến thời điểm này, kể cả nguồn vốn 2.500 tỷ đồng từ nguồn vay giảm nghèo của Ngân hàng Thế giới (WB) cộng với thu nợ của Ngân hàng CSXH, hiện 9 tháng đã đạt 2.600 tỷ đồng, đến ngày 31/12 sẽ có thể đạt 3.000 tỷ đồng, sẵn sàng có đủ vốn cho HS-SV vay vốn.

Đó là khẳng định của ông Lò Văn Đức - Giám đốc Ban Tín dụng Học sinh sinh viên, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam trong buổi tọa đàm trực tuyến “Để sinh viên nghèo có tiền theo học” diễn ra chiều nay 15/10 trên Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ.

Ông Lò Văn Đức cũng cho biết, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội đã chỉ đạo các chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội các tỉnh tổ chức khẩn trương giải ngân cho học sinh, sinh viên.
 
Có đủ vốn cho học sinh, sinh viên vay vốn
Ông Lò Văn Đức - Giám đốc Ban Tín dụng Học sinh sinh viên, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam trong buổi tọa đàm trực tuyến “Để sinh viên nghèo có tiền theo học” diễn ra chiều nay 15/10.

Cũng trong buổi tọa đàm trực tuyến, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý cho biết, chương trình tín dụng với HS, SV theo Quyết định 157 của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện 5 năm nay. Bộ đã thực hiện nghiêm chỉnh chỉ đạo của Thủ tướng trên tinh thần không để HS, SV nào bỏ học vì lý do tài chính. Bộ đã triển khai các giải pháp như sau:

Thứ nhất, hàng năm Bộ có văn bản chỉ đạo công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin về chương trình tới toàn thể học sinh, sinh viên.

Thứ hai, ban hành các văn bản chỉ đạo, yêu cầu các trường sớm cấp giấy chứng nhận cho HS-SV để làm thủ tục vay vốn. Những học sinh, sinh viên nào chắc chắn được lên lớp, tiếp tục học phải cấp giấy chứng nhận sớm cho các em để làm thủ tục vay vốn. Một số trường hợp thi lại, buộc thôi học thì nhà trường cần kịp thời thông báo cho ngân hàng CSXH, tránh việc thất thoát vốn.

Bộ cũng phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH nắm thông tin, xử lý những vướng mắc phát sinh, quản lý và thu hồi vốn sau khi sinh viên ra trường.

Thứ ba, Bộ đã triển khai cùng Bộ LĐTBXH xây dựng website vay vốn đi học phục vụ công tác quản lý tín dụng, xây dựng thông tư hướng dẫn, cung cấp thông tin trên trang này. Trang web có địa chỉ:http://vayvondihoc.moet.gov.vn/?page=9.5&mode=register

Đủ nguồn cho vay 2.500 - 3.000 tỷ đồng

Trước thực trạng dù năm học mới đã đến, đa số tân sinh viên đã nhập trường, nhưng ở nhiều địa phương, HS-SV đủ điều kiện song vẫn chưa được vay vốn theo chương trình ưu tiên của Chính phủ, ông Nguyễn Ngọc Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính cho biết: “Chương trình vay vốn là chương trình rất lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, ngay từ ngày đầu tiên đã được quan tâm chặt chẽ của Chính phủ trong bố trí nguồn vốn ổn định để đảm bảo cho thực hiện chương trình.

Để cân đối cho chương trình SV vay vốn này, theo tính toán của chúng tôi ban đầu cho chu kỳ tối đa 5 năm, các em SV sẽ trả nợ trong chu kỳ tiếp theo 5 năm nữa, thì cần nguồn vốn quay vòng từ  45-50.000 tỷ đồng.

Về cơ cấu, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành xây dựng nguồn vốn cho cả chu kỳ quay vòng. Chúng tôi xây dựng cơ cấu để đảm bảo ổn định, nhà nước bố trí khoảng 1/3, Ngân hàng CSXH huy động 2/3 từ thị trường để đảm bảo nguồn vốn cho HS, SV.

Trong thời gian qua, do khó khăn nhất định từ thị trường tài chính, có lúc NH CSXH cũng chưa huy động kịp thời nguồn vốn từ thị trường, nhưng Bộ Tài chính, NHNN, các bộ, ngành cũng như Chính phủ đã chỉ đạo rõ không để khó khăn ảnh hưởng tới nguồn vốn NHCSXH cho học sinh, sinh viên. Bộ Tài chính, NHNN tạo nguồn vốn tạm thời để đảm bảo nguồn vốn cho NHCSXH đảm bảo nguồn vốn cho vay từng kỳ. Giai đoạn trước là khoảng 3.500-4000 tỷ đồng, giai đoạn này từ khoảng 2.500-3.000 tỷ đồng. Đặc biệt, chuẩn bị cho kỳ 1 năm học 2012-2013, chúng tôi khẳng định Chính phủ đã cân đối đủ vốn cho NHCSXH thực hiện giải ngân cho chương trình.

Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng sau khi báo cáo UBTVQH đã ký Quyết định sành 2.500 tỷ đồng từ nguồn vốn giảm nghèo của WB để dành cho NHCSXH giải ngân cho sinh viên. Cộng với nguồn thu nợ rất tốt từ chương trình cho vay trong các kỳ vừa qua, nếu nhu cầu cho vay từ khoảng 2500 - 3.000 tỷ đồng trong học kỳ này thì đã đủ nguồn”.

Vẫn duy trì mức cho vay tối đa là 1 triệu đồng/tháng

Được biết, theo quy định hiện hành, định mức cho vay là 1 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, tại một số địa phương thì chi phí một tháng cho 1 SV đi học ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM tầm khoảng 3 triệu đồng/tháng. Với mức vay 1 triệu đồng/tháng, nhiều người cho rằng số tiền này còn thấp, chưa bảo đảm để HS-SV học tập, làm ảnh hưởng tới hiệu quả của vốn vay. Theo phản ánh của bạn Nguyễn Ngọc Quỳnh, giá điện 3.500đ/kWh, phòng trọ 450.000 đồng/ tháng..., mà Nhà nước chỉ cho SV vay 5 triệu đồng/học kỳ thì làm sao đủ chi trả.

Trước thực trạng này, ông Nguyễn Ngọc Anh cho ý kiến: “Câu chuyện tính toán rà soát cho vay trong quá trình học đã phát sinh ngay từ những ngày đầu thực hiện chương trình này, đây là nội dung được Chính phủ rất quan tâm, chỉ đạo Bộ Tài chính, phối hợp với các bộ ngành như Bộ GDĐT, NHNN, NHCSXH… tính toán điều chỉnh khi yêu cầu thực tế phát sinh. Trải qua các năm, từ năm 2007 khi bắt đầu cho vay tối đa 800.000 đ, năm 2009 thì điều chỉnh mức vay lên 860.000đ, năm 2010 điều chỉnh 900.000đ và từ năm 2011 đến nay thực hiện mức cho vay tối đa 1 triệu đồng/tháng/HS, SV.

Chúng tôi rất thống nhất trong bối cảnh giá sinh hoạt cao, thì con số 1 triệu đồng không phải là cao. Tuy nhiên xét từ mục tiêu của chương trình là kêu gọi xã hội hóa, nhà nước hỗ trợ một phần, gia đình, xã hội tham gia một phần để đảm bảo nguồn vốn chung cho học sinh đi học chứ không chỉ dựa vào nguồn vốn nhà nước. Với con số tối thiểu ban đầu là 800.000 đồng/tháng, với nhu cầu SV trong 1 chu kỳ cho vay 5 năm thì con số nguồn vốn dành cho chương trình đã lên tới từ 45.000-50.000 tỷ đồng, đây là con số rất lớn, nếu điều chỉnh mức cho vay, Bộ Tài chính đã tính toán cân nhắc sợ rằng ảnh hưởng tới tính khả thi của chương trình. Do vậy, chúng tôi vẫn duy trì mức tối đa là 1 triệu đồng/tháng.
 
Ông Nguyễn Ngọc Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính.
Ông Nguyễn Ngọc Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính.

Cùng với quá trình theo dõi đánh giá, để xác định mức trong tương lai, vừa đảm bảo hỗ trợ 1 phần theo cam kết của nhà nước hỗ trợ cho HS-SV, mặt khác đảm bảo tính khả thi của chương trình, trong quá trình đi khảo sát thực hiện chỉ đạo của  Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và các bộ ngành đi khảo sát đánh giá thực hiện chương trình, thì đương nhiên với các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, con số 1 triệu đồng không phải là cao, nhưng cũng có những địa bàn, HS-SV đều nói rằng, có thể đảm bảo, cùng với hỗ trợ thêm của gia đình, có thể đáp ứng nhu cầu của HS-SV. Đặc biệt trong cấu trúc 1 triệu đồng này đã đảm bảo học phí cho các em không chịu sức ép từ nhà tường, các chi phí sinh hoạt khác vẫn kêu gọi sự hỗ trợ thêm từ gia đình, xã hội hỗ trợ thêm cho các em.

Khi chúng tôi tính toán, nếu một gia đình có 1 con em đi học trong 5 năm vay mức tối đa này thì sau 5 năm dư nợ đã là 50 triệu đồng. Có 2 em đi học đã mất 100 triệu đồng và với một gia đình nghèo ở địa phương với dư nợ 100 triệu đồng là con số tương đối lớn. Cho nên việc tính toán mức cho vay cũng phải tính tới khả năng trả nợ của gia đình HS-SV trong bối cảnh khó khăn này. Thực sự dư nợ mà lớn sẽ là gánh nặng đối với các gia đình, cũng sẽ ảnh hưởng tới quyết định nhập học của HS-SV nữa. Tôi khẳng định Bộ Tài chính, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành theo dõi chặt chẽ biến động của giá cả thị trường để có thể trình Chính phủ ban hành mức điều chỉnh phù hợp và khả thi trong trường hợp cần thiết”.

(Theo Dân trí)