Công nghệ giáo dục thổi bùng đất học 25/09/2013 15:59:11
100% các trường tiểu học trên địa bàn Nam Định đã triển khai thí điểm chương trình công nghệ của GS Hồ Ngọc Đại. Lý do chỉ sau hai năm chương trình được triển khai trên diện rộng - theo các nhà quản lí trên địa bàn vì họ tâm đắc, trò theo học chương trình này vui...cho nên các cô giáo trẻ dù mới tiếp cận cũng rất hào hứng.
 
Học sinh Trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu (Nam Định) trong giờ học môn Toán chương trình công nghệ. Ảnh: Kiều Oanh

Cô Vũ Thị Thắm - phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu (Nam Định):"Mong CGD không chết lâm sàng lần 2..."
 
Cách đây gần 20 chục năm đang dạy CGD và dừng lại chúng tôi rất tiếc. Dù biết rằng phải thực hiện theo pháp lệnh "một chương trình một bộ sách" từ năm 2000 nhưng bỏ đi cách dạy học nhân văn khiến giáo viên ôm tiếc nuối trong nhiều năm.

Cách dạy của CGD không áp đặt chủ quan của người lớn mà học sinh được tư duy nhiều hơn trên các yêu cầu của cô. Với cách học này phát huy tính tích cực của học sinh.

Với phần Tiếng Việt tập 1 tập 2 giáo viên chuẩn bị đồ dùng dạy học đơn giản, nhẹ nhàng hơn. Đa số các thao tác đều đã có sẵn trong thiết kế - giáo viên chỉ cần thấm thiết kế là dạy tốt.

Mặt khác chương trình này nhẹ nhàng hơn cho học sinh ở chỗ lớp 1 chủ yếu chỉ dạy âm và vần - học sinh viết dúng âm vần đó là được.

Với những ưu việt của chương trình này cá nhân tôi cho rằng các trường và những giáo viên đã dạy thử nghiệm chắc chắn sẽ cùng cảm nhận và chương trình ngày càng có sức sống tốt và được nhân rộng. Và chỉ sau thời gian ngắn đã có 2/3 địa phương chọn dạy Tiếng Việt CGD cho học sinh lớp 1.

Thời gian thử nghiệm trước đây dù chỉ thực hiện 2 năm nhưng khi bỏ giáo viên tiếc lắm. Với những giáo viên nhận lớp công nghệ thấy thoải mái, học sinh không mắc lỗi chính tả - giáo viên không phải "nhai đi nhai lại" chương trình đã học.

Hy vọng lần này chương trình không bị loại bỏ nữa vì đã quá nhiều năm bỏ rồi và giáo vẫn không phải sống trong dư âm tiếc nuối.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu (Nam Định) Nguyễn Thị Hằng:"Bộ sách giáo khoa hiện hành sẽ không trụ được"
 
Lí do tự nguyện đưa 3 môn Toán, Tiếng Việt và Giáo dục lối sống CGD vào dạy năm học này là vì bộ SGK hiện hành đang bị dư luận phàn nàn là quá tải và Bộ GD-ĐT cũng đã ban hành các công văn điều chỉnh hướng dẫn giảm tải. Điều đó chứng tỏ bộ sách này sẽ không trụ được. 
 
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu Nguyễn Thị Hằng (bìa phải) trao đổi với GS Hồ Ngọc Đại (Ảnh: Kiều Oanh)
 
Mặt khác, trong quá trình đổi mới chương trình và SGK - đang có chủ trương đến năm 2015 thay sách mặc dù cụ thể thế nào thì chưa biết.

Và trong thực tế khi các trường thực hiện bộ SGK hiện hành thì có trường thực nghiệm của GS Hồ Ngọc Đại triển khai chương trình SGK công nghệ - được phụ huynh ủng hộ và xin cho con theo học. Khi chương trình học không tốt, thì phụ huynh không lựa chọn...

Đó là những lí do Trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu chọn đưa cả 3 môn Toán, Tiếng Việt và Giáo dục lối sống dạy thí điểm ngay năm học này. Ngoài ra, Nam Định còn thêm Trường Tiểu học Nghĩa Bình (huyện Nghĩa Hưng) cũng triển khai 3 môn tương tự.

Dù triển khai chương trình song song khiến khâu quản lí chỉ đạo có gặp khó khăn nhưng nhà trường đặt một quyết tâm là không bao giờ để cho trẻ con chịu những cái không tốt từ chương trình đưa đến.

Cụ thể, nhà trương đặt mục tiêu cho giáo viên là học sinh học hết lớp 1 theo chương trình công nghệ vẫn phải đọc - viết - làm tính cộng trừ trong phạm vi không nhớ giữa các số trong phạm vi 100.

Phải đặt ra mục tiêu cụ thể để giả sử sau này mà chương trình công nghệ không được tiếp tục thực hiện thì học sinh vẫn học tiếp được, không bị hụt hẫng. Chứ không tạo bước ngẫng. 

Giáo viên dạy CGD không được nghĩ đến chương trình hiện hành. Nếu nghĩ đến phương pháp cũ giáo viên sẽ lại lồng ghép cũ và mới thì hiệu quả không được như mong muốn. Tương tự, SGK công nghệ không thể có phần nào quay lại chương trình cũ mà phải trên nguyên tắc toàn thể và bộ phận để phát triển tư duy cho học sinh.

Với những ưu việt như vậy tôi tin chương trình công nghệ của GS Hồ Ngọc Đại sẽ không chết lần hai. Có như thế mới đáp ứng mong đợi và đi vào lòng dân.

Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT Nam Định) Bùi Anh Tuấn: "Nên giao quyền cho hiệu trưởng chọn sách giáo khoa"

Trước đây Nam Định đã triển khai chương trình này. Và chương trình công nghệ đã in sâu vào âm trí của cán bộ quản lí và giáo viên.
 
Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT Nam Định) Bùi Anh Tuấn (Ảnh: Kiều Oanh)
 
Khi dạy chương trình công nghệ thì ấn tượng đối với giáo viên thứ nhất là khi học xong học sinh không mắc lỗi chính tả; thứ hai không bị tái mù - nói cách khác là học sinh nắm rất chắc luật chính tả.

Mặt khác quan điểm dạy học của GS Hồ Ngọc Đại mang tính nhân văn rất cao - luôn luôn chú trọng đến học sinh từ phương pháp dạy học đến nội dung cụ thể.

Do đó, năm đầu triển khai (năm học 2013-2013) thì có đến 50% các trường hoàn toàn tự nguyện - không ép buộc. Mà những trường tiên phong là những trường nằm ở vùng ven, chứ khu vực thành phố chưa tham gia. Bởi lớp cán bộ quản lí ở thành phố đã thay mới nên những trường tham gia năm đầu là những nhà giáo đã dạy tiểu học trước đây đã tham gia dạy chương trình công nghệ thì họ đăng ký ngay - chứng tỏ họ vẫn ấn tượng với chương trình công nghệ.

Như thế để thấy một điều chương trình giáo dục công nghệ đã có ấn tượng sâu từ trước.

Sau một năm thử nghiệm thì mọi người mới thấy công nghệ bây giờ và công nghệ của hơn chục năm về trước đã có sự hoàn thiện rất nhiều. Ngoài việc kế thừa, chương trình công nghệ hiện nay đã được chỉnh sửa phù hợp thực tế. Do đó, năm học này nhận được đồng thuận của 100% các trường tiểu học tham gia với sự thống nhất cao từ trên xuống.

Cá nhân tôi rất tâm đắc với chương trình của GS Đại. Cái quan trọng ở chương trình công nghệ là điểm xuất phát. Trên cơ sở học sinh biết nói rồi - chuyển cái nói ấy chuyển thành ký hiệu - từ ký hiệu chuyển thành chữ viết - cách này hoàn toàn phù hợp với phương pháp dạy học hiện đại. Tức là chương trình phát huy được kinh nghiệm sống của trẻ. Và quan trong chương trình công nghệ giải thích được cặn kẽ tại sao - thay vì áp đặt.

Về tương lai nên để hiệu trưởng từng trường chọn sgk thì sẽ hợp lí hơn vì mỗi địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội, chính trị khác nhau. Bởi vậy có những bộ sách phù hợp với vùng dân tộc về thành phố thì không phù hợp.

Và tôi ủng hộ quan điểm nên có nhiều bộ sách. Nói theo quan điểm của GS Hồ Ngọc Đại là phải vì học trò chứ không phải vì người lớn...

GS Hồ Ngọc Đại: "Tôi mong Nam Định thực hiện cực kỳ chuẩn xác về công nghệ giáo dục - tôi sẽ thường xuyên về và không phải đón tiếp. Tôi về có việc của tôi - Tỉnh Nam Định hoàn toàn có cơ sở để làm giáo dục hết sức vững chắc, đồng đều với chất lượng cao, trẻ hạnh phúc."
 
 
Theo: Vietnamnet