Sở GD-ĐT Hải Phòng mới đưa ra quy định giáo viên giỏi cấp thành phố mới được dạy thêm. Quy định này dựa trên quyết định của UBND Thành phố Hải Phòng về dạy thêm, học thêm.
Cho dạy và thu thuế
Sở GD-ĐT Hải Phòng cũng cho biết, việc dạy thêm trong nhà trường phải có ít nhất 2 loại hình lớp học để bồi dưỡng, củng cố, bổ sung kiến thức cho học sinh trung bình, dưới trung bình và nâng cao kiến thức cho học sinh khá, giỏi.
Đồng thời quy định chỉ tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường ở một địa điểm cố định. Tại đó phải có ít nhất 3 phòng học diện tích tối thiểu mỗi phòng 30m2, có công trình vệ sinh, bộ phận quản lý tài chính, người bảo vệ, người trực trong các buổi học và thực hiện nghĩa vụ đóng thuế cho nhà nước.
Giáo viên phải được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp thành phố mới được tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.
Mức thu tiền học thêm trong và ngoài nhà trường, không quá 8000 đồng/học sinh/tiết đối với các quận Hồng Bàng, Ngô Quyền, Lê Chân, Hải An và Kiến An; không quá 5000 đồng/học sinh/tiết đối với các địa phương còn lại, áp dụng từ ngày 1/1/2013.
Sau một thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm mà chất lượng học tập của học sinh không tốt lên, Sở GD-ĐT sẽ đình chỉ giảng dạy, hoạt động của giáo viên và đơn vị tổ chức dạy thêm, học thêm.
Cán bộ quản lý, giáo viên lần đầu vi phạm các quy định về dạy thêm, học thêm phải kiểm điểm nghiêm khắc trước hội đồng giáo viên, thông báo toàn ngành về mức độ vi phạm.
Những lần vi phạm tiếp theo, tùy mức độ vi phạm, Sở GD-ĐT có hình thức kỷ luật từ tạm đình chỉ công tác đến buộc thôi việc, thôi chức.
Bắt dạy thêm như bắt buôn lậu Trước đó, sau khi Bộ GD-ĐT ban hành thông tư 17 quy định về dạy thêm học thêm, nhiều địa phương đã chấp hành bằng cách cấm tuyệt đối tất cả hình thức dạy thêm học thêm. Tại một số tỉnh thành, nhiều lớp dạy thêm đã đóng cửa.
Nhiều lớp dạy thêm ngoài nhà trường bị kiểm tra, giáo viên bị lập biên bản ngay trong buổi học bởi các đoàn kiểm tra liên ngành. Việc làm này khiến cho thầy trò nhiều lớp học thêm ngơ ngác, đa số các giáo viên đều cảm thấy “tủi hổ”.
Cô T., giáo viên dạy văn trường PM (Hà Nội), kể: “Tôi đang dạy cho một nhóm học sinh lớp 9 thì đoàn kiểm tra đến. Ngoài đại diện nhà trường, phòng GD-ĐT, còn có đại diện chính quyền, công an. Việc kiểm tra bất ngờ nên cả thầy và trò đều không chuẩn bị tinh thần cho việc này… Xem xét trên cơ sở quy định, tôi có lỗi. Nhưng cách “ập đến, bắt quả tang giáo viên tại chỗ, lập biên bản, đề nghị ký xác nhận” khiến giáo viên tủi hổ vô cùng”.
Một giáo viên bị thanh tra Sở GD-ĐT Phú Yên “bắt” vì tổ chức dạy thêm trái phép nói “Hôm đó, khi lực lượng thanh tra sở “làm việc” với những học sinh có tham gia học thêm tại nhà tôi để làm chứng cứ bắt tội mà tôi rưng rưng nước mắt vì thấy hoàn cảnh thầy trò thảm quá. Dù biết mình đã sai, theo thông tư, quy định của ngành nhưng cách xử lý như vậy tôi thấy “đao to búa lớn” quá, làm mất uy tín và hình ảnh nghề giáo nghiêm trọng”.
Một giáo viên khác ở trường THPT Lê Hồng Phong (Tây Hòa, Phú Yên) nói: “Để nghề giáo còn cao quý nhất trong các nghề thì đừng nên hành xử nhà giáo thiếu công bằng và thô bạo như vậy. Bởi suy cho cùng, chúng tôi là những người gieo chữ chứ nào phạm tội nguy hiểm cho xã hội!”.
“Để tránh rơi vào cảnh “bị bắt quả tang”, chúng tôi đã đóng cửa dạy thêm vì không thể đảm bảo được thủ tục” - một số giáo viên các trường THCS Đống Đa, Cát Linh, tiểu học Lê Ngọc Hân, Hà Nội cho biết. Hình thức kiểm tra lớp học giống như “bắt buôn lậu” khiến cho việc dạy thêm, học thêm chẳng khác nào “buôn lậu”?
Theo Đất Việt