Quản lý dạy thêm, học thêm: Cần tính đến nhu cầu người học 05/04/2013 09:21:14
Từ năm học 2012-2013, Hà Nội siết chặt hoạt động dạy thêm học thêm. Theo đó, những trường học 2 buổi/ngày không tổ chức dạy thêm học thêm. Tuy nhiên, tại những trường học 1 buổi/ngày vẫn có  hình thức bán trú nhà dân, trông trẻ ngoài giờ, câu lạc bộ năng khiếu, tiếng Anh thu hút nhiều học sinh tham gia. Điều này cho thấy nhu cầu gửi con của phụ huynh là rất lớn.                        

Ngành Giáo dục (GD) Hà Nội đã tính đến phương án xây dựng mô hình để vừa đáp ứng nhu cầu gửi con của  người dân vừa quản lý được chất lượng cũng như tránh sự biến tướng của dạy thêm học thêm.

Dạy thêm học thêm đã vào nền nếp

Hiệu trưởng Trường THCS Tráng Việt (Mê Linh, Hà Nội) Nguyễn Trường San cho biết: Năm học 2012-2013 là năm thứ hai nhà trường tổ chức học 2 buổi/ngày cho 100% học sinh từ khối 6 đến khối 9 gồm 15 lớp và 552 học sinh. Với thời lượng 4 tiết buổi sáng, 3 tiết buổi chiều/lớp đảm bảo đủ thời gian để học sinh nắm vững kiến thức cơ bản nên không có học sinh cũng như giáo viên nào đăng ký dạy thêm học thêm. Cũng theo thầy San, nhà trường còn tiến hành phân loại và tổ chức phụ đạo cho học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi vào giờ học chính khóa. Theo Phó chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn, toàn huyện có 30/32 trường tiểu học và 21/23 trường THCS dạy 2 buổi/ngày. Do vậy, dạy thêm học thêm không phải là vấn đề “nóng” của huyện. Qua báo cáo và khảo sát thực tế, toàn huyện không có đơn vị  nào có học sinh đăng ký học thêm, không có giáo viên đăng ký dạy thêm ở trong và ngoài nhà trường.
 
 Thuê điểm ngoài trường để dạy thêm vẫn tái diễn.          Ảnh: Thái Hòa
 
Hiệu trưởng Trường tiểu học Thành Công B (Ba Đình, Hà Nội) Phạm Thị Yến cũng khẳng định nhà trường chưa phát hiện sai phạm trong việc dạy thêm học thêm trong nhà trường, trừ một lớp được tổ chức dành cho con em giáo viên trong trường nhưng đã dừng lại vào tháng 12/2012. Còn theo Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình Nguyễn Đắc Hùng, các trường tiểu học trong quận không tổ chức dạy thêm học thêm. Với các trường THCS, có 9/11 trường được cấp phép dạy thêm học thêm. Hai trường còn lại không được cấp phép do học 2 buổi/ngày. Trước khi dạy thêm, các trường đều tiến hành phân loại học sinh, đảm bảo học lực của học sinh ở mỗi lớp đồng đều…

Báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội cho thấy, toàn thành phố hiện có 388 cơ sở có hoạt động dạy thêm học thêm, trong đó có 342 cơ sở được cấp phép. Tổng số học sinh tham gia học thêm trong nhà trường là 123.820 và 28.526 học sinh học thêm ngoài nhà trường. Với 46 cơ sở tổ chức dạy thêm học thêm chưa được cấp phép, theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, Sở đã giao cho quận huyện lên phương án xử lý  theo hướng thẩm tra hồ sơ, điều kiện thực tế về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để cấp phép hoặc yêu cầu chấm dứt hoạt động nếu không đủ điều kiện.

Cần một mô hình thống nhất trong các trường học

Tại các trường học 1 buổi/ngày ở Hà Nội hiện nay tồn tại nhiều loại hình khác nhau. Có trường dạy 1 buổi/ngày,  buổi 2 là dạy thêm, có trường dạy 2 buổi/ngày, thu tiền buổi học thứ 2, có trường trông giữ trẻ ngoài giờ hoặc dạy thêm ngoài nhà trường.

Trường tiểu học Lê Ngọc Hân, (quận Hai Bà Trưng) hay Bế Văn Đàn (Đống Đa) cơ sở vật chất không đáp ứng yêu cầu để dạy 2 buổi/ngày  nhưng 100% lớp tổ chức bán trú ở nhà dân. Trường tiểu học Trưng Vương (Hoàn Kiếm) cũng học 1 buổi/ngày, buổi 2 nhà trường tổ chức cho học sinh học các môn năng khiếu, tiếng Anh, luyện chữ đẹp tại Cung Thiếu nhi cho học sinh có nhu cầu… Tại quận Ba Đình, các trường tiểu học cũng không tổ chức dạy thêm học thêm mà chỉ tổ chức trông giữ trẻ theo nhu cầu của cha mẹ. Theo Trưởng phòng GD tiểu học (Sở GD&ĐT Hà Nội) Phạm Xuân Tiến, đây hình thức bán trú nhà dân xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh nên chỉ có khoảng 60% học sinh trong trường tham gia. “Mặc dù đây là lớp học ngoài nhà trường nhưng Ban giám hiệu, Phòng GD vẫn phải quản lý, giám sát, yêu cầu giáo viên  thực hiện việc hướng dẫn ôn tập cho học sinh chỉ chiếm 1/3 thời gian, 2/3 thời gian còn lại để vui chơi, giải trí…”, ông Tiến khẳng định. Cũng theo ông Tiến, mô hình học như Trường tiểu học Trưng Vương là lý tưởng nhưng tại quận Hai Bà Trưng hay Đống Đa, các trường đều cách xa trung tâm văn hóa quận nên nhà trường phải thuê nhà dân  (có nơi được 2 lớp, có nơi được 4 lớp) để tổ chức bán trú, trông trẻ theo yêu cầu của phụ huynh.

GĐ Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ khẳng định, học 2 buổi/ngày là nhu cầu thực sự của người dân không chỉ với bậc tiểu học mà cả THCS. Do vậy, ngoài việc đầu tư cơ sở để tách cấp, tạo điều kiện cho học sinh các trường được học 2 buổi/ngày, giãn số tiết/buổi học, Hà Nội cũng đang xây dựng mô hình để trông trẻ sau giờ học chính khóa nhằm đáp ứng nhu cầu gửi con của người dân. Được biết, dự thảo về mô hình trên đang trình và chờ UBND thành phố phê duyệt.


Theo: Giáo dục thời đại