“Khóc” cho những lễ tri ân sáo rỗng, vô cảm 28/05/2014 15:46:15
 - Những bài diễn văn “mẫu” dài lê thê chẳng có người nghe, những món quà tri ân thầy cô, cha mẹ được chuẩn bị cả trăm như một… Nặng hình thức, lễ tri ân ở nhiều trường học như “bồi” thêm sự vô cảm ở học trò.
 
Lễ tri ân… báo cáo cảm xúc

Tại lễ tri ân, trưởng thành của một trường THPT ở TPHCM, chương trình kéo dài hàng giờ đồng hồ chẳng khác nào là màn “tra tấn” đối với những người tham dự.

Bắt đầu bằng những tiết mục văn nghệ chẳng ăn nhập gì với nội dung buổi lễ. Tiếp đó là bài phát biểu của thầy hiệu trưởng, nguyên hiệu trưởng, đại diện phụ huynh… dài lê thê. 

Cho đến chia sẻ của đại diện học sinh (HS) gửi đến bố mẹ, thầy cô - đặc một bài văn mẫu dài 4 - 5 trang hẳn phải được “duyệt” từ trước. Những câu văn, cảm xúc mang tính chung chung về bố mẹ, thầy cô xuất hiện nhiều trong sách văn mẫu được đọc vanh vách qua loa, chẳng đọng lại điều gì cho người nghe.

Học trò nhộn nhạo trong một buổi lễ tri ân mà bài phát biểu cảm xúc, quà tặng cho bố mẹ, thầy cô đều được... nhà trường chuẩn bị sẵn.
Không chỉ những bài phát biểu mà ngay đến quà tặng của HS dành cho phụ huynh, giáo viên cũng rập khuôn, hàng trăm bó hoa giống như một được chuẩn bị sẵn. Người tặng và nhận quà… chẳng khác nào những chiếc máy. Bố mẹ, giáo viên cũng trở nên gượng gạo khi nhận những món quà photocopy hàng loạt này. Mấy bác thợ chụp ảnh phải liên tục nhắc “ôm đi, khóc đi” để nháy cho được những khoảnh khắc đẹp.

Hai học trò dẫn chương trình gào thét “chúng em vô cùng xúc động”. Nhưng phía dưới sân trường, sự “xúc động” đó được đáp trả bởi cảnh tượng nhếch nhác: học trò ngồi quay lưng lại với sân khấu, tụm năm tụm bảy nói chuyện rôm rả, chơi điện tử, ồ ạt chụp ảnh “tự sướng”…

Lễ tri ân lại đang như “tiếp tay” cho sự vô cảm của các em. Gọi là ngày lễ của mình nhưng các em xuất hiện đâu khác nào những khách mời đến ngồi cho đông đủ. Mọi thứ từ cảm xúc của các em đối với bố mẹ, thầy cô, quà tặng đều do người khác chuẩn bị sẵn, đâu phải của chính các em, xúc động sao nổi?

Không chỉ ở ngôi trường này, không ít lễ tri ân của các trường khác cũng diễn ra một cách hời hợt, máy móc như vậy. Một học sinh một trường học ở quận 3 thờ dài sau lễ tri ân: “Chúng em chờ đợi một lễ tri ân có thể bày tỏ tình cảm, suy nghĩ thật của mình với bố mẹ, thầy cô, để xóa bỏ những hiểu lầm, hàn gắn tình cảm nhưng kết cục chẳng khác nào đi ngồi nghe đọc báo cáo thành tích và cảm xúc”.

Sao không để các em “tập” trưởng thành?

Từ nhiều năm nay, lễ tri ân trưởng thành được nhiều trường ở TPHCM tổ chức cho HS cuối cấp và ngày càng lan rộng, trở thành một ngày hội đặc biệt dành cho tuổi học trò. Có thể xem đây là mảnh đất nhân văn ý nghĩa, nặng ân tình gieo thêm những cảm xúc vào tâm hồn con trẻ trước khi các em bước vào cánh cửa rộng hơn của cuộc đời.

Có những buổi lễ tri ân thật sự thiết thực, xúc động, đánh thức những cảm xúc của học trò đối với bố mẹ, thầy cô, tạo nên một kỷ niệm đẹp. Nhưng bên cạnh đó, nhiều buổi lễ của không ít trường được tổ chức hết sơ sài và mang tính hình thức làm mất đi ý nghĩa của ngày đặc biệt này.

Hãy để các em thể hiện đúng cảm xúc, tình cảm thật trong ngày lễ tri ân, trưởng thành của mình.
Mỗi hoạt động trong trường học đều phải mang tính giáo dục, nhưng giáo dục được điều gì cho HS từ những lễ tri ân như thế này? Cách tổ chức đầy tính hình thức, sáo rỗng như vậy còn làm các em thêm vô cảm, hời hợt cùng cảm giác thất vọng về ngày của mình.

Hiệu trưởng một số trường chia sẻ, họ thiếu ý tưởng cho hoạt động này, nên chọn tổ chức theo cách thức đơn thuần, an toàn cho dù nó gây nhàm chán và không hiệu quả. Cách lý giải này thật khó chấp nhận bởi đây là ngày của HS, các em phải là chủ thể chính của ngày lễ.

Cách đơn giản nhất là trao quyền cho các em, để các em được tự nói lên tình cảm thật của mình; được tự tay gói ghém những món quà tặng tặng cho bố mẹ, thầy cô; được bộc lộ cảm xúc theo cách của mình. Phía nhà trường chỉ cần tạo điều kiện, hỗ trợ các em trong công tác tổ chức.

Có biết bao lễ tri ân của các trường gây xúc động, vỡ ào cảm xúc từ chính những câu chuyện, món quà của các em tự tay làm gửi đến bố mẹ, thầy cô đó sao. Mỗi học trò là một câu chuyện, cảm xúc và cá tính khác nhau và đây chính là cơ hội để các em bộc lộ. 

Trong môi trường giáo dục, chúng ta vẫn vẫn có thói quen làm thay trẻ cả khi chúng ta tung hô các em đã trưởng thành. Đây là ngày đánh dấu sự trưởng thành của HS, những việc thuộc về các em sao không để các em tự làm? Giới trẻ vốn dồi dào năng lượng, nhiều ý tưởng và muốn được thể hiện. 

Mà không thể nói các trường không biết. Một trong những nhiệm vụ của giáo dục chính là giúp HS thể hiện năng lực và tin vào khả năng của mình.
 
Trước đó, Sở GD-ĐT TPHCM đã có văn bản nhắc nhở các trường lưu ý những vật dụng hoa, quà tặng cho cha mẹ, thầy cô trong lễ tri ân phải do HS tự làm bằng nhiều hình thức sinh động, sáng tạo, không phô trương hình thức. Được nhắc tường tận như vậy rồi mà nhiều trường vẫn "bỏ ngoài tai".


Hoài Nam
Nguồn - dantri