- Ông Trần Ngọc Vinh - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nói: "Mọi sự kiềm chế đều có giới hạn. Chúng ta rất muốn hòa bình nhưng nếu Trung Quốc vẫn làm quá chúng ta sẽ có cách ứng xử tương xứng".
Ông Trần Ngọc Vinh – Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng, Ủy viên Ủy ban pháp luật của Quốc hội: Trung Quốc đã bất chấp thỏa thuận cấp cao về Biển Đông
“Tình hình biển Đông đang được rất nhiều cử tri và nhân dân cả nước quan tâm nên ngay phiên họp đầu tiên của Quốc hội đã phải điều chỉnh chương trình. Việc Trung Quốc đặt giàn khoan trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cùng với sự hộ tống của hơn 100 phương tiện, trong đó có cả tàu chiến và máy bay quân sự là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, Công ước Liên hợp quốc về luật biển 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông. Hành động này bất chấp cả những thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng và hai Nhà nước Việt Nam – Trung Quốc. Hòa bình và an ninh đang bị đe dọa.
Phía Việt Nam tôn trọng Luật pháp quốc tế. Với tình hữu hảo, chúng ta đã dùng mọi biện pháp ngoại giao để kêu gọi Trung Quốc dừng hành vi sai trái của mình. Nhưng đến giờ phút này, đáp lại tinh thần hòa hiếu của chúng ta, phía Trung Quốc vấn tiếp tục leo thang.
Nhiều tàu hải cảnh Trung Quốc đang vây một tàu kiểm ngư của Việt Nam đang làm nhiệm vụ chấp pháp bảo vệ chủ quyền lãnh hải trên biển Hoàng Sa. ảnh: Hoàng Văn Mạnh - Lao động
Dư luận thế giới đã lên án hành động phi pháp của phía Trung Quốc. Theo tôi được biết chưa có nước nào ủng hộ hành động của Trung Quốc. Hy vọng rằng, với sự lên án của quốc tế, Trung Quốc cần phải xem xét thái độ của mình.
Quan điểm nhất quán của chúng ta là tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng những cam kết với Trung Quốc và quốc tế về Biển Đông. Nếu chúng ta đã làm mọi cách mà Trung quốc không thực hiện, Việt Nam không loại trừ giải pháp đưa ra Tòa án quốc tế phân xử.
Và mọi sự kiềm chế đều có giới hạn. Chúng ta rất muốn hòa bình nhưng nếu Trung Quốc vẫn leo thang, làm quá, chúng ta sẽ có cách ứng xử tương xứng.
ĐBQH Dương Trung Quốc: Quốc hội nên ra nghị quyết về tình hình Biển Đông
Biển Đông đã trở thành vấn đề nóng của toàn xã hội, nhất là với Quốc hội họp thời điểm này. Tất cả phát biểu từ khai mạc của Chủ tịch QH, báo cáo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc… đã nói rất rõ quan điểm của chúng ta, nó đã trở thành vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia. Ta cũng nói rất thẳng, ai đúng ai sai và đòi hỏi của chúng ta là gì.
Tôi rất đồng tình với ý kiến cho rằng Quốc hội nên ra nghị quyết riêng về tình hình biển Đông. Bởi vì Quốc hội nói lên ý kiến của mình, vừa với chức năng là tiếng nói, nguyện vọng của nhân dân, vừa với chức năng là cơ quan giám sát tối cao. Hơn nữa, tôi nghĩ là nghị quyết này còn có tác động mạnh tới cuộc đấu tranh ngoại giao. Tiếng nói ngoại giao nhân dân bao giờ cũng có trọng lượng.
ĐBQH Bùi Thị An: Phải bảo vệ tới cùng vì đất đai bờ cõi là xương máu của cha ông
Hành động của Trung Quốc là quá trắng trợn. Tôi cũng như nhiều người dân Việt Nam khác rất bất ngờ vì Trung Quốc xưa nay vẫn là người bạn láng giềng, “núi liền núi, sông liền sông” của chúng ta. Vấn đề Biển Đông, mọi người dân từ người lao động đến trí thức đều rất quan tâm, nóng lòng nghe tin tức hàng ngày. Đó cũng là điều mừng và đáng tự hào của đất nước. Cũng bởi vậy, trách nhiệm của Quốc hội và Chính phủ lại càng cao bởi phải làm sao để đáp ứng tốt nhất lòng mong mỏi của nhân dân.
Dù “ứng vạn biến” như thế nào, chúng ta cũng quyết bảo vệ bằng được sự toàn vẹn của lãnh thổ. Bởi, đó là công sức, máu xương của bao thế hệ người Việt Nam. Chúng ta không cho phép bất kỳ ai, vì bất cứ lý do gì được làm tổn thương niềm tự hào dân tộc.
Một trong những giải pháp lâu dài nhất là phải làm sao phát triển kinh tế mạnh mẽ, củng cố quốc phòng an ninh vững chắc. Thứ hai, chúng ta phải công bố những cứ liệu liên quan đến tình hình tại Biển Đông cho thế giới để cùng biết được ai là kẻ đi xâm lấn. Chân lý thuộc về chúng ta, phải trung thực và công khai để tranh thủ sự đồng tình của quốc tế.
Phúc Hưng (thực hiện và ghi)
Theo dantri.com.vn