Trẻ Hà Nội chạy sô thi vào lớp 6 trường điểm 13/06/2014 09:55:13
Trong 3 ngày liên tiếp (11-13/6), chị Nga cùng chồng thay nhau đưa con gái tới dự thi vào lớp 6 các trường Amsterdam, Nguyễn Tất Thành.
Học sinh chen chân thi vào THCS Nguyễn Tất Thành
 
"Thi như thế để lỡ trượt trường này, còn trường khác", chị Hoàng Thị Nga (Đông Ngạc, Hà Nội), phụ huynh em Nguyễn Hoàng Ngọc Diệp giải thích.

Theo Sở Giáo dục Hà Nội, năm nay số học sinh vào lớp 6 trên toàn thành phố lên đến 108.700 em, tăng 22.000 so với năm trước. Tỉ lệ chọi vào các trường điểm do đó cũng tăng cao. Trường chuyên Hà Nội-Amsterdam chỉ lấy 200 học sinh nhưng có tới 4.156 thí sinh đăng ký dự thi; THCS Nguyễn Tất Thành có 2.599 học sinh đăng ký thi (tăng gần 900 thí sinh so với năm trước, đạt kỷ lục của trường về số thí sinh thi vào lớp 6); THCS Cầu Giấy có 2020 em thi vào lớp 6 (tăng 200 thí sinh so với năm trước)…

Biết thực trạng trên, nhiều phụ huynh lo lắng vì cánh cửa vào lớp 6 của con mình ngày càng hẹp. Mong con được vào trường tốt học và để ăn chắc, không ít ông bố, bà mẹ quyết định cho con thi luôn 3-4 trường chất lượng cao.

Học sinh kiểm tra số báo danh và phòng thi trong kì thi tuyển vào lớp 6 tại trường THCS Nguyễn Tất Thành. Ảnh: Quý Đoàn.
 
Chuẩn bị kiến thức thật tốt để con thi lớp 6 trường chất lượng cao, chị Nga cho con ôn luyện kín lịch trên trường. Cuối tuần chị lại cùng bé tới nhà cô giáo học thêm. Phụ huynh này bảo, phải học nhiều như thế, con mới nâng cao được kiến thức, nắm được nhiều dạng bài và đủ khả năng vượt qua hàng nghìn đối thủ khác để vào các trường điểm. "Con mình 5 năm là học sinh giỏi nhưng các em khác thi vào trường chất lượng cao cũng toàn học tốt của các trường đỉnh cả. Nếu không chuẩn bị kỹ lưỡng, con khó có thể vượt qua", bà mẹ trẻ nói.

Mang tâm tư như chị Nga, chị Nguyễn Thị Chín (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng cho con gái thi lớp 6 vào cả 3 trường chất lượng cao của Hà Nội. Bà mẹ này vô cùng lo lắng bởi tỷ lệ chọi vào trường con thi đều rất cao. Tuy không cho con đi học thêm ở ngoài nhưng tuần 3 buổi, chị Chín mời gia sư đến kèm cặp con ôn bài.

Mẹ của Mai Anh (tiểu học Đoàn Thị Điểm) cho con tới trường Nguyễn Tất Thành ôn một tháng để chuẩn bị kiến thức. Ngoài việc nắm lại những bài học cơ bản trên lớp và học nâng cao, các sĩ tử thi vào lớp 6 còn được cho luyện đề, làm thử đề Toán, Văn của các năm trước.

Trước thực trạng nhiều phụ huynh cho con thi chạy sô vào các trường, chị Hoàng Thu Thảo, mẹ em Nguyễn Thanh Mai không khỏi bức xúc. "Một em mà thi nhiều trường như thế, nếu đỗ hết thì còn đâu cơ hội cho các em khác", chị Thảo nói. Vị phụ huynh này cho biết, chỉ để con thi vào trường Nguyễn Tất Thành. Nếu không đỗ, chị sẽ cho con về học trường cấp 2 theo đúng tuyến.

Nói về tình trạng phụ huynh cho con thi nhiều trường chất lượng cao để "trượt trường này, còn trường khác", PGS Văn Như Cương cho rằng: "Đó cũng là tâm lý bình thường của các cha mẹ mong con được vào trường có chất lượng đào tạo, dịch vụ phục vụ giáo dục tốt". Tuy nhiên việc một học sinh thi vào nhiều trường, nếu đỗ tất cả sẽ gây phiền toái trong khâu gọi nhập học. Chưa kể chính học sinh, phụ huynh sẽ phải mệt mỏi chạy thi liên tục mấy ngày. Để đỗ đạt những trường chất lượng cao ấy, thí sinh trước đó cũng vất vả ôn luyện. "Nhiều phụ huynh nói với tôi rằng, cho con thi vào lớp 1, cấp 2 bây giờ còn căng thẳng hơn cả thi đại học, nhất là năm nay tỉ lệ chọi vào các trường tăng cao", PGS Cương nói.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, theo PGS là do sự chênh lệch về chất lượng, dịch vụ phục vụ giáo dục giữa các trường học. Những trường chất lượng cao thường có môi trường học tập, vui chơi, ăn nghỉ tốt hơn trường bình thường. Số lượng học sinh trong một lớp cũng thấp hơn, khoảng 20 – 35 em mỗi lớp (trong khi trường thường có lớp đạt 50 – 65 học sinh).

Để khắc phục tình trạng thi chạy sô, thầy Cương cho rằng, việc quan trọng nhất là nâng cao chất lượng trường học và giảm mức chênh lệch giữa trường điểm, trường thường. "Khi đó, các phụ huynh có thể yên tâm rằng con mình dù học ở trường nào cũng không bị thua thiệt về kiến thức, dịch vụ giáo dục so với các bạn khác", PGS nói.

Quỳnh Trang ( vnexpress)