Nhận bản sao bằng tốt nghiệp hệ chính quy của ĐH Khoa học (ĐH Thái Nguyên), hàng trăm sinh viên phát hiện chức danh Hiệu trưởng bị lỗi khiến họ bị nghi ngờ dùng bằng giả. Còn nhà trường giải thích, đây chỉ là sai sót của cơ sở in.
Lỗi chính tả ở bằng tốt nghiệp cao đẳng, đại học, thạc sĩ
Ngày 1/7 vừa qua ĐH Khoa học (Đại học Thái Nguyên) làm lễ và trao bằng tốt nghiệp cho hơn 700 sinh viên khóa 7. Tuy nhiên, bản chính bằng tốt nghiệp lại không có tem chống hàng giả của Bộ GD&ĐT, còn bản sao lại mắc lỗi chính tả ở phần chức danh: "KT Hệu trưởng...".
"Bằng tốt nghiệp thiếu tem dán và mắc lỗi chính tả nghiêm trọng khiến chúng em rất khó xin việc vì các cơ quan tuyển dụng nghi ngờ đây là bằng giả", tân cử nhân này nói.
Lỗi chính tả này xuất hiện trong hơn 700 bằng tốt nghiệp của ĐH Khoa học.
Chiều 17/7, ông Nguyễn Đức Lạng, Hiệu phó ĐH Khoa học thừa nhận có sai sót trong bản sao bằng tốt nghiệp do Phòng Công tác Học sinh - sinh viên tự làm. Còn bằng tốt nghiệp chưa dán tem chống giả của Bộ là do "phát bằng xong sinh viên về hết nên chưa dán kịp".
Còn ông Lê Hải Bằng, Trưởng phòng Công tác Học sinh - sinh viên ĐH Khoa học cho biết, khóa 7 vừa rồi trường có 731 sinh viên tốt nghiệp. Ngoài sai sót trên bản sao bằng tốt nghiệp do "lỗi của cơ sở in", trên bản chính còn thiếu tem chống giả của Bộ và một số bằng còn thiếu số vào sổ. Trường vừa phát hiện nên sẽ thông báo thu hồi lại bản sao bị lỗi và cấp lại cho sinh viên bản khác miễn phí.
Trước đó, báo Đất Việt cũng đã đưa tin về vụ việc hàng trăm bằng tốt nghiệp thạc sĩ bị thu hồi do sai lỗi chính tả.
Sáng 18/4, Học viện Báo chí và tuyên truyền (Hà Nội) tổ chức trao bằng thạc sĩ cho hơn 270 học viên cao học K16.
Tuy nhiên, ngay sau khi nhận bằng, các tân thạc sĩ đã phát hiện có lỗi sai sót chính tả trong phần ghi bằng tiếng Anh. Theo đó, thay vì viết “The director of Academy of Journalism and Communication” (giám đốc Học viện Báo chí và tuyên truyền) thì mẫu văn bằng các tân thạc sĩ nhận được lại in nhầm “director” thành “derector”.
Bằng thạc sĩ bị lỗi của Học viện Báo chí và tuyên truyền
Năm 2011, vụ việc tương tự cũng xảy ra ở Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. Lãnh đạo trường thừa nhận nhà trường đang thu hồi toàn bộ bằng tốt nghiệp ĐH in sai tên tiếng Anh của ngành học cho sinh viên ngành công nghệ sinh học.
Ngày 5/11/2011, sau lễ phát bằng, nhiều sinh viên ngành công nghệ sinh học Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm khóa 2007-2011 phát hiện tên ngành học ở phần tiếng Anh thay vì ghi “Biotechnology” thì trên bằng lại ghi nhầm là “Biotechnogy”.
Lỗi tiếng Anh ở sân bay, tòa án, nhà xe
Dư luận từng xôn xao vì những tấm biển báo tiếng Anh đầy lỗi chính tả và dịch thuật xuất hiện ngay tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, TP.HCM.
Ngay tại địa điểm được cho là nơi sử dụng thứ ngôn ngữ quốc tế này nhiều nhất, du khách có thể phát hiện khá nhiều... lỗi.
Arrivals bị viết thành "arivals", thiếu chữ r.
Tấm biển "Thông tin" tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất được viết sai chính tả phần tiếng Anh là "Infomation", thay vì "Information".
Lỗi sai tiếng Anh này còn tràn lan ở các cơ quan Nhà nước.
Cần có chế tài xử lý người đứng đầu
Trước sự việc vừa xảy ra tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nhà văn, nhà ngôn ngữ học PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt lắc đầu nói: "Để xảy ra lỗi ở trên tấm bằng thạc sỹ là không thể chấp nhận được. Người duyệt phôi bằng và kí văn bản này quá tắc trách.
Tại làm sao mà cả người duyệt phôi bằng lẫn người kí đều không phát hiện được lỗi trong mấy trăm bằng.
Bằng đại học, bằng thạc sỹ đâu phải chỉ là bộ mặt của trường, đó còn là bộ mặt của quốc gia. Nếu như những thạc sỹ đó mang bằng đó đi học ở nước ngoài, người ta sẽ nghĩ gì về vấn đề chất lượng giáo dục của Việt Nam".
"Tôi là người dạy cũng thấy buồn và chắc rằng những học viên đó cũng buồn lắm. Suốt quá trình học hành, sau bao cố gắng, họ lại được chứng nhận bởi một tấm bằng khiếm khuyết", TS Đạt buồn bã nói.
Nhà ngôn ngữ học này cũng cho rằng, cái đáng ngại không kém là tệ sai chính tả hiện nay diễn ra tràn lan. Từ cái biển hiệu quảng cáo, đến sai ở phương tiện truyền thông rồi thậm chí cả ở những nơi cửa ngõ quốc tế như sân bay quốc tế. Điều này khiến cho người nước ngoài đánh giá thấp tính chuyên nghiệp, thang giá trị mềm… của Việt Nam.
"Cần phải có chế tài xử người đứng đầu cơ quan để xảy ra việc sai lỗi nghiêm trọng như vậy", ông Đạt nói.
Theo: Báo đất việt