Thời gian gần đây, hàng loạt các địa phương ra thông báo không tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp hệ ĐH tại chức hay liên thông vào làm việc trong các cơ quan nhà nước, đặc biệt trong các cơ sở GD-ĐT đã tạo ra làn sóng tranh luận sôi nổi trên hầu hết phương tiện truyền thông đại chúng.
Phát súng đầu tiên "nã" vào sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức phải kể đến Đà Nẵng, khi thành phố này từ chối nhận họ vào làm việc tại các cơ quan của thành phố bắt đầu từ năm 2011. Tháng 9/2011, hơn 30 giáo viên hợp đồng dạy tiếng Anh Tiểu học ở Nam Định phải nghỉ dạy vì họ chỉ có bằng tại chức cho dù họ đã có bằng liên thông ĐH. Điều đáng nói là trong số các giáo viên này, có người đã tham gia giảng dạy hơn 10 năm trời.
Theo chân Đà Nẵng, Nam Định, phải kể đến Quảng Nam, Quảng Bình, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hải Dương, Hà Nội...cũng "nói không" với sinh viên hệ tại chức hay liên thông. Những tưởng chỉ ở các thành phố lớn hay các tỉnh được coi là "cái nôi học hành" mới "khắt khe" đến vậy, nào ngờ mới đây, Phú Thọ, Thái Nguyên, những tỉnh thuộc diện có yếu tố miền núi cũng sẵn sàng từ chối sinh viên tốt nghiệp hệ đào tạo tại chức, liên thông. Ngày 30/7, Sở GD-ĐT Phú Thọ ra thông báo tuyển viên chức năm 2012, theo đó, yêu cầu người dự tuyển viên chức giáo viên phải "tốt nghiệp hệ chính quy tập trung (không bao gồm chính quy liên thông) đại học sư phạm, khoa sư phạm của các trường đại học. Hoặc, tốt nghiệp đại học ở các trường khác (ngoài sư phạm) trong và ngoài nước phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm và có chuyên ngành phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng".
Có một thực tế không thể phủ nhận rằng càng ngày các địa phương quay lưng với hệ đào tạo tại chức, liên thông càng nhiều. Tại sao lại như vậy?
Trả lời câu hỏi này, hầu hết lãnh đạo các địa phương trên đều khẳng định rằng đây là chủ trương nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của mình. Riêng với ngành GD-ĐT, không có thầy giỏi thì khó có trò giỏi. Chính vì vậy, việc không tuyển sinh viên tốt nghiệp tại chức, liên thông vào đội ngũ viên chức giáo viên cũng là điều dễ hiểu.
Phản ứng của các địa phương qua việc từ chối tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức, liên thông làm chúng ta phải suy ngẫm. Thực tế cho thấy, chất lượng dạy và học ở hệ tại chức của ta trong thời gian qua còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Chất lượng đào tạo tại chức không thể ngang bằng với chất lượng đào tạo chính quy là điều hiển nhiên, tuy nhiên, không thể "vơ đũa cả nắm" khẳng định tất cả sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức là yếu kém. Không ít người vì các điều kiện khác nhau không thể theo học hệ chính quy, nhưng có năng lực thực sự. Trong khi đó, không phải bất cứ ai tốt nghiệp hệ đào tạo chính quy cũng giỏi, cũng đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng. Chính vì vậy, làn sóng "nói không" với các hệ đào tạo tại chức, liên thông của một số địa phương, ngoài việc vi phạm pháp luật còn thể hiện tư duy yếu kém trong công tác tuyển dụng. Làm như vậy chứng tỏ các nhà tuyển dụng chỉ coi trọng bằng cấp mà chưa coi trọng kiến thức thực tế của người dự tuyển.
Trước làn sóng "tẩy chay" sinh viên tốt nghiệp tại chức, liên thông ở một số địa phương, Bộ Nội vụ đã vào cuộc. Phát biểu trong buổi họp báo sáng 3/10, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng thông báo tuyển dụng của một số địa phương ("nói không" với tại chức, liên thông) là "không đúng quy định của pháp luật", rằng Bộ Nội vụ đã cử hai đoàn công tác kiểm tra công tác tuyển dụng ở một số Bộ, ngành, địa phương, xác định thông tin và sẽ phối hợp giải quyết đúng pháp luật để "công tác tuyển dụng thực sự góp phần nâng cao chất lượng công chức". Nói là vậy, nhưng nếu Bộ Nội vụ và các cơ quan chức năng kiên quyết xử lý những Bộ, ngành, địa phương vi phạm pháp luật thì tại sao sau Đà Nẵng, Nam Định, nhiều địa phương khác vẫn tiếp tục "nói không" với cả một hệ thống đào tạo? Có phải "phép vua thua lệ làng" đang được tái lập?
( nguồn GD&TĐ)