Thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 đã bắt đầu nhập học tại các trường ĐH. Tuy nhiên, nhiều khoản thu đầu năm học khiến nhiều sinh viên và phụ huynh ngỡ ngàng.
Trong khi hầu hết các trường công lập đều tập trung thí sinh (TS) trúng tuyển nguyện vọng (NV) 1 nhập học vào đầu tháng 9-2013 thì các trường ngoài công lập lại đang gấp rút tập trung TS. Nhiều trường tập trung TS nhập học ngay trong những ngày đầu tiên của đợt xét tuyển NV bổ sung.
Gom thí sinh cho chắc
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã thông báo cho TS trúng tuyển NV1 nhập học vào ngày 20/8. Đây cũng là ngày đầu tiên trường nhận hồ sơ xét tuyển NV bổ sung nên những ngày qua, lượng TS tập trung tại trường khá đông.
Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP HCM cũng thông báo TS trúng tuyển NV1 sẽ làm thủ tục nhập học từ ngày 20 đến 30/8. Trường ĐH Văn Hiến có 151 TS trúng tuyển NV1 và cũng yêu cầu TS nhập học từ ngày 20/8 đến 27/9. Trường ĐH Văn Lang tập trung TS trúng tuyển từ ngày 19/8…
Tân sinh viên làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Ảnh: Tấn Thạnh
Hầu hết các trường tập trung sinh viên (SV) sớm đều là trường ngoài công lập. Theo đại diện các trường, năm nay, với lượng TS đạt điểm sàn cao, nhiều trường có chỉ tiêu xét tuyển NV bổ sung lớn. Vì vậy, việc xét tuyển NV bổ sung rất khó lường và dự đoán lượng TS ảo lớn. Việc gom “quân” sớm sẽ giúp các trường nắm chắc được số lượng SV để chủ động trong việc xét tuyển các đợt NV bổ sung.
Nhiều khoản phí
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại một số trường, TS và phụ huynh tỏ ra bất ngờ trước các khoản phí phải đóng đầu năm học. Trước kỳ tuyển sinh, nhiều trường thông báo thu theo mức học phí của từng tháng hoặc học kỳ. Tuy nhiên, việc thực thu lại theo tín chỉ, do đó mức thu học phí trội lên so với dự kiến của SV và phụ huynh.
Trường ĐH Hoa Sen thông báo học phí chương trình tiếng Việt từ 3,5 triệu đến 3,8 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, khi đến nhập học, SV phải đóng học phí tính theo tín chỉ. Theo đó, SV ngành thiết kế đồ họa đóng đến 24,579 triệu đồng/20 tín chỉ; ngành truyền thông và mạng máy tính: 23,154 triệu đồng/20 tín chỉ. Hệ CĐ ngành truyền thông và mạng máy tính, học phí 23,154 triệu đồng/20 tín chỉ; ngành tiếng Anh: 23,099 triệu đồng/20 tín chỉ… Ngoài ra, SV thuộc nhóm ngành thi tin học đại cương đầu năm học phải đóng học phí tin học dự bị bổ sung với mức học phí là 2,26 triệu đồng.
Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP HCM cũng thông báo mức học phí 1,3 - 1,5 triệu đồng/tháng hệ ĐH và 1,1 - 1,3 triệu đồng/tháng hệ CĐ. Tuy nhiên, khi nhập học, SV phải đóng học phí theo tín chỉ. Cụ thể, trình độ ĐH là 520.000 đồng/tín chỉ, CĐ là 465.000 đồng/tín chỉ.
Theo đó, học phí học kỳ 1 ngành công nghệ thông tin là 8,476 triệu đồng, các ngành khác 8,320 triệu đồng, giáo dục thể chất 300.000 đồng/tín chỉ. Ngoài ra, SV còn phải đóng lệ phí nhập học 500.000 đồng, bảo hiểm y tế bắt buộc 290.000 đồng/SV.
Một số trường ĐH khác thì lại thu học phí theo từng học kỳ hoặc năm học. Trường ĐH Ngoại ngữ Tin học thu học phí 15 triệu đồng/năm cho hệ CĐ, hệ ĐH 16 triệu đồng, riêng ngành quản trị kinh doanh quốc tế và ngành ngoại ngữ là 17 triệu đồng/năm. SV nhập học được yêu cầu đóng 9,38 triệu đồng, số tiền còn lại sẽ phải đóng trong tháng đầu của học kỳ 2. Ngoài ra, SV còn phải đóng lệ phí nhập học 300.000 đồng, bảo hiểm y tế và bảo hiểm tai nạn bắt buộc 320.000 đồng.
Trường ĐH Văn Lang cũng thu học phí theo học kỳ và năm học với mức thu ngành cao nhất là 11,5 triệu đồng/học kỳ. Khi đến nhập học, SV cũng phải đóng lệ phí 200.000 đồng...
Nhiều trường chưa công khai hồ sơ xét tuyển
Đến ngày 22/8, một số trường đã cập nhật hồ sơ xét tuyển NV bổ sung. Tại Trường ĐH Hoa Sen, đã có 1.075 hồ sơ xét tuyển, chủ yếu vào các ngành: kinh doanh quốc tế, quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, quản trị kinh doanh. Trường ĐH Tài chính Marketing nhận được 770 hồ sơ, chủ yếu tập trung vào ngành quản trị nhà hàng với trên 300 hồ sơ.
Tuy nhiên, trên trang web của nhiều trường như Trường ĐH Sư phạm TP HCM, Trường ĐH Sài Gòn, Trường ĐH Nông Lâm, Trường ĐH Công nghiệp TP HCM... vẫn chưa có thông tin về số lượng hồ sơ xét tuyển NV2.
(Theo Người Lao động)