Nước mắt sau bục giảng của các thầy cô trên vùng cao 22/11/2012 16:27:32

Được đứng trên bục giảng làm cái nghề mình yêu dù ở đâu cũng vẫn là điều hạnh phúc, nhưng ở nơi này, hạnh phúc ấy phải trộn thêm rất nhiều nước mắt. Cái giá phải trả cho nghề với một số thầy cô đắt vô cùng.

Đã 5 năm làm nghề giáo, phải khóc nhiều, đến giờ cô Lương Thị Thuận vẫn phải… tiếp tục khóc. Hạnh phúc có thể giống nhau, nhưng nước mắt mỗi chặng đường đời, đường nghề lại đắng đót khác nhau…

Chọn nghề hay… chồng

Cô Thuận quê ở Thanh Chương (Nghệ An) vào Nậm Ngà từ năm 2007, chặng đường vào đi bộ mất hai ngày... khóc vì không ngờ khổ thế. Làm được 1 tháng cô viết đơn xin thôi việc. Đồng nghiệp xúm vào khuyên giải. Thương bố mẹ ở quê, nhà có 6 anh chị em, mới một anh có việc; chặng đường cô đi học sư phạm bố mẹ phải vay mượn cả thảy 40 triệu đồng, chưa trả được, còn 3 em cũng đang đi học... nên cô chịu ở lại.

Lần thứ hai cô lại viết đơn xin nghỉ việc vì... lấy chồng. Chồng cô người Mường ở Hòa Bình, cha mẹ cũng đã cao tuổi. Xác định lấy anh thì không thể ở lại trường được, sắp đến ngày cưới cô viết đơn xin thôi việc. Lần này chính chồng cô khuyên cô không bỏ nghề.

Nước mắt sau bục giảng, Giáo dục - du học, nuoc mat sau buc giang, lop hoc vung cao, giao vien vung cao, mien nui, hoc sinh dan toc, dan toc thieu so, thay giao cam ban, diem truong, giao duc, su pham, tin tuc, tin nhanh, tin hot, vn

Trường THCS Nậm Ngà với tất cả các lớp học đều tạm

Cô bảo “khi nghe anh ấy khuyên, em đã khóc òa lên vì hạnh phúc” . Cuộc sống sẽ không có gì lớn, vợ chồng cô đã có con - cháu lên 3 tuổi, chồng cô vui vẻ “gà trống nuôi con”, chăm cha mẹ già để cô yên tâm theo nghề. Rồi bố mẹ chồng ốm mất, nhà chỉ còn cụ nội năm nay đã hơn 90 tuổi. Chồng cô quần quật trông bà, trông con, lái xe thuê..., năm đôi lần có “vợ hờ về thăm”. Người chồng đã từng khuyên vợ cố không bỏ nghề, thực tế anh cũng đã mấy năm thay cô làm mọi bổn phận gia đình, nay đã mỏi mệt lắm, anh tuyên bố với vợ : “Nghề hay chồng... chỉ có thể chọn một”.

Cô Thuận lại phải khóc hằng đêm, bao đắng cay, khổ cực mới có được hôm nay, tuổi cũng đã cưng cứng. Bỏ nghề giáo bắt đầu lại bằng cái gì? Bỏ chồng, con, cũng là mất tất. Hôm chúng tôi lên điểm trường Tia Ma Mủ gặp cô, trao đổi mấy câu cô chạy ra đầu lớp, khóc... Thầy Nguyễn Đức Cường - Hiệu trưởng Trường PTCS Nậm Ngà - đánh giá cô Thuận là giáo viên “đàn chị”, luôn gương mẫu. Cô nhận điểm trường khó khăn bậc nhất, nhường chỗ dễ cho các thầy cô “còn trẻ, còn chuyện chồng con, mình gia đình xa, cho nhỡ luôn” như lời cô nói

Điểm trường Tắc Ngá (Trường TH Nậm Trà) có cô Mai Thị Thu Tiếp, cô Tiếp làm nghề này cũng đã 15 năm. 8 năm cô dạy ở Tuyên Quang, dạy hợp đồng, mãi không được vào chính thức, năm 2007 xung phong lên Mường Tè. Vừa dạy, vừa học nay đã tốt nghiệp đại học, nhưng... tuổi đã chơi vơi giữa đầu 3 và 4, con bé mới 2 tuổi, cai sữa con để mẹ đi dạy khi mới hơn 7 tháng, tết vừa rồi về thăm, con 14 tháng tuổi không theo được mẹ. Mỗi tuần vượt dốc lên núi tìm sóng gọi điện về cho chồng con, mỗi lần như thế mất cả giờ đứa con nhỏ mới nhận ra mẹ. Cháu bắt đầu học nói mà tiếng gọi mẹ mãi không tròn được, mẹ với cháu xa xôi quá.

Hôm ở Trường THCS Nậm Trà chúng tôi gặp cô giáo Vũ Thị Thanh, cũng đã hơn 30 tuổi, mới lên trường 15 ngày. Cô Thanh cũng cái cảnh dạy học gần 10 năm ở Thanh Oai (Hà Nội) mà chịu, không có xuất chính thức. Nghe lời người anh họ xung phong lên Mường Tè. Đi bộ 1 ngày đến trường mới biết “trên này mọi người khổ thế”. Gia đình, chồng và hai con ở quê, đứa lớn 5 tuổi, nhỏ 2 tuổi, chặng đường làm giáo viên vùng cao của cô cũng mới chỉ bắt đầu, cô có đi được hết hay không thật khó trả lời, nhưng chắc chắn sẽ rất nhiều nước mắt trên chặng đường ấy.

Người thầy cũng khóc

Ở trường Nậm Ngà mọi người vẫn nhớ đến chuyện thầy giáo Phạm Trung Tình bỏ nghề. Đợt ấy năm 2009, bố thầy Tình ở quê ốm mất, điện lên, thư vào đến trường đã mất một ngày, thầy Tình đi bộ cả đêm ra đến đường, bắt xe về quê ở Yên Bái tất thảy mất ba ngày. Nhưng về đến nhà thì mọi việc đã xong xuôi. Quay lại trường thầy khóc nói với mọi người: “Công danh sự nghiệp làm gì khi mà bố mẹ mình cũng không lo được”. Rồi thầy xin nghỉ việc về quê trông mẹ già. Đợt thầy Tình nghỉ “anh em giáo viên chúng em cũng xao động lắm” - thầy Cường - hiệu trưởng nói.

Chuyện “xao động”, thầy Cường cũng tâm sự rất thật rằng bản thân thầy cũng từng như thế: “Hồi mới vào mình nghĩ chắc chỉ ở được một tháng thôi”. Tháng qua, năm qua, thầy Cường gắn bó với trường, với học sinh rồi không về nữa. Chuyện dạy và học trên này như thầy Cường nói là “bi hài” lắm, có lần phải “ăn trộm sắn của dân”.

Đợt năm 2008, 6 thầy cô giáo từ bản U Pa Tết về trường họp giao ban, giữa đường gặp lũ, tiến không được, lùi không xong. Hơn một ngày đói lả, cuối cùng đành “bới trộm sắn” trên nương của dân để nướng ăn, đêm quay cỏ nằm giữa rừng mặc cho “vắt nó làm thịt”. Chuyện từng phải... khóc, thầy Cường thú thật là có . Về thăm nhà “con nó gọi mình bằng chú, không cho bế”, rồi lên trường, nhớ nó đi cả giờ đồng hồ lên núi tìm sóng, chờ có sóng cả buổi đến lúc gọi được, con lại không chịu nói chuyện vì không quen, thế là khóc thôi.

Khổ nhất ở trường Nậm Trà giờ phải kể đến thầy Kha Văn Thông. Thầy Thông dạy ở trường từ 2007, 6 năm liền ở bản U Na 2, vợ cũng là giáo viên cùng trường. Tháng trước vợ thầy sinh con, vất vả quá nên sinh non, cháu bé chỉ được có 1,3kg, nuôi lồng ấp gần tháng. Thầy bảo “may lắm rồi”, đây là lần thứ hai vợ chồng thầy có con, lần trước cũng sinh non, không nuôi được. Lần này “may” nhưng tiền của đổ vào cho cháu không tính được.

Nước mắt sau bục giảng, Giáo dục - du học, nuoc mat sau buc giang, lop hoc vung cao, giao vien vung cao, mien nui, hoc sinh dan toc, dan toc thieu so, thay giao cam ban, diem truong, giao duc, su pham, tin tuc, tin nhanh, tin hot, vn

Hai giáo viên ở Trường Tiểu học Nậm Ngà vượt suối đến lớp

Ở Nậm Trà các thầy cô kiếm được đứa con không phải dễ, chuyện động thai, sẩy thai của các cô nhiều khi nghe kể mà rùng mình. Năm 2009, cô Mơ - giáo viên trong trường - bị động thai, 12 giáo viên nam làm cáng thay nhau khiêng cô ngay trong đêm về huyện. Đêm ấy trời mưa, đến điểm trường giữa đường thì cô sẩy thai, khênh tiếp đến chiều hôm sau mới đến bệnh viện huyện. May mà cứu được mẹ.

Vụ ấy Thầy Cường bảo “đến bờ sông Đà 3 giờ chiều, 12 anh em ngã vật ra, mặt ai cũng tái mét vì kiệt sức”. Gần đây nhất, tháng 1.2012 cô giáo Lò Thị Hồng cũng bị động thai, lại hơn 10 người khênh đi, may thời tiết không nghiệt, một ngày ra đến viện, bác sĩ bảo chỉ chậm chừng 2 giờ thì “mẹ con cùng khó cứu được”.

Gian nan đường học

Đường nghề của các thầy là thế còn đường học của các cháu cũng không kém gian nan. Tà Tổng đến bây giờ mới có 1 cô giáo, cô Lỳ Gió Nu người Hà Nhì ở bản Nậm Ngà. Cô giáo Nu về dạy ngay ở bản quê, mọi người vẫn nói đùa cô là học sinh đầu tiên “mài chữ ra ăn được”. Đường học của Nu cũng đầy nước mắt, cô đến với cái chữ khi đã 14 tuổi, thầy giáo dạy lớp xóa mù thấy Nu học được, vận động em cố học.

Nghe lời thầy Nu cố, học mãi, đường học thật dài có lúc “gói mỳ ăn liền chia ba bữa”, Nu kể, có lúc muốn bỏ học chỉ vì không có tiền mua quyển sách, cây bút... Bố phải bán 3 con trâu lấy tiền cho Nu đi học sư phạm, để theo được cái nghiệp làm thầy, để “trả ơn” các thầy cô đã dạy em, đã bao lần đuổi theo để giúp em. Cô giáo Lỳ Gió Nu bây giờ thêm cái chân đi vận động trẻ em đến lớp, với cô việc ấy đơn giản nhất, chỉ cần gặp các em bảo “cô bây giờ được sướng như này vì ngày xưa biết đi học”.

Khu bán trú ở hai cụm Nậm Trà, Nậm Ngà có đến hơn 300 học sinh cả THCS và TH. Sẽ có bao nhiêu em trong số này thực sự thành đạt, “kiếm sống bằng chữ” như Lỳ Gió Nu? Không nhiều đâu, nhưng chắc chắn đường đời các em sẽ bớt vất vả như bố mẹ vì đã có con chữ “gánh bớt” sự nhọc nhằn. Nhưng hôm nay, khi đi học, quả thực “khổ hơn đi cày”. Những đứa trẻ xa nhà cả tuần, sống tự lập từ cái tuổi lên 10. Một đêm chúng tôi lặng lẽ xuống khu bán trú, để thấy những thân hình nhỏ bé nằm ôm lấy nhau ngủ, cả chục cháu cũng chưa kín được cái giường.

Chiều sau giờ học lại kéo nhau ra suối bắt cá, hái rau, lấy củi. Trong hành trang đến trường không ít cháu có cả nỏ, hỏi để làm gì, các cháu bảo: Săn chuột. Chuột bắn không phải để bảo vệ đồ đạc mà để... ăn. Đi kiếm củi, cây củi lớn quá không vác được thì lùa xuống suối, nhờ dòng nước đẩy về. Cứ thế theo năm tháng, dòng đời, dòng chữ cùng chảy, cùng lớn với các cháu.

Theo Đức Thảo (Lao động)