Khi thầy cô cũng mê dùng Facebook 16/11/2012 09:23:28

Trò hiểu thầy, thầy "đi guốc" trong bụng trò vốn dĩ là một điều vô cùng "xa xỉ" đối với các anh chị học sinh thời trước.

Buổi sáng bạn đến lớp gặp thầy/cô ngoan ngoãn, khuôn phép, đến tối về thì nhận được mess của thầy/cô trên Wall Facebook chia sẻ về bài giảng, những góc nhìn thú vị trong cuộc sống hay đơn giản là một câu chuyện vui... thì còn gì bằng!? Điều này khiến khoảng cách giữa thầy và trò như được rút ngắn lại hơn và đó cũng chính là thứ mà các anh chị trước đây của chúng ta không hề có được! 

Học sinh được nhiều điểm "lời" khi có Facebook

Học trò ngày xưa chẳng hề biết tí gì về cuộc sống cá nhân hay cách nghĩ trong đầu của thầy cô mình là gì. Tất cả đều được giữ kín đến mức tuyệt đối, hay nói hơi quá là giống như cảm giác của một fan hâm mộ muốn biết cuộc sống cá nhân của "thần tượng" mình như thế nào. 

Ngày nay, sự "thiệt thòi" ấy của các bạn học sinh ngày càng được cải thiện khi thầy cô dần dần "thâm nhập" vào cuộc sống đời thường của học trò và ngược lại bằng các trang mạng xã hội. Thầy và trò có thể "à, ơi" đi ăn, trò chuyện, tâm sự bằng một vài cái click chuột vô cùng nhanh và không hề tẻ nhạt. Nên trách nhiệm của "thầy cô giáo" không còn gói gọn trong hai từ "dạy và học" nữa mà còn có thêm một việc khác đó là một "người bạn" đúng nghĩa. Thế mới thấy sức mạnh tuyệt vời của công nghệ và đặc biệt là Facebook. 

Điển hình là thầy Vũ Khắc Ngọc - giáo viên trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội “lỡ tay” chia sẻ một status về cách nghĩ của mình: “Hạnh phúc là khi ta có gì đó để làm, có ai đó để yêu, và có điều gì đó để hi vọng”. Ngay lập tức status đã “gây bão”, rất nhiều bạn vào trêu thầy và thẳng thừng tiên đoán “Thầy đang yêu” - một điều cách đây hơn 5 năm, trong mối quan hệ thầy trò thì là thứ cực kỳ "xa xỉ”.

Khi thầy cô cũng mê dùng Facebook 1
Thầy Vũ Khắc Ngọc (Ảnh: Facebook)

Ngoài ra, trên Facebook của thầy Khắc Hiếu (giảng viên trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cũng có rất nhiều status liên quan đến cuộc sống của mình. Hay đơn giản là vài dòng thầy chia sẻ tình cảm và lòng tri ân với thầy giáo của mình trên Wall. Có ai ngờ status ấy đã nhận được gần 2.000 lượt like và hơn cả trăm comment chia sẻ về ký ức tuổi thơ của các bạn học sinh dành cho những người thầy, người cô của mình. Thế là thầy lại hiểu bạn này đang nghĩ gì, trò cũng biết hóa ra thầy của mình cũng có những cảm giác hệt như mình bây giờ.

Hay khi thầy trò gặp nhau trên Facebook, nó còn là nơi để mọi người cùng nhau "tra tấn" thầy về đêm với một đống bài vở, học hỏi kinh nghiệm “siêu thần tốc”. Có khá nhiều bạn thông minh nên tận dụng điều này một cách triệt để. Và ở đây, không chỉ có một bạn mà còn có rất nhiều bạn vào bình luận, đóng góp thông tin. Những bạn nào “đến sau” vẫn có cơ hội đọc lại và rút kinh nghiệm cho mình. 

Khi thầy cô cũng mê dùng Facebook 2
Học sinh vào hỏi bài tập trên Facebook của thầy Khắc Ngọc.

Và những điều bất ngờ...

Sẽ bất ngờ và hạnh phúc biết bao khi bạn nhận ra thầy nhớ đến mình và vẫn thường xuyên “dòm ngó” Facebook, dõi theo cuộc sống của bạn, sẵn sàng “ra tay” khi bạn có vấn đề gì.

Khi thầy cô cũng mê dùng Facebook 3
Những câu hỏi "trời ơi" mà các bạn ở ngoài không dám hỏi trực tiếp. Rồi thầy còn quan tâm học sinh của mình khuyên "ngủ sớm đi em ơi, sang mai đi học chứ!" 

Hay bạn đã có bao giờ “add” thầy giáo (cô giáo) của mình để thấy một lợi ích vô giá mà “sự gần gũi” mang lại? 

Và nếu như có lỡ “làm người đến sau” thì cũng đừng buồn. Thầy Vũ Khắc Ngọc đã để một status rất thú vị làm cover photo: “Nhờ các em, Facebook của thầy đã đến hạn add thêm friend, vì vậy, bạn nào đã không còn học thầy nữa (hoặc là một số bạn còn không biết cả thầy là ai) thì cố gắng unfriend thầy để các bạn khóa sau có thể add friend thầy (nhiều quá Thầy unfriend không nổi rồi)...”

Khi thầy cô cũng mê dùng Facebook 4
Nội dung rất ấn tượng của thầy Khắc Ngọc.

Và như thầy Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu thạc sĩ Tâm lý học, giảng viên trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã từng chia sẻ trên Facebook của mình rằng: “Ai bảo thầy và trò là phải có khoảng cách, phải phép phải khuôn. Quan trọng là những người thầy sẽ tạo nên nhân cách cho những người trò...”
(Theo TTVN)