Chỉ mới lớp 2 - 3 nhưng nhiều học sinh đã phải học ngày, học đêm, tới
các “lò” luyện thi mang theo kỳ vọng của cha mẹ mong con vào trường
điểm, trường chuyên.
Vào “lò” từ thuở còn thơ
|
Bị ép học, nhiều học sinh tiểu học đứng trước nguy cơ đánh mất tuổi thơ hồn nhiên (Ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: Q.Anh |
Không chỉ bị “nhồi” kiến thức, có em còn phải tất bật theo các lớp học kỹ năng sống, năng khiếu... khiến các em vô cùng mệt mỏi.
Ôn luyện từ năm lớp 3
Không
chỉ “oằn mình” bởi chương trình học hiện nay khá nặng, nhiều học sinh ở
Hà Nội còn tiếp tục chịu áp lực từ chính sự kỳ vọng của cha mẹ muốn con
học giỏi, thi vào trường điểm, trường chuyên nên đã thúc ép con học từ
khá sớm. Còn 2 năm nữa con mới học hết lớp 5, nhưng từ đầu năm học đến
nay, chị Lê Thị Quỳnh (ở Tứ Liên, Tây Hồ - có con học lớp 3, Trường tiểu
học B.Đ) đã phải tất tả tìm cách ôn luyện cho con với mục đích thi đỗ
lớp 6 trường chuyên, hay chí ít con sẽ không bị “lép vế” so với các bạn
nếu vào được trường điểm.
Theo chị Quỳnh, nhiều
người mách nước rằng, muốn con vào trường chuyên cấp THCS thì phải cho
ôn luyện từ bây giờ. Gia đình cũng kỳ vọng vào con, được vào trường
điểm, trường chuyên là tốt nhất. Hỏi han khắp nơi, cuối cùng chị xin cho
con được vào lớp của cô giáo dạy giỏi môn tiếng Việt ở đường Đê La
Thành, tuần học ba buổi. Còn môn Toán, may là xin học được lớp ôn của
một thầy trường chuyên, cũng học tuần 3 buổi. Hàng ngày, bố mẹ cũng phải
tăng cường kiểm tra, giao thêm bài tập nâng cao cho con. Chị Quỳnh nói:
“Biết là vất vả, nhưng nếu cháu không tăng cường học, chỉ còn nước về
“trường làng” học thôi”.
Có con học lớp 4, nhưng
mỗi tháng tiêu tốn 4-5 triệu đồng tiền học thêm với quyết tâm đỗ vào
Trường chuyên THCS Nguyễn Tất Thành, chị Phạm Thanh Huyền (quận Cầu
Giấy) cho biết: “Vào được trường này quả là vẹn cả đôi đường. Chất lượng
tốt, lại gần nhà, cháu có thể đạp xe đi học. Tôi đã xin cho con vào học
lớp do một cô giáo trường chuyên đứng ra tổ chức. Lớp chỉ nhận 8 cháu,
luyện 2 môn Tiếng Việt và Toán, tuần học 2 buổi/môn. Dự kiến, ra Tết sẽ
tăng lên 3 buổi/tuần/môn. Mỗi buổi, cô giáo thu 200.000 đồng/cháu. Ngoài
ra, tôi còn cho cháu học thêm ở các trung tâm có tiếng về luyện thi vào
trường chuyên”.
Theo một số phụ huynh, vào lớp 6
trường chuyên bây giờ còn căng hơn thi đại học bởi chỉ tiêu ít, lại
nhiều học sinh thi. Học sinh chỉ học trên lớp, tự học khó có thể thi đỗ,
thế nên ngay từ những năm lớp 2 – 3, phụ huynh đã phải cho con đi học ở
nhiều lớp do thầy cô trường chuyên mở, thậm chí ôn ở các “lò” luyện
thi.
Căng mình “chạy sô”
Vất
vả chuyện học các môn văn hóa là vậy, nhiều học sinh còn phải căng mình
tham gia các lớp, khóa học bổ trợ. Từ đầu năm học đến nay, sau khi học
xong ở trường, bé Hoài Anh (học sinh lớp 2, Trường tiểu học Hà Nội) lại
được mẹ đưa đi luyện chữ, 2 buổi/tuần.
Bé Hoài
Anh tâm sự, hồi đầu năm, cô giáo nói với mẹ rằng cháu chữ viết xấu, cẩu
thả nên mẹ đã tìm chỗ rèn chữ cho cháu. Học ở trường xong, mẹ đưa cháu
đi học khóa luyện viết chữ đẹp của trung tâm M.H (ở Thanh Xuân), rèn chữ
từ 17h30-19h. Về nhà, mẹ lại giao bài viết để luyện chữ. Có hôm viết
nhiều, mỏi tay, nhưng mẹ chỉ cho nghỉ một lát rồi lại viết tiếp.
Vài
năm trở lại đây, nhiều phụ huynh “rỉ tai” nhau rằng trẻ học tiếng Anh
tốt nhất từ năm 7 - 8 tuổi. Vậy là trào lưu đi học tiếng Anh trở nên phổ
biến, nhiều trường tiểu học còn “bắt tay” với trung tâm ngoại ngữ, mở
các khóa dạy tiếng Anh ngay tại trường, sau các buổi học chính. Anh Trần
Mạnh Tuấn (đường Kim Giang, quận Thanh Xuân) chia sẻ, hồi đầu năm học,
cô giáo nói rằng con anh học tiếng Anh chưa được tốt, nên “tư vấn” gia
đình cho con đi học chương trình tiếng Anh do trường liên kết với một
trung tâm. Thế là, ngày nào cháu cũng học “ca 3” tại trường. Nhưng thấy
việc học này cũng không mấy hiệu quả, anh Tuấn vẫn phải cho con đi học
tại một trung tâm tiếng Anh vào cuối tuần.
Mong
con học giỏi, toàn diện, nhiều phụ huynh còn muốn con học năng khiếu,
kỹ năng sống. Nhiều phụ huynh cho rằng, như thế trẻ sẽ giảm áp lực
chuyện học hành. Tuy nhiên, thực tế không hẳn như vậy. Sau mấy tháng
theo học tại một trung tâm dạy nhạc ở đường Nguyên Hồng (quận Đống Đa),
cháu bé tên Nam (học sinh lớp 5, Trường tiểu học Thành Công B) đã cảm
thấy chán nản với môn học bị mẹ ép buộc này. Nam chia sẻ: “Học đàn piano
rất khó. Lúc đầu học môn này cháu cũng thấy có hứng thú, nhưng càng học
càng thấy khó, đánh sai, nhớ nhầm liên tục. Để thuộc bản nhạc, đánh
được nhạc trôi trảy, mỗi ngày phải tập luyện rất nhiều mới thành thục.
Giờ cháu không muốn học tẹo nào, nhưng mẹ cứ bắt học”.
(Theo Gia đình.net.vn)