Tại nhiều trường THPT ở nông thôn đón nhận các chương trình tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh do các trường ĐH-CĐ tổ chức. Tuy nhiên, do tư vấn thì ít, quảng bá thì nhiều khiến học sinh càng bối rối...
Mù mờ tư vấn...
Ngày 4.3, Trường THPT Lý Tử Tấn (Thường Tín, Hà Nội) tổ chức cho một vài trường ĐH-CĐ tới tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh khối 12. Các em chăm chú theo dõi, chịu khó đặt câu hỏi, ghi chép lại thông tin cần thiết.... Tuy nhiên, khi phóng viên NTNN hỏi về hiệu quả, nhiều em lại cho biết không thu được nhiều kết quả từ buổi tư vấn. Em Nguyễn Hải Đăng - học sinh lớp 12A3 tâm sự: "Em thấy nhiều trường đến tư vấn tuyển sinh đợt này, song đa số chỉ là quảng cáo về các ngành đào tạo, hứa hẹn tương lai... còn những chính sách, chiến lược phát triển cụ thể để chúng em thấy thuyết phục thì gần như không".
Học sinh sau một buổi tư vấn tuyển sinh tại Quảng Nam.
Trường THPT Đông Anh (Hà Nội) cũng đón các trường ĐH-CĐ tới tư vấn tại trường vào đầu tháng 3. Tuy nhiên, nhiều học sinh tỏ ra chán nản bởi không được cung cấp thông tin như mong muốn. Chẳng hạn, tại một buổi tư vấn, có học sinh xin tư vấn về dự định theo học chuyên ngành PR (quan hệ công chúng). Đại diện nhà trường tổ chức tư vấn trả lời hết sức sơ sài về ngành học này rồi quảng bá về các chuyên ngành mà trường đào tạo. Đại diện trường còn đưa ra một tư vấn hết sức bất ngờ: "Nếu em nào muốn lái ô tô đi làm thì hãy học kinh tế!".
Trao đổi với NTNN, thầy Vương Trường Giang - Đoàn trường THPT Đông Anh cho biết: "Các buổi tư vấn tuyển sinh và định hướng nghề nghiệp ở khu vực nông thôn nói chung đều thu hút được học sinh bởi ở đây, dù không xa nội đô là mấy nhưng điều kiện để các em học sinh trực tiếp tìm hiểu thông tin tuyển sinh, thi cử là không nhiều. Tuy nhiên, các trường ĐH-CĐ mới chỉ tư vấn, trong khi tính hướng nghiệp trong các buổi này còn thấp".
Cần tập trung vào hướng nghiệp
Cô Phan Cẩm Tú - giáo viên Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) tỏ ra hết sức bất bình về việc nhiều trường ĐH, CĐ hiện nay đến các trường THPT để phát tờ rơi quảng cáo tuyển sinh. Hiện tượng này vừa gây tốn kém, vừa thiếu hiệu quả. "Bản thân các em cũng chưa nhận thức rõ được đường đi của mình trong tương lai, cũng như năng lực của bản thân mình, tức là chưa được hướng nghiệp nên rất khó để các em có thể biết cách phân loại, lựa chọn trường, khối ngành phù hợp. Bởi vậy, hướng nghiệp phải làm trước" - cô Tú nói. Ông Trần Khắc Thạc - Phó phòng Đào tạo Trường Đại học Thủy lợi nhận xét: "2 năm trở lại đây, các khối ngành kinh tế lâm vào tình trạng khủng hoảng, thừa nhân lực, vậy mà nhiều trường ĐH vẫn cố gắng "định hướng" các em theo học nhằm tăng thêm số lượng học sinh". Việc "tung hỏa mù" này dễ khiến học sinh ngộ nhận..
Nhiều trường ĐH-CĐ tham gia các buổi tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp ra sức quảng bá, tuyên truyền về những khối ngành đào tạo, về những hứa hẹn cho công việc tương lai nhưng không dựa vào những dự báo nhân lực.
Vũ Ngọc Lan (24 tuổi, quê Tứ Kỳ, Hải Dương), tốt nghiệp ngành kinh tế của một trường ĐH đã gần 2 năm, đến nay vẫn đang phục vụ bàn tại các nhà hàng, quán bia... Lan nói: "Hiện nay bạn bè em cũng thất nghiệp nhiều, nếu trước kia được hướng nghiệp tốt, em sẽ theo học khối ngành kỹ thuật để có cơ hội việc làm tốt hơn".
Theo Xa lộ tin tức