Thí sinh tìm hiểu thông tin trước mùa tuyển sinh. Ảnh: NN
Hiện ĐHQG có 9 trường, khoa trực thuộc, gồm: Trường ĐH Công nghệ, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Ngoại ngữ, Trường ĐH Kinh tế, Trường ĐH Giáo dục, Khoa Luật, Khoa Y Dược, Khoa Quốc tế.
Ngoài thông tin này, một số điểm mới của ĐHQGHN tại kỳ tuyển sinh 2013 liên quan đến tuyển thẳng, Ban chấm kiểm tra, trách nhiệm của thí sinh trong kỳ thi; xử lý thí sinh dự thi vi phạm quy chế; cấp Giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh; xét tuyển bổ sung; hồ sơ đăng ký dự thi; lệ phí đăng kí dự thi.
Về đối tượng tuyển thẳng gồm: Thí sinh tham gia tập huấn đội tuyển dự thi Olympic khu vực và quốc tế; trong đội tuyển tham dự hội thi sáng tạo khoa học kĩ thuật quốc tế, đã tốt nghiệp THPT được tuyển thẳng vào đại học, nếu chưa tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ được bảo lưu sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông; Thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm và tốt nghiệp THPT tại các huyện nghèo theo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ; thí sinh là người dân tộc rất ít người theo quy định tại Đề án phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010 - 2015 theo Quyết định số 2123/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; thí sinh 20 huyện nghèo biên giới, hải đảo thuộc khu vực Tây Nam Bộ. Những thí sinh này phải học bổ sung kiến thức 01 năm học trước khi vào học chính thức. Chương trình bổ sung kiến thức do Hiệu trưởng các trường qui định.
Bổ sung Ban chấm kiểm tra vào tổ chức của HĐTS. Tổ chức chấm ngẫu nhiên tối thiểu 5% tổng số bài thi của từng môn thi tự luận theo tiến độ của công tác chấm thi;
Thí sinh chỉ được mang vào phòng thi bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính bỏ túi không có thẻ nhớ cắm thêm vào và không soạn thảo được văn bản; các loại máy ghi âm và ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh và hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác.
Người có bằng chứng về vi phạm quy chế tuyển sinh có trách nhiệm gửi bằng chứng cho nơi tiếp nhận là Ban chỉ đạo tuyển sinh Bộ GD&ĐT, Hội đồng tuyển sinh các trường ĐH, CĐ và Thanh tra tuyển sinh và Thanh tra giáo dục các cấp trong vòng 7 ngày từ khi kết thúc ngày thi để xử lý.
Thí sinh dự thi đại học theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT, nếu không trúng tuyển vào trường đã dự thi (hoặc trường không tổ chức thi, chỉ xét tuyển), nhưng có kết quả thi bằng hoặc lớn hơn điểm sàn cao đẳng đối với từng đối tượng và khu vực (không có môn nào bị điểm 0), được trường tổ chức thi cấp 3 Giấy chứng nhận kết quả thi đại học, có đóng dấu đỏ của trường và chữ ký của Chủ tịch HĐTS. Thí sinh sử dụng Giấy chứng nhận kết quả thi có đóng dấu đỏ của trường và có chữ ký của Chủ tịch HĐTS tổ chức thi để tham gia đăng ký xét tuyển vào các trường còn chỉ tiêu, cùng khối thi và trong vùng tuyển của trường.
Trên cơ sở điểm sàn do Bộ GD&ĐT công bố, chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định, các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm việc xét tuyển. Các trường có thể thực hiện nhiều đợt xét tuyển, thời gian xét tuyển mỗi đợt là 20 ngày, tính từ ngày thông báo xét tuyển. Điểm trúng tuyển được xác định theo nguyên tắc: Điểm trúng tuyển đợt xét tuyển sau không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt xét tuyển trước. Thời hạn kết thúc việc xét tuyển là ngày 30/10/2013...
Theo: Giáo dục và thời đại