90% sinh viên FPT có việc làm trước khi ra trường' 05/08/2012 23:47:21

Nhiều đại học vừa công bố điểm thi khiến không ít bạn trẻ thất vọng. Theo đó, đại học FPT mở tiếp cơ hội cho các sĩ tử với kỳ tuyển thứ 2 trong năm. Lãnh đạo nhà trường tiết lộ, 90% sinh viên có việc làm trước khi tốt nghiệp.

Hơn 1.000 câu hỏi của độc giả VnExpress về vấn đề tuyển sinh, du học, học bổng... đã gửi về lãnh đạo, đại diện tuyển sinh trường đại học FPT trong buổi phỏng vấn trực tuyến chiều nay (2/8). Trong đó, không ít bạn bày tỏ đam mê được học tập tại đây nhưng điều kiện gia đình khó khăn, một số sĩ tử lại không may mắn trong kỳ thi tuyển sinh đại học vừa qua và muốn tìm kiếm cơ hội mới... Nhiều băn khoăn, trăn trở của các bạn trẻ đã được ông Nguyễn Xuân Phong, Phó hiệu trưởng, Chủ tịch hội đồng tuyển sinh Đại học FPT, ông Ngô Thanh Tùng, đại diện Phòng tuyển sinh đại học FPT và bạn Tạ Đức Tùng, sinh viên đại học FPT trả lời, chia sẻ.

Đại diện đại học FPT đến tham gia phỏng vấn trực tuyến tại tòa soạn báo VnExpress.

Xin chào các vị khách mời! Rất vui được tham gia cuộc tư vấn trực tuyến. Nếu giới thiệu một câu ngắn gọn về đại học FPT, các vị sẽ nói gì? (Quân Ngọc, 18 tuổi, Hà Nội).

- Ông Nguyễn Xuân Phong, Phó hiệu trưởng, Chủ tịch hội đồng tuyển sinh Đại học FPT: Kính chào độc giả báo điện tử VnExpress. Nếu chỉ được dùng một câu thì tôi xin được sử dụng một trong những phương ngôn của đại học FPT mà bất cứ sinh viên nào cũng biết khi vào trường: Học thật - thi thật - thành công thật.

- Để đăng ký, thi tuyển vào đại học FPT thì phải làm như thế nào ạ (Anh Thương, 17 tuổi, Thanh Hóa)

- Ông Ngô Thanh Tùng - đại diện Phòng tuyển sinh đại học FPT: Chào Thương, em có thể chọn một trong các cách sau:

Truy cập website của trường theo địa chỉ http://tuyensinh.fpt.edu.vn/tinbai/huong-dan-dang-ky-du-thi-dot-thi-tuyen-1982012 để xem các hướng dẫn chi tiết.

Soạn tin theo cú pháp: FPT gửi tới tổng đài 6085 (Mức phí là 500 đồng/tin nhắn). Chỉ với một tin nhắn về tổng đài 6085, thí sinh sẽ được đội ngũ tư vấn gọi điện lại và trả lời mọi thắc mắc liên quan tới chương trình tuyển sinh của Đại học FPT cũng như đưa ra những chỉ dẫn và tư vấn phù hợp với từng thí sinh.

- Thưa thầy Phong, các ngành học của nhà trường có thay đổi, cải tiến gì không cho phù hợp với tình hình hiện nay. Ví dụ như là các ngành học kỹ thuật về máy tính cố định, để bàn hay thậm chí máy tính xách tay thôi. Nếu vẫn theo học nhiều ở các ngành học về kỹ thuật hay ứng dụng, sản xuất phần mềm cho các sản phẩm này còn hấp dẫn không? (Nguyễn Hải Anh, 17 tuổi, 47 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội)

Ông Nguyễn Xuân Phong, Phó hiệu trưởng, Chủ tịch hội đồng tuyển sinh Đại học FPT thích thú trước một câu hỏi của độc giả. 

Ông Nguyễn Xuân Phong: Đúng như bạn nhận xét, các sản phẩm CNTT đã thay đổi chóng mặt trong những năm vừa qua. Nhưng vai trò của CNTT trong xã hội và nền kinh tế thì ngày càng tăng mạnh. Chính phủ đã định hướng CNTT là hạ tầng của hạ tầng, nghĩa là nó là xương sống cho tất cả các ngành kinh tế. Hiện nay, chúng ta không thể tưởng tượng được bất kỳ một lĩnh vực nào trong xã hội có thể tồn tại mà không có CNTT. Có những ngành gần như bị phụ thuộc hoàn toàn vào CNTT như ngành ngân hàng, hiểu theo nghĩa nếu cắt hệ thống CNTT thì toàn bộ hoạt động sẽ tê liệt. Cho nên, bạn có thể yên tâm là học CNTT dù về phần cứng hay phần mềm thì nhu cầu sẽ càng ngày càng tăng. 50 năm nay từ khi bắt đầu có những chiếc máy tính đầu tiên đã như vậy và chắc chắn 50 năm nữa cũng không thể khác.

- Thưa ông Phong, tỷ lệ ra trường có việc làm ngay của ĐH FPT là bao nhiêu? các ông đã làm phép thống kê chưa? (Nam Anh, 18 tuổi, Hà Nội)

- Ông Nguyễn Xuân Phong: Chúng tôi có bộ phận quản lý cựu sinh viên tốt nghiệp để dõi theo và hỗ trợ từng sinh viên trong nhiều năm sau khi ra trường nên có số liệu rất chính xác về việc này. Hiện nay đã có hơn 500 sinh viên tốt nghiệp trong năm 2011 và nửa đầu 2012. Trong số đó, trừ các bạn học cao học trong và ngoài nước cũng như một số ít các bạn chưa muốn đi làm (mặc dù đã có đề nghị việc làm), toàn bộ sinh viên của chúng tôi có việc làm trong vòng một tháng sau khi tốt nghiệp. Trong đó hơn 90% đã có việc làm từ ngay trước khi tốt nghiệp. Khoảng 15% sinh viên đã và đang làm việc ở nước ngoài. Mức lương khởi điểm trung bình của các sinh viên làm việc trong nước là 7,2 triệu đồng.

- Thưa các thầy cô, trường FPT có chương trình tư vấn trực tiếp nào để giúp các cháu chọn ngành học phù hợp và hiệu quả nhất không? Con tôi muốn theo học trong trường nhưng đang phân vân một số ngành? (Bảo Minh, TP HCM)

- Ông Ngô Thanh Tùng: Chào anh Bảo Minh, chúng tôi rất vui mừng vì gia đình anh đã quan tâm đến Đại học FPT. Để được tư vấn trực tiếp về việc lựa chọn ngành học phù hợp với cháu, xin mời anh và cháu đến văn phòng tư vấn tuyển sinh nơi gần nhất của Đại học FPT hoặc liên hệ theo các đường dây sau: (04)3768 7717 (văn phòng Hà Nội); (08) 5437 1777 (văn phòng TP HCM) và (0511) 373 5913 (văn phòng Đà Nẵng).

- Em ở xa, nếu thi và đỗ vào ĐH FPT thì em phải thuê nhà trọ. Không biết nhà trường có ký túc xá không và điều kiện sinh hoạt ở đây có tốt không ạ ? (Đỗ Thái Hà, 17 tuổi, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc)

- Ông Nguyễn Xuân Phong: Toàn bộ sinh viên nhập học năm nay tại khu vực phía Bắc sẽ học tập tại cơ sở mới của Trường tại khu Hòa Lạc. Toàn bộ sinh viên được bố trí ở ký túc xá theo tiêu chuẩn 3 sinh viên một phòng, diện tích phụ khép kín. Các sinh viên cũng được sử dụng các khu thể thao, vui chơi trong khuôn viên trường bao gồm sân bóng đá cỏ nhân tạo, sân trượt băng, sàn tập Vovinam, sân bóng rổ, bóng chuyền, studio nghệ thuật Black - box...

- Xin cho hỏi khi đi thi tuyển liệu có được đem máy tính cầm tay cá nhân vào phòng thi hay không, vì tôi thấy một số câu hỏi vẫn vận dụng khả năng tính toán. (Hải Đăng Nguyễn (dan.Slyth@gmail.Com, 18 tuổi, Hà Nội)

- Ông Ngô Thanh Tùng: Chào bạn Đăng. Đối với kỳ thi tuyển sinh của Đại học FPT, bạn không được phép mang bất cứ vật dụng gì vào phòng thi ngoài bút chì, tẩy, giấy tờ tùy thân và giấy báo thi. Chúc bạn thành công!

- Xin cho hỏi, con tôi học tại FPT, nhưng vì gia đình có việc sang nước ngoài sống 2 năm, cháu có thể bảo lưu kết quả học hay không? Liệu đang là sinh viên năm 2 của đại học FPT, con tôi có thể chuyển tiếp sang trường khác bên Đức không? Xin cảm ơn (Quốc Hùng, 17 tuổi, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội)

Ông Ngô Thanh Tùng, đại diện Phòng tuyển sinh đại học FPT

- Ông Nguyễn Xuân Phong: Sinh viên có thể bảo lưu kết quả học miễn là tổng thời gian học không quá 7 năm. Việc có thể chuyển tiếp tại Đức hay không sẽ phụ thuộc vào trường đại học cụ thể ở bên đó. Thực tế nhiều sinh viên của chúng tôi đã đi trao đổi sinh viên hoặc học sau đại học tại nước ngoài nên chương trình học cũng được công nhận rộng rãi.

- Cháu đã 3 năm thi trượt vào đại học FPT nhưng vẫn rất muốn theo học tại trường. Không biết có quy định cấm thi hay quá quy định số lần đăng ký không ạ? (Phạm Anh Minh, 20 tuổi, Hà Nội)

- Ông Ngô Thanh Tùng: Chào bạn Minh. Với trường hợp của bạn, theo chúng tôi, nếu vẫn muốn theo học tại Đại học FPT, bạn có thể tìm hiểu và lựa chọn bậc học phù hợp hơn với mình tại Đại học FPT như: chương trình liên kết với đại học Greenwich của Anh Quốc hoặc theo học hệ Cao đẳng thực hành FPT...

- Gần đây, em thấy có nhiều người nói là sinh viên học công nghệ thông tin, kể cả FPT ra trường, nhiều người khó tìm việc làm. Điều này đúng không ạ, thưa thầy Phong ? (Trần Quang Liêm, 20 tuổi, 242 đường Cầu giấy, Hà Nội)

- Ông Nguyễn Xuân Phong: Học CNTT ra quả thực sẽ khó kiếm việc làm nếu các bạn chỉ có cái bằng mà không có những kiến thức, kỹ năng mà các doanh nghiệp đang cần. Lý do thì rất đơn giản vì ngành này đòi hỏi làm thật, làm ra sản phẩm thế nào thì rõ ràng ngay khả năng của bạn đến đâu. Nhưng nếu các bạn có được ngoại ngữ, kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu thì bạn có thể yên tâm là không bao giờ hết việc. Toàn bộ sinh viên đại học FPT ra trường đã có việc làm, thậm chí là ở những vị trí quản lý hay được mời ra nước ngoài làm việc. Hiện nay có đến 15% số sinh viên tốt nghiệp năm 2011, 2012 của chúng tôi đã và đang làm việc tại các nước Mỹ, Anh, Nhật, Singapore, Hàn Quốc…

- ĐH FPT có các chương trình liên kết đào tạo nào với các cơ sở đào tạo CNTT ở nước ngoài không ạ ? Thường thì những học sinh nào sẽ được gửi đi đào tại thêm ở các cơ sở liên kết với nước ngoài ? (Nguyễn Vân Anh, 20 tuổi, 175 Nguyễn Thái Học, Hà Nội)

- Ông Nguyễn Xuân Phong: Trường đại học FPT đang hợp tác với các trường đại học ở Nhật, Đức, Anh, Hà Lan để thực hiện các hoạt động trao đổi sinh viên. Các sinh viên giỏi của đại học FPT có cơ hội đi học tập từ 6 tháng đến một năm tại các cơ sở đối tác này và chúng tôi cũng đã đón không ít sinh viên nước ngoài đến học tập, trao đổi văn hóa tại đại học FPT. Ngoài ra, hiện nay trường cũng có chương trình liên kết đào tạo với Trường Đại học Greenwich (London, Anh).

Kí túc xá Đại học FPT

- Nhà trường có các chương trình hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho sinh viên sau khi ra trường không ạ? Các học viên đáp ứng yêu cầu nào thì được nhà trường giúp có việc làm sau khi tốt nghiệp? (Lê Văn Liêm,18 tuổi, Ngõ Lệnh Cư, Khâm Thiên, Hà Nội)

- Ông Nguyễn Xuân Phong: Nhà trường có bộ phận quan hệ doanh nghiệp và giới thiệu việc làm. Trách nhiệm của nhà trường là sẽ giới thiệu các cơ hội việc làm cho tất cả các sinh viên cho đến khi các em có việc. Thực tế, bộ phận này đã hoạt động rất hiệu quả khi 100% sinh viên của chúng tôi ra trường đã có việc làm. Nhà trường sẽ tiếp tục quản lý, dõi theo và có trách nhiệm với tất cả sinh viên ít nhất 3 -5 năm sau khi tốt nghiệp.

- Tôi xin tư vấn về tiêu chuẩn học đại học FPT; điều kiện, địa điểm, thời gian học; học phí trọn gói các năm học (đóng một lần). (Nguyen Phuoc Anh Nguyen, 18 tuổi, Đồng Tháp)

- Ông Ngô Thanh Tùng: Để trở thành sinh viên hệ chính quy của Đại học FPT, bạn cần đáp ứng 2 điều kiện là: trúng tuyển trong kỳ thi sơ tuyển của trường và đạt từ điểm sàn trở lên các khối A, A1, D1 đến D6 trong kỳ thi đại học do Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức. Nhà trường đang tổ chức đào tạo tại 2 cơ sở là Hà Nội và TP HCM. Còn chi tiết về thời gian học và học phí trọn gói, bạn có thể tham khảo tại http://tuyensinh.fpt.edu.vn/tinbai/quy-che-to-chuc-thi-so-tuyen-he-chinh-quy-va-xet-duyet-hoc-bong-tai-chinh-sinh-vien-nam-hoc-2 và http://tuyensinh.fpt.edu.vn/tinbai/bang-hoc-phi.

- Hiện nay, các khoa nào của trường đang có số lượng sinh viên theo học đông nhất ạ? Có nhất thiết là cứ khoa nào nhiều sinh viên theo là khoa đó có chất lượng, đáp ứng nhu cầu xã hội và dễ có việc làm khi ra trường? (Hà Yên, 17 tuổi, phố Đốc Ngữ, Hà Nội)

- Ông Nguyễn Xuân Phong: Hiện nay, ngành Kỹ thuật phần mềm là ngành có đông sinh viên nhất tại đại học FPT. Điều này cũng phù hợp với nhu cầu nhân lực tại thời điểm hiện nay cũng như trong tương lai khi ngành này cần tới hàng trăm nghìn chuyên gia từ nay tới 2020. Các khoa, ngành đào tạo tại đại học FPT đều được đào tạo theo quy trình và triết lý giáo dụng như nhau, tất cả các chương trình đều được xây dựng theo các chuẩn quốc tế, môi trường học tập và quyền lợi của sinh viên cũng hoàn toàn giống nhau. Chúng tôi cũng chỉ mở và đào tạo những ngành nào có thể đảm bảo được đầu ra có việc làm của sinh viên.

Trường ĐH FPT nổi tiếng về đào tạo công nghệ thông tin tốt. Vậy về ngành quản trị kinh doanh thì sao? Lớp tiếng Anh trong trường tương đương với bằng cấp loại gì? Sau khi hoàn thành các mức tiếng Anh thì được nhận bằng gì? Sinh viên theo học tại trường có cần học thêm tiếng Anh, tiếng Nhật tại các trung tâm ngoại ngữ không? (Minh Nguyệt, 18 tuổi, TP HCM)

- Ông Nguyễn Xuân Phong: Các chuyên ngành đào tạo tại đại học FPT đều được tuân thủ các nguyên tắc cơ bản như đào tạo bằng tiếng Anh, giáo trình nhập nguyên bản từ nước ngoài về, chương trình được xây dựng dựa trên các chuẩn quốc tế, có thời gian thực tập tại doanh nghiệp. Môi trường, phương pháp học tập, quy trình đào tạo và quyền lợi sinh viên là hoàn toàn như nhau nên chúng tôi tin tưởng rằng chất lượng các ngành là tương đương. Các khóa học tiếng Anh trong trường học theo giáo trình theo chuẩn quốc tế và sinh viên có thể dự thi các kỳ thi chuẩn tiếng Anh như TOEFL hay IELTS. Sinh viên hoàn thành các mức tiếng Anh sẽ được cấp chứng chỉ của Trường đại họcFPT, điều quan trọng với chúng tôi là các bạn sử dụng được tiếng Anh vào việc học tập cũng như công việc sau này. Sinh viên học tại đại học FPT không cần phải học thêm tại bất cứ trung tâm học thêm nào.

- Trong chương trình học các năm của đại học FPT có chương trình thực tập ở các cơ quan, doanh nghiệp không ạ? Các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp họ có thường xuyên đặt vấn đề liên kết đào tạo, xin sinh viên sau khi tốt nghiệp không ạ? (Phạm Hồng Hà, 17 tuổi, ngõ 22 Tôn Thất Tùng, Hà Nội)

- Ông Nguyễn Xuân Phong: Trong chương trình đào tạo của trường có một học kỳ đặc biệt kéo dài từ 4 đến 8 tháng. Theo đó, toàn bộ sinh viên sẽ được nhà trường gửi đi đào tạo và làm việc trong môi trường thực tế tại các doanh nghiệp. Điều này mang lại lợi thế rất lớn cho sinh viên của chúng tôi khi được trực tiếp học hỏi về chuyên môn, quy trình, văn hóa doanh nghiệp trong một môi trường thực. Sinh viên khi ra trường được coi như đã có kinh nghiệm làm việc thực tế và hầu như không bỡ ngỡ gì khi đi làm sau khi tốt nghiệp, mức thu nhập khởi điểm của các em cũng tốt hơn. Rất nhiều doanh nghiệp, các tập đoàn nước ngoài đang đặt hàng nhà trường trong việc cung cấp nguồn nhân lực. Hiện nay, 100% sinh viên của chúng tôi ra trường đều có việc làm, trong số đó gần 90% đã có việc làm từ trước khi nhận bằng tốt nghiệp.

- Liệu anh Tùng có thể nói sơ qua về môi trường học tập ở FPT và về chương trình học của trường (chương trình có nặng lắm không, chất lượng đội ngũ giáo viên, thái độ của phần lớn sinh viên khi học tập tại trường và về những sinh viên vừa ra trường cùng khóa với anh...) được không ạ ? (Thảo Nguyễn, 18 tuổi, TP HCM)

ạn Tạ Đức Tùng, sinh viên đại học FPT trả lời phỏng vấn trực tuyến.

- Bạn Tạ Đức Tùng, sinh viên đại học FPT: Chào bạn, về môi trường mình thấy khá hiện đại và thân thiện. Đặc biệt, cơ sở vật chất có thể đưa vào hàng top về cơ sở đào tạo CNTT hiện nay. Chương trình học của trường khá nặng, giáo trình được in bằng tiếng Anh hoàn toàn nên học sinh đòi hỏi phải nỗ lực hết sức. Tuy nhiên, nếu nỗ lực và chăm chỉ thì kết quả sẽ tốt. Giáo viên của trường khá trẻ, trong đó có khá nhiều người học từ nước ngoài về nên ngoài việc cập nhật kiến thức giảng viên còn có thể giúp sinh viên tìm hiểu về nhiều loại hình học bổng, cách giành được học bổng. Ngoài ra, giảng viên này còn có quan hệ với các trường ở nước ngoài giúp các em dễ dàng học tiếp lên cao tại nước ngoài.

- Cho em hỏi là thí sinh theo học khóa dự bị tiếng Anh của đại học FPT nếu giành được điểm cao trong kỳ thi sơ tuyển thì có thể nhận được học bổng không, hay chỉ sinh viên chính thức của trường mới được nhận? (Zero,Neo10z@yahoo.Com, 16 tuổi, Hà Nội)

- Ông Ngô Thanh Tùng: Chào em, cảm ơn em đã quan tâm đến đại học FPT. Theo quy định của trường đại học FPT, thí sinh đạt điểm cao trong kỳ thi sơ tuyển của trường sẽ được tham gia phỏng vấn xét duyệt học bổng. Thí sinh chỉ chính thức được nhận học bổng khi đạt thêm điều kiện về điểm sàn các khối A, A1, D1 đến D6 trong kỳ thi đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Trong trường hợp thí sinh không đạt điểm sàn đại học năm đó thì chỉ được nhập học hệ dự bị tiếng Anh và đồng nghĩa với việc không được nhận học bổng của trường.

- Làm sao để có học bổng toàn phần. Hiện tại, em có học bổng 50% nếu theo học liệu trong quá trình học có thể kiếm thêm học bổng không? (Dsfs Dsfsd [syaora0203@yahoo.Com], 18 tuổi, Hà Nội)

- Ông Nguyễn Xuân Phong: Ngoài các học sinh đạt giải quốc gia hay các thí sinh đạt học bổng Nguyễn Văn Đạo, muốn đạt học bổng toàn phần các thí sinh cần đạt điểm cao trong kỳ thi tuyển sinh của trường và trải qua một buổi phỏng vấn. Trong quá trình học, sinh viên không được xét học bổng bổ sung mà có thể được cấp các học bổng khác do các đối tác hỗ trợ như học bổng trao đổi sinh viên, học bổng của ngân hàng ANZ, học bổng chính phủ các nước, ...

- Trường ĐH FPT năm nay tuyển sinh bao nhiêu chỉ tiêu? (Nguyen Thi Hong, 18 tuổi, Phủ Lý, Hà Nam)

- Ông Ngô Thanh Tùng: Chào bạn Hồng, chỉ tiêu tuyển sinh của trường đại học FPT năm 2012 là 1.900 sinh viên, bao gồm các ngành kỹ thuật phần mềm, điện tử và truyền thông, quản trị kinh doanh, tài chính-ngân hàng, khoa học máy tính.

- Xin nhà trường nói cụ thể liệu sinh viên chuyên ngành Khoa học máy tính có được nhận vào làm việc 100% ở Fsoft như sinh viên chuyên ngành kỹ thuật phần mềm không? (Thủy Nguyễn, 18 tuổi, Hà Nội)

- Ông Nguyễn Xuân Phong: Trường ĐH FPT mỗi năm chỉ đào tạo 30 sinh viên cho chuyên ngành Khoa học máy tính. Đây là những sinh viên xuất sắc, thuộc diện được cấp học bổng toàn phần và sẽ được cấp học bổng học tiếp đến bậc tiến sĩ, có thời gian đào tạo tại nước ngoài nếu tốt nghiệp đại học loại giỏi trở lên. Lực lượng này chủ yếu sẽ bổ sung nhân lực cho Viện nghiên cứu và đội ngũ giảng viên của trường chứ không nhằm mục tiêu làm việc tại Fsoft.

- Em đã đăng ký kì thi tháng 4 nhưng trong phiếu đăng ký dự thi em ghi là dự định học tại TP HCM, bây giờ em muốn học ở Hà Nội có được không ? (Ngọc Huy, 18 tuổi, Đà Nẵng)

- Ông Ngô Thanh Tùng: Theo tôi hiểu thì em đã trúng tuyển kỳ thi tháng 4 của đại học FPT. Em có thể liên hệ với phòng tuyển sinh của trường để được hướng dẫn làm thủ tục xin nhập học tại Hà Nội.

- Tôi có con thi vào trường FPT từ tháng 4/2012; nay cháu muốn thi lại ngày 19/8 để lấy học bổng. Trong trường hợp điểm thi đợt 19/8 không tốt bằng điểm tháng 4, thì cháu có được lấy điểm của tháng 4 không? (Ngô Văn Hưởng, 41 tuổi, Tổ 28-Phường Đức Giang - Long biên Hà Nội)

- Ông Ngô Thanh Tùng: Chào anh. Khi nhập học thì con anh có thể lựa chọn kết quả thi cao nhất của các kỳ thi để làm thủ tục nhập học vào đại học FPT.

- Em thấy anh họ em học FPT được sang Nhật Bản để đào tạo rồi làm việc mà chưa hỏi được anh ấy nếu ở trường học đạt trình độ thế nào để được lựa chọn đi đào tạo, làm việc ở nước ngoài. Thầy có thể cho biết là học lực ở trình độ khá hay giỏi thế nào thì được lựa chọn không ạ? (Hoàng Việt Hà, 17 tuổi, 258 Nguyễn Trãi, Hà Nội)

- Ông Nguyễn Xuân Phong: Để được các đối tác hay nhà tuyển dụng nước ngoài chấp nhận, ngoài trình độ chuyên môn, các ứng viên cần có thái độ, khả năng ngoại ngữ, khả năng giao tiếp tốt, tự tin vào bản thân và có định hướng rõ ràng. Việc tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, hoạt động xã hội cũng là những lợi thế không nhỏ.

- Chào anh Tùng. Em mới thi đại học. Em được 27 điểm khối A và rất muốn vào học FPT với các anh chị nhưng chưa thuyết phục được bố mẹ. Mẹ em đang ngồi cạnh. Anh có thể giúp em thuyết phục mẹ để mẹ em tin là học đại học FPT rất tốt không ạ. Cảm ơn anh! (Ngọc Anh, 19 tuổi, TP HCM)

- Bạn Tạ Đức Tùng: Chúc mừng em vì điểm thi của em khá cao. 27 điểm khối A chứng tỏ các môn tự nhiên của em khá tốt. Đây là điều kiện tốt để em có thể theo học tại Đại học FPT. Theo anh, Đại học FPT có phương pháp giáo dục cởi mở, sinh viên có thể tự học, tự nghiên cứu và từ đó tự tiếp thu kiến thức. Đây là phương pháp học hiệu quả giúp sinh viên có tư duy độc lập. Học sinh có thể mạnh dạn đưa ra và bảo vệ ý kiến của mình. Ngoài ra, sinh viên FPT có 8 tháng thực tập thực tế tại doanh nghiệp và nhiều cơ hội được đi học ở nước ngoài theo chương trình trao đổi sinh viên. Các bạn cũng khóa với anh đều đã xin được việc làm, trong đó nhiều bạn đã xin được việc làm ở nước ngoài. Quan trọng nhất, em cần thể hiện được niềm đam mê của mình với ngành mà em muốn theo học tại Đại học FPT.

- Cho em hỏi ngày khai giảng và điều kiện nhập học của trường? (Nguyễn Quốc Anh, 19 tuổi, 95/6/37 Đuờng D4 Phường Bình An, quận 2, TP HCM)

- Ông Ngô Thanh Tùng: Chào em, trường dự kiến khai giảng vào ngày 16/9 tới đây. Để đủ điều kiên nhập học hệ chính quy, sinh viên cần trúng tuyển kỳ thi sơ tuyển của đại học FPT và đạt từ điểm sàn trở lên các khối A, A1, khối D từ D1 đến D6 trong kỳ thi đại học do Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức.

- Chào Tùng! Chị có em trai năm nay thi vào ĐH FPT, chị rất muốn nhận được lời khuyên từ em về phương pháp học sao cho đạt hiệu quả cao khi học đại học FPT và đặc biệt là cách mà em săn được học bổng? (Minh Anh, 26 tuổi, Hà Nội)

- Bạn Tạ Đức Tùng: Để học tập tốt, sinh viên FPT cần có niềm đam mê, sự chăm chỉ và có phương pháp học tập hợp lý. Sinh viên nên tham gia các hoạt động ngoại khóa, các câu lạc bộ để cân bằng thời gian học tập các môn chuyên ngành. Với những học bổng của Đại học FPT, bạn chỉ cần có kết quả học tập tốt thì học bổng sẽ tự tìm đến vì thông tin về học bổng của trường được công bố rõ ràng. Đối với những học bổng ở ngoài, lợi thế của sinh viên FPT là ngoại ngữ, kỹ năng mềm và khả năng lập kế hoạch. Đây là nhưng điều cần thiết đối với bất kỳ sinh viên nào muốn giành được học bổng lớn.

- Thưa thầy Phong, em có người anh đang học ở đại học FPT, em cũng thích thi vào trường nhưng nghe như anh em nói thì ở trường, cũng rất nhiều anh, chị học hành không đến nơi đến chốn, chơi bời, làm ảnh huởng đến các học sinh khác. Nếu học ở một trường học mà kỷ luật, môi trường học không tốt thì như vậy cũng đáng lo? Có tình trạng thế không ạ? (Lê Hùng Anh, 17 tuổi, 46 phố Hàng Gà, Hà Nội)

- Ông Nguyễn Xuân Phong: Môi trường nào thì cũng có người này người kia. Tại đại học FPT, nếu bạn không chịu học một cách nghiêm túc thì chắc khó mà qua nổi học kỳ đầu tiên chứ đừng nói đến việc tốt nghiệp. Về kỷ luật, chúng tôi tin là không có nhiều môi trường đề cao kỷ luật như tại đại học FPT, đặc biệt liên quan đến điểm danh, thi cử, thời hạn nộp bài...

- Em chào thầy, thầy cho em hỏi về quy chế tuyển sinh. Em năm nay dự thi đại học khối A, em được trên điểm sàn thì có phải đăng ký thi sơ tuyển vào ĐH FPT hay là em được làm thủ tục đăng ký nhập học luôn ạ? (Đỗ Việt Anh, 19 tuổi, Hà Nội)

Ông Ngô Thanh Tùng: Với trường hợp của em đã đủ điểm sàn đại học khối A, nếu muốn học tập tại đại học FPT, em cần đăng ký thi và trúng tuyển kỳ thi sơ tuyển ngày 19/8 do trường tổ chức. Quy chế tuyển sinh chi tiết, em có thể tham khảo tại http://tuyensinh.fpt.edu.vn/tinbai/quy-che-to-chuc-thi-so-tuyen-he-chinh-quy-va-xet-duyet-hoc-bong-tai-chinh-sinh-vien-nam-hoc-2. Chúc em trúng tuyển.

- Chào cháu Tùng. Đọc thông tin về cháu bác xin chúc mừng. Bác cũng quan tâm đến việc dạy và học ở trường FPT vì con trai bác có nguyện vọng thi vào đây năm sau. Bác muốn hỏi cháu một câu, cháu có thể tự đánh giá về mức độ trưởng thành của cháu sau 4 năm học ở trường này được không? Chúc cháu sức khỏe và lên đường may mắn. (Diệu Anh, 49 tuổi, Hà Nội)

- Bạn Tạ Đức Tùng: Sau 4 năm đại học, cháu nhận thấy mình tự tin hơn rất nhiều. Cháu dám nói ra và bảo vệ đến cùng ý kiến của mình. Điều thứ hai là ngoại ngữ, sau 4 năm ngoại ngữ của cháu tốt lên rất nhiều. Điều này giúp cháu có nhiều cơ hội trong công việc cũng như tìm kiếm học bổng.

- Có phải trường mình tổ chức thi tuyển trước kỳ thi đại học hằng năm phải không ạ? Thường thì khi nào thi để biết lịch tuyển sinh thì mình xem ở đâu ạ? (Phạm Anh Tuấn, 18 tuổi, Thành phố Vinh)

- Ông Ngô Thanh Tùng: Hằng năm, trước kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và sau kỳ thi đại học do Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức, trường đều có kỳ thi tuyển sinh. Đó là vào tháng 4 và tháng 8. Tới đây, đại học FPT tổ chức tuyển sinh vào ngày 19/8. Lịch tuyển sinh được đăng chi tiết trên website của trường, bạn có thể tham khảo tại địa chỉ http://tuyensinh.fpt.edu.vn/.

- Ban giám hiệu nhà trường đã có thống kê là hàng năm có tỷ lệ bao nhiêu sinh viên ra trường có việc làm và đánh giá của các nơi tiếp nhận về chất lượng sinh viên Đại học FPT thế nào ạ? (Phạm Việt Linh, 17 tuổi, 26 Cửa Bắc, Hà Nội)

- Ông Nguyễn Xuân Phong: Thống kê trong số hơn 500 sinh viên đã tốt nghiệp trong năm 2011 và nửa đầu 2012, trừ một số ít các trường hợp chưa muốn đi làm theo nguyện vọng cá nhân (mặc dù đã được đề nghị làm việc) và một tỷ lệ nhất định các sinh viên học tiếp ở bậc cao học trong và ngoài nước. 100% sinh viên đã có việc làm trong vòng một tháng từ khi tốt nghiệp. Chúng tôi cũng nhận được những đánh giá rất tốt từ phía các nhà tuyển dụng, đặc biệt là đánh giá cao sinh viên FPT ở khả năng ngoại ngữ, giao tiếp, tự tin, năng động và đã có kinh nghiệm làm việc trong môi trường thực. Tỷ lệ sinh viên được chọn đi làm các dự án ở nước ngoài qua các vòng phỏng vấn trực tiếp bởi các khách hàng từ Nhật, Singapore cũng cao hơn hẳn so với sinh viên các trường đại học khác.

- Sao Tùng lại chọn Nhật Bản để apply học bổng mà không phải là một nước châu Âu? (Huy Thành, 18 tuổi, Hải Phòng)

- Bạn Tạ Đức Tùng: Trong quá trình học tại Đại học FPT, mình đã có cơ hội học một năm tại Nhật theo chương trình trao đổi sinh viên với Đại học Shinshu, Nhật. Mình thấy thích môi trường học tập tại Nhật cũng như phong cách làm việc tại đây. Chính vì vậy mà mình muốn tiếp tục chương trình sau đại học tại Nhật. Ngoài ra, Nhật cũng là một nước phát triển về công nghệ thông tin.

- Nhà em nghèo nên em không biết có theo học ở đại học FPT với học phí cao thế không, có thể vừa học vừa làm không? Ví dụ như sáng học thì chiều đi làm, tối về làm bài tập. Em không biết là có phải học cả ngày không? Nếu học cả ngày thì không làm thêm được để theo học (Trần Lê Sơn, 19 tuổi, 27 đường Trần Hưng Đạo, thành phố Bắc Giang)

Thư viện đại học FPT.

- Ông Nguyễn Xuân Phong: Các yêu cầu tài chính để học tại ĐH FPT đều rõ ràng và minh bạch nên các gia đình có thể cân nhắc cho hoàn cảnh cụ thể của mình ngay từ đầu. Bạn có thể đăng ký tham gia chương trình tín dụng ưu đãi nếu đạt trên một mức điểm nhất định trong kỳ thi 19/8 tới đây hoặc vay vốn đi học theo chương trình của Ngân hàng chính sách xã hội. Việc làm thêm là khả thi tuy nhiên cần cân đối cho tốt vì chương trình học tại ĐH FPT là khá nặng. Tuy chỉ phải lên lớp một buổi trong ngày nhưng sinh viên sẽ phải hoàn thành các bài tập, làm việc nhóm, đọc sách trong các thời gian khác.

- Em gái tôi được nhận học bổng Nguyễn Văn Đạo và đã làm thủ tục nhập học trường FPT, kỳ thi đại học vừa rồi em tôi thi được 25 điểm, nhưng dì tôi vẫn đang băn khoăn liệu học FPT trong quá trình học có phải đóng thêm khoản phí nào không và khi ra trường thì như thế nào, nhờ anh tư vấn giúp (Hà Duy Hiệu, 30 tuổi, Hoàng Ngân, Thanh Xuân, Hà Nội)

- Ông Ngô Thanh Tùng: Chào anh Hiệu. Học bổng Nguyễn Văn Đạo được trường đại học FPT trao tặng cho những em học sinh xuất sắc nhất các trường THPT nằm trong Top 100 do Cục Công nghệ Thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo xếp hạng. Đây là học bổng toàn phần gồm học phí trọn gói cho toàn bộ khóa học đại học và khóa học tiếng Anh dự bị tại đại học FPT. Do vậy, trong quá trình học, sinh viên đạt học bổng trên không phải đóng thêm bất kỳ khoản học phí nào. Khi ra trường, sinh viên nhận học bổng đó sẽ được làm việc cho FPT.

- Xin anh Tùng cho biết là các chương trình, hoạt động ngoại khóa của trường đại học FPT có những gì vui, thiết thực không ạ ? (Văn Tiến Hùng, 19 tuổi, Ngõ 354 đường Trường Chinh, Hà Nội)

- Bạn Tạ Đức Tùng: Các chương trình ngoại khóa tại Đại học FPT anh nghĩ là khá phong phú với nhiều câu lạc bộ thuộc các lĩnh vực khác nhau từ học thuật tới nghệ thuật và giải trí. Bạn có thể lựa chọn câu lạc bộ phù hợp với sở thích của mình hoặc tự đứng ra tổ chức câu lạc bộ mới. Một hoạt động ngoại khóa vô cùng bổ ích tại Đại học FPT là chương trình "7 ngày trải nghiệm". Trong chương trình này sinh viên được trải nghiệm cuộc sống của người lao động tại các địa phương như: hái chè, trồng hoa, đóng gạch... Những trải nghiệm sẽ giúp sinh viên có cái nhìn chân thực hơn về cuộc sống và nhiều kỷ niệm đẹp.

- Kính chào các thầy, Em rất thích được học tại ĐH FPT. Em tìm hiểu và thấy trên Hòa Lạc môi trường rất thoáng và có nhiều không gian để nghỉ ngơi và vui chơi sau giờ học. Em xin phép mượn một mảnh đất nhỏ để trồng hoa và rau những lúc rảnh rỗi được không ạ? Có được thành lập CLB kỹ sư trồng rau không ạ? Em cảm ơn ạ. (Nguyễn Hương Giang, 18 tuổi, Hải Dương)

- Ông Nguyễn Xuân Phong: Rất hay là ý tưởng của bạn trùng với dự định của nhà trường. Chúng tôi đang chuẩn bị phân đất trồng rau cho sinh viên, các bạn có thể bán lại sản phẩm cho nhà ăn của trường. Tại đại học FPT, bạn có thể thành lập bất cứ CLB sở thích nào và được nhà trường hỗ trợ nếu tập hợp đủ một số lượng thành viên nhất định, miễn là định hướng CLB không vi phạm pháp luật và thuần phong mỹ tục.

- Thưa thầy Phong, thầy có thể giới thiệu sâu hơn về cơ sở vật chất, thực hành ở trường không? Cả về các khu ký túc xá, luyện tập thể thao, giải trí... Em đang phân vân có nộp hồ sơ thi vào trường ngày 17/8 tới? (Hà Văn Sơn, 17 tuổi, Ngõ 46 đường Âu Cơ, Hà Nội)

- Ông Nguyễn Xuân Phong: Trăm nghe không bằng một thấy. Mời bạn lên Hòa Lạc để tận mắt xem cơ sở trước khi có quyết định. Chúng tôi có tổ chức xe đưa đón miễn phí từ cơ sở của trường ở gần bến xe Mỹ Đình lên Hòa Lạc vào sáng thứ 7 tới. Bạn có thể liên hệ với phòng tư vấn tuyển sinh để đăng ký tham gia chương trình này.

- Em xin hỏi là nhà trường thu học phí theo từng học kỳ hay thu theo năm ạ? Nếu em theo chương trình tín dụng ưu đãi được hỗ trợ 50% thì mỗi kỳ em phải đóng là bao nhiêu? (Hoàng Cương, 18 tuổi, Hà Nội)

- Ông Ngô Thanh Tùng: Trường đại học FPT thu học phí theo từng học kỳ. Nếu em được tham gia chương trình tín dụng ưu đãi học phí 50% thì mỗi kỳ, em chỉ phải đóng 50% học phí còn lại. Số tiền cụ thể, em có thể tham khảo tại địa chỉ http://tuyensinh.fpt.edu.vn/tinbai/bang-hoc-phi.

- Thưa thầy Nguyễn Xuân Phong, thầy có thể cho biết rõ hơn nội dung, sự hấp dẫn của 4 chương trình đào tạo chuyên sâu mà trường mới mở thêm năm 2011 không ạ? (Hà Việt Anh, 18 tuổi, 47 Ngô Gia Tự, Long Biên, Hà Nội)

- Ông Nguyễn Xuân Phong: Năm 2012, Trường ĐH FPT tuyển sinh 5 chuyên ngành: Kỹ thuật phần mềm, Điện tử - Truyền thông, Khoa học máy tính, Quản trị kinh doanh và Tài chính ngân hàng. Tất cả các chương trình này đều học bằng tiếng Anh, theo giáo trình nguyên bản nhập từ các nhà xuất bản sách giáo khoa hàng đầu thế giới. Nội dung chương trình học được xây dựng dựa trên các chuẩn quốc tế như ACM, AACSB. Chi tiết hơn về từng ngành học anh có thể tư vấn thêm tại các cơ sở của Trường để được có thông tin chi tiết nhất. Thời lượng ở đây có hạn nên rất tiếc không thể giải thích chi tiết từng ngành nghề với anh và các độc giả được, mong anh có sự thông cảm.

- Em chào anh Tùng, anh ơi cho em hỏi lớp anh có nhiều con gái không ạ? Với cả là con gái thì học trường anh có bị hạn chế tham gia các hoạt động không? Vì em thấy toàn đấu võ, trượt băng gì gì đó, chẳng thấy hoạt động nào nữ tính cả. Em định thi vào trường vào tháng 8 này nhưng vẫn còn phân vân vì sợ "lạc loài" trong một trường nhiều con trai quá. (Minh Hương, 22 tuổi, Hà Nội)

- Bạn Tạ Đức Tùng: Khoa của anh nữ chiếm khoảng 15%, tuy nhiên các khoa về kinh doanh, tài chính thì nữ áp đảo. Mặc dù nữ khóa anh không nhiều nhưng các bạn đều nhiệt tình tham gia các hoạt động trong trường mà không gặp chút trở ngại nào. Bạn có thể tham gia các câu lạc bộ nghệ thuật như kịch câm, câu lạc bộ tiếng Nhật với nhiều điều thú vị. Bạn sẽ có nhiều trải nghiệm hay ho và không bao giờ thấy "lạc loài".

- Em thấy người ta bảo mấy khoá đầu của FPT toàn kiểu "chuột bạch". Anh có thấy mình giống "chuột bạch" của trường không? (Ngọc Trâm, 20 tuổi, Hà Nội)

- Bạn Tạ Đức Tùng: Thực ra, mình chưa bao giờ nghĩ mình là "chuột bạch" thậm chí còn cảm thấy tự hào vì là một trong những sinh viên đầu tiên, những người đã đặt viên gạch đầu tiên xây dựng văn hóa và truyền thống của trường.

- Chào thầy Phong! Theo kinh nghiệm của anh trai em, môn tiếng Anh ở Đại học ở FPT là rất quan trọng. Điều này làm cho em hết sức lo ngại, bởi em là học sinh môn chuyên ngoại ngữ tiếng Nga. Em có vốn kiến thức tiếng Anh kém hơn nhiều bạn học cấp 3 khác. Liệu như vậy có ảnh hưởng nhiều đến việc học tập sau này tại FPT? (Nguyễn Sỹ Bách, 17 tuổi, Hải Phòng)

- Ông Nguyễn Xuân Phong: Tiếng Anh tại đại học FPT đúng là rất quan trọng vì các bạn sẽ phải học chuyên ngành bằng tiếng Anh. Bạn đang có những điều kiện hết sức thuận lợi để theo học tại đại học FPT. Thứ nhất là chúng tôi không đòi hỏi phải có tiếng Anh ngay từ đầu vì trường có chương trình dự bị ngoại ngữ kéo dài một năm dành cho những bạn chưa biết hay còn yếu tiếng Anh. Nếu bạn nào đã giỏi tiếng Anh thì có thể bỏ qua giai đoạn này. Thứ hai là nếu bạn đã học tốt tiếng Nga thì việc học tiếng Anh sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Tôi có thể khẳng định điều này qua kinh nghiệm của chính bản thân mình. Một lợi thế nữa là bạn có thể nói chuyện được với phần lớn các thành viên Ban giám hiệu bằng tiếng Nga.

- Em muốn hỏi trực tiếp anh Tùng và mong anh trả lời thật lòng. Có đúng là bạn bè anh ra trường đều có thể tìm được việc ngay không? Thu nhập lương lậu của họ ra sao, anh có biết không? (Hùng Anh, 21 tuổi, Hà Nội)

- Bạn Tạ Đức Tùng: Toàn bộ sinh viên của trường thì mình không chắc, nhưng những bạn mà mình quen biết thì đều đã có việc làm đúng chuyên ngành ở nhiều công ty lớn.

- Tôi là người tàn tật thì có được xếp vào lớp riêng cho học viên tàn tật hay được xếp học lớp chung và nhà trường có hỗ trợ gì riêng thêm cho các học viên tàn tật? (Nguyễn Hà Thắng, 18 tuổi, 46 đường Lê Lợi, TP Bắc Ninh)

- Ông Nguyễn Xuân Phong: Tôi chưa rõ tình trạng của bạn là thế nào nhưng hiện nay ở trường đại học FPT cũng có những sinh viên khuyết tật, hoàn toàn phải ngồi xe lăn đi học nhưng đang học rất tốt. Chúng tôi không có lớp riêng cho những người khuyết tật nhưng sẽ tạo điều kiện tối đa để các bạn có thể theo học nếu điều kiện cho phép. Bạn liên lạc sớm với chúng tôi để được hỗ trợ nhé!

- Tiêu chuẩn nào để nhận học bổng của FPT ? (La Hoang Phong, 48 tuổi, Rach gia, Kien Giang)

- Ông Ngô Thanh Tùng: Chào anh, để được tham gia phỏng vấn nhận học bổng của đại học FPT, thí sinh phải thuộc một trong những đối tượng sau:

+ Đối tượng 1: Học sinh giỏi là thành viên đội tuyển quốc gia dự thi quốc tế hoặc đạt từ giải ba trở lên các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin học, Anh văn trong các kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 toàn quốc năm 2011 và 2012.

+ Đối tượng 2: Sinh viên đạt từ 28 điểm trở lên trong kỳ thi đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức năm 2012 các khối thi A, A1, khối D từ D1 đến D6.

+ Đối tượng 3: Các học sinh, sinh viên có thành tích đặc biệt xuất sắc trong nghệ thuật, thể thao, công tác xã hội, khoa học kỹ thuật được công nhận ở cấp quốc gia. Các thí sinh chỉ được chính thức xếp vào diện đối tượng này sau khi được Hội đồng tuyển sinh xem xét hồ sơ và phê duyệt.

+ Đối tượng 4 và 5: đạt điểm cao trong các kỳ thi sơ tuyển của ĐH FPT.

Ngoài ra, những thí sinh xuất sắc, có hoàn cảnh gia đình khó khăn ngoài học bổng toàn phần có thể được xét cấp toàn bộ kinh phí ăn ở trong quá trình học tập tại Trường.

Theo quy chế của trường, sinh viên chỉ được nhận học bổng khi trở thành sinh viên hệ chính quy của trường.

Quy trình và hồ sơ xét cấp học bổng xem tại http://tuyensinh.fpt.edu.vn/tinbai/quy-che-to-chuc-thi-so-tuyen-he-chinh-quy-va-xet-duyet-hoc-bong-tai-chinh-sinh-vien-nam-hoc-2

- Thưa thầy, thầy cho em hỏi là: bằng của sinh viên sau khi tốt nghiệp có phải là bằng của Bộ Giáo dục không? Hay là các chứng chỉ ạ? Em xin cảm ơn. (Nguyễn Văn Long, 19 tuổi, Hải Dương)

- Ông Ngô Thanh Tùng: Chào bạn Long, bằng của trường đại học FPT cũng giống như các trường đại học khác, đều do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp.

- Con tôi học năm thứ 3 ở trường đại học của thầy mà bây giờ, kiểm tra tôi mới biết nó nợ điểm 3 môn chính. Tôi phải làm gì bây giờ với nó, thầy và nhà trường có thể giúp gì để hỗ trợ gia đình cho cháu đạt đủ điểm? (Lê Thị Thái Hòa, 46 tuổi, Đông Anh, Hà Nội)

- Ông Nguyễn Xuân Phong: Sinh viên chưa qua môn nào thì sẽ phải bố trí học lại môn học đó trong thời gian phù hợp để tích lũy đủ số tín chỉ. Chúng tôi vẫn đang thường xuyên có thông tin về tình trạng đi học và điểm số về cho gia đình, không rõ vì lý do gì mà anh lại không nắm được thông tin. Anh có thể lên trường để đăng ký lại địa chỉ nhận thư cũng như tài khoản để truy cập thông tin. Việc đăng ký học lại cũng là việc đơn giản và chắc rằng sinh viên nào cũng biết.

- Một khóa học ngành CNTT tại Đại Học FPT thì có bao nhiêu học kỳ, mỗi học kỳ̀ bao nhiêu tháng? (Phương Uyên, 17 tuổi, Đồng Nai)

- Ông Ngô Thanh Tùng: Chương trình đào tạo ngành Công nghệ thông tin tại Đại học FPT có 9 học kỳ (4 tháng một kỳ), bao gồm cả giai đoạn thực tập tại doanh nghiệp. Trước khi bắt đầu các kỳ học chính, bạn cần tham giá khóa học tiếng Anh dự bị. Khóa học được chia thành 5 mức (2 tháng một mức).

- Thưa các thầy cho em hỏi, theo em được biết thì một trong các điều kiện để nhập học sau khi trúng tuyển là phải có bằng TOEFL 500 trở lên hoặc tương đương, vậy cho em hỏi điểm số tương đương với TOEFL ibt là bao nhiêu ạ? (Nguyễn Đức Tâm, 18 tuổi, 3 Đường 43 phường Hiệp Phú, quận 9 TP HCM)

- Ông Nguyễn Xuân Phong: Điểm TOEFL 500 trở lên là điều kiện để em được miễn học khóa học tiếng Anh dự bị và vào học chuyên ngành luôn chứ không phải điều kiện vào trường. Nếu chưa biết tiếng Anh hay còn yếu thì bạn vẫn có thể nhập học và sẽ học qua các khóa học tiếng Anh trước khi học chuyên môn. Em có thể tìm kiếm và xem bảng quy đổi điểm các dạng thi tiếng Anh trên Internet.

- Chào Tùng, trong thời gian học tập ở FPT, bạn có tham gia các trò khác như điện tử, thể thao không. Mình thấy mắt kính bạn rất dày, có phải do bạn học nhiều quá không? (Thảo Phương, 26 tuổi, Tân Mai, Hà Nội)

- Bạn Tạ Đức Tùng: Mình không chơi điện tử nhưng mình có tham gia các môn thể thao như bơi, bắn cung... Việc đeo kính nguyên nhân không phải do học nhiều đâu.

- Người đi đang đi làm (trước đây học Aptech) có các cơ hội học tập tại đại học FPT thế nào? đại học FPT có liên thông không ạ? Cám ơn anh Phong! (Phan The Tien, 25 tuổi)

- Ông Nguyễn Xuân Phong: Bạn có thể tìm hiểu và đăng ký học theo chương trình Top-up để lấy bằng của trường đại học Greenwich (London, Anh).

- Trong chương trình học các năm của đại học FPT có chương trình thực tập ở các cơ quan, doanh nghiệp không ạ ? Các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp có thường xuyên đặt vấn đề liên kết đào tạo, xin sinh viên sau khi tốt nghiệp không ạ? (Phạm Hồng Hà, 17 tuổi, ngõ 22 Tôn Thất Tùng, Hà Nội)

- Ông Nguyễn Xuân Phong: Trong chương trình đào tạo của trường có một học kỳ đặc biệt kéo dài từ 4-8 tháng, theo đó, toàn bộ sinh viên sẽ được nhà trường gửi đi đào tạo và làm việc trong môi trường thực tế tại các doanh nghiệp. Điều này mang lại lợi thế rất lớn cho sinh viên của chúng tôi khi được trực tiếp học hỏi về chuyên môn, quy trình, văn hóa doanh nghiệp trong một môi trường thực. Sinh viên khi ra trường được coi như đã có kinh nghiệm làm việc thực tế và hầu như không bỡ ngỡ gì khi đi làm sau khi tốt nghiệp, mức thu nhập khởi điểm của các em cũng tốt hơn. Rất nhiều doanh nghiệp, các tập đoàn nước ngoài đang đặt hàng nhà trường trong việc cung cấp nguồn nhân lực. Hiện nay 100% sinh viên của chúng tôi ra trường đều có việc làm, trong số đó gần 90% đã có việc làm từ trước khi nhận bằng tốt nghiệp.

- Kính thưa thầy Nguyễn Xuân Phong, em hiện là sinh viên đại học năm 2 khoa Quốc tế Học viện Ngân hàng. Năm nay em muốn được chuyển sang học Đại học FPT năm học 2012-2013 có được không? Nếu được chuyển sang đại học FPT thì cần những thủ tục gì? Em xin trân trọng cảm ơn. (Lê Tuấn Anh, 20 tuổi, 58/192 Lê Trọng Tấn Thanh Xuân Hà Nội)

- Ông Nguyễn Xuân Phong: Trước hết bạn cần thi đỗ kỳ thi tuyển sinh của trường ĐH FPT vào ngày 19/8 tới đây. Sau đó, bạn có thể làm thủ tục chuyển trường. Bạn có thể xin bảng điểm những học phần đã học để chúng tôi xem xét có thể miễn giảm nhưng môn học tương đương. Bạn liên hệ văn phòng tư vấn tuyển sinh của ĐH FPT để có thêm thông tin.

- Nghe nói, ĐH FPT có dạy Vovinam? Mong Thầy giới thiệu qua, cám ơn (Đoàn Xuân Giao, 30 tuổi, Huỳnh Thúc Kháng)

- Ông Nguyễn Xuân Phong: Tại đại học FPT, toàn bộ sinh viên sẽ được đào tạo Vovinam như môn học giáo dục thể chất chính thức. Đây cũng là một điểm đặc sắc tại đại học FPT. Các bạn yêu thích môn này có thể tham gia nâng cao tại các CLB hay đội tuyển của trường.

- Chào anh Tùng, anh có thể chia sẻ cho em những bí quyết của anh trong việc săn học bổng được không? (Gia Phát, 18 tuổi, TP HCM)

- Bạn Tạ Đức Tùng: Theo mình, việc đầu tiên bạn nên xác định ngành định học, nước muốn tới để du học và bắt đầu tìm hiểu về các chương trình học bổng. Trong quá trình làm hồ sơ bạn cố gắng làm nổi bật những điểm mạnh của bản thân và kế hoạch học tập rõ ràng. Điều này rất quan trọng để xin học bổng, đặc biệt là các chương trình học bổng của Nhật. Trong vòng phỏng vấn bạn cần thể hiện quyết tâm của mình trong việc học tập và mong muốn tìm hiểu văn hóa của đất nước mình định theo học. Mỗi chương trình học bổng có một tiêu chí riêng, bạn cần tìm hiểu kỹ và chứng minh được rằng mình phù hợp với những tiêu chí đó.

- Em chào các thầy, thầy cho em hỏi chi phí ở ký túc xá và những dịch vụ sinh hoạt khác tại ĐH FPT như thế nào ạ? Gia đình em khó khăn, liệu em có thể có cơ hội kiếm việc làm thêm tại khu vực xung quanh trường được không ạ? Em cảm ơn các thầy! (Trần Quang Hà, 19 tuổi, Thuận Thành, Bắc Ninh)

- Ông Ngô Thanh Tùng: Hiện, chi phí ở ký túc xá cho một sinh viên năm đầu tiên là 800.000 đồng một tháng bao gồm 700.000 đồng tiền phòng và 100.000 đồng tiền điện, nước. Nếu có nhu cầu kiếm việc làm thêm, em có thể đăng ký với bộ phận dịch vụ sinh viên của trường.

- Con trai tôi sinh năm 1992 đã thi đỗ FPT với số điểm là 96/105 vào năm 2010 và đang học Học viện Ngân hàng Hà Nội. Xin hỏi muốn học thêm FPT thì có sử dụng được kết quả bảo lưu và giấy báo nhập học năm 2010 không (Hồ Văn Hoàn, 48 tuổi, 101 Hoàng Quốc Việt, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh)

- Ông Nguyễn Xuân Phong: Kết quả thi vào ĐH FPT được bảo lưu 2 năm nên trường hợp sinh viên này vẫn có thể sử dụng. Tuy nhiên tôi muốn lưu ý gia đình là việc học tại ĐH FPT cũng khá nặng. Nếu phải chia thời gian cho một công việc khác thì chưa chắc đã mang lại hiệu quả nên cần cân nhắc rất kỹ nếu muốn học 2 nơi.

- Thưa thầy Phong, xin thầy cho tôi biết số lượng giáo viên cơ hữu của nhà trường là bao nhiêu phần trăm? Và nguồn giảng viên của nhà trường lấy từ đâu, có qua quy định tuyển chọn gì không? (Nguyen Van Nam, 48 tuổi, Nam Định)

- Ông Nguyễn Xuân Phong: Hiện nay tỷ lệ giảng viên cơ hữu của trường chiếm khoảng 70% thời lượng. Các giảng viên đều được tuyển dụng theo đúng quy trình, thường xuyên có phản hồi của sinh viên sau mỗi môn học. Các giảng viên của ĐH FPT có thể là người nước ngoài, tốt nghiệp tại nước ngoài hay có nhiều kinh nghiệm làm việc tại các doanh nghiệp.

- Em nghe nói ở Trường FPT có sân băng lớn nhất Đông Nam Á, vậy nếu là sinh viên hệ chính quy của ĐH FPT liệu tham gia chơi có mất phí không ạ? (Vũ Đức Biên, 18 tuổi, Ninh Bình)

- Ông Ngô Thanh Tùng: Nếu là sinh viên của trường, bạn được sử dụng sân băng miễn phí trong giờ hành chính. Còn ngoài giờ trên, nếu có nhu cầu sử dụng, bạn chỉ cần đóng phí 20.000 đồng mỗi giờ.

- Em muốn hỏi rằng tại sao phải bắt buộc lấy điểm sàn đại học thì sinh viên mới đủ điều kiện trở thành sinh viên chính thức. Có trường hợp đặc biệt nào có thể đặc cách từ sinh viên dự bị thành chính thức mà không cần điểm sàn đại học? (Trương Minh Hoàng, 21 tuổi, 74/3 Ngô Quyền, phường 6, Đà Lạt -Lâm Đồng)

- Ông Ngô Thanh Tùng: Chào bạn Hoàng, điểm sàn là điều kiện bắt buộc do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định với hệ đào tạo đại học chính quy. Trường đại học FPT nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân và do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý nên tuân thủ đầy đủ các quy định của Bộ.

- Điều kiện để em được vào học tại trường Arena FPT năm học 2012? (Trần Thái Anh, 18 tuổi, 69/318 Đê La Thành - Đống Đa- Hà Nội)

- Ông Nguyễn Xuân Phong: Trung tâm đào tạo mỹ thuật đa phương tiện FPT Arena là một cơ sở của ĐH FPT, chuyên đào tạo về đồ họa, xử lý ảnh, hiệu ứng hoạt hình trên máy tính. Bạn liên hệ theo địa chỉ 264 Đội Cấn, Hà Nội hoặc theo số (04) 37629680 để có thông tin chính xác nhất.

- Xin hỏi sau khi tốt nghiệp đại học FPT có được công việc mức lương bình quân là bao nhiêu (Võ Quang Hải, 50 tuổi, Sóc Trăng)

- Ông Nguyễn Xuân Phong: Theo thống kê của chúng tôi, không tính các bạn ra nước ngoài làm việc, mức lương khởi điểm trung bình của sinh viên là 7,2 triệu đồng. Có không ít em đã có mức thu nhập trên 20 triệu đồng một tháng.

- Em đang có ý định phấn đấu vào đại học FPT nhưng nghe bạn bè kể, học xong ở đại học FPT thì phải làm cho FPT. Điều này có đúng không các thầy? (Thúy Hà, 17 tuổi, Lạng Sơn)

- Ông Nguyễn Xuân Phong: Hiện nay trong số hơn 500 sinh viên đã tốt nghiệp của ĐH FPT chỉ có khoảng 50% làm việc cho Tập đoàn FPT. Số còn lại đi học tiếp, ra nước ngoài làm việc hoặc làm việc cho các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước như VietnamAirline, Maritime Bank, VNPT, Viettel, GameLoft, Synergix...

- Anh Tùng cho em hỏi là nếu ban đầu mình không dành được học bổng 100% hay 70% học phí, nhưng trong quá trình học mình cố gắng, thì có những học bổng giúp đỡ phần học phí được không ạ (Tuấn Anh, 18 tuổi, Vĩnh Phúc)

- Bạn Tạ Đức Tùng: Trong quá trình học, nếu đạt kết quả tốt bạn có thể nhận các danh hiệu như Cóc Vàng dành cho sinh viên có thành tích học tập cao nhất trường hoặc phần thưởng dành cho sinh viên xuất sắc sau mỗi kỳ học. Ví dụ giải Cóc Vàng sẽ là 10 triệu đồng tiền mặt hoặc một chuyến tham quan và học tập tại Singapore.

- Con tôi đang học lớp 9. Cháu cũng thích CNTT. Vậy từ bây giờ chuẩn bị ra sao để có thể vào học FPT. (Trần Minh Toàn, 50 tuổi, Nha Trang)

- Ông Nguyễn Xuân Phong: Cảm ơn anh đã tin tưởng vào đại học FPT. Chúng tôi nghĩ rằng thời điểm này có 2 việc cần chuẩn bị. Một là tập trung cho cháu học tiếng Anh thật tốt. Dù sau này lựa chọn hay đam mê của cháu có thế nào đi nữa thì tiếng Anh luôn cần thiết và không bao giờ thừa. Thứ hai là tạo điều kiện để cháu được sống và thỏa mãn với đam mê CNTT của mình, học và đọc những thứ cháu thích. Nếu sau vài năm nữa, cháu vẫn giữ được niềm đam mê này, đại học FPT sẽ rất hy vọng được tiếp nhận cháu như một sinh viên của trường.

Còn hàng trăm câu hỏi mà các quý vị độc giả vẫn đang tiếp tục gửi về tòa soạn nhưng do thời gian có hạn chúng tôi không thể trả lời hết được các câu hỏi này. Hy vọng những câu trả lời của chúng tôi đã đáp ứng phần nào những thắc mắc của quý vị. Những câu hỏi khác chưa được giải đáp mong các quý vị vui lòng liên hệ các cơ sở tư vấn tuyển sinh của chúng tôi để được các cán bộ tư vấn trợ giúp. Các quý vị cũng có thể xem thêm thông tin trên website http://www.fpt.edu.vn.

Thay mặt đoàn tư vấn của ĐH FPT, xin chân thành cảm ơn tất cả các quý vị độc giả VnExpress đã quan tâm và chúc các quý vị những điều tốt lành nhất!

 Theo vnexpress