Thí sinh ở Hà Nội hối hả
đến làm thủ tục đăng ký thi sáng 8.7. Ảnh: Hải Nguyễn
Hôm nay, hơn 700.000 sĩ tử cả nước bước vào đợt thi thứ hai kỳ
thi ĐH, CĐ với các khối B, C và D. Đây là kỳ thi được nhiều dư luận trông chờ bởi
sẽ có nhiều thách thức mới như cách ra đề thi, một số thay đổi trong phương thức
xét điểm khá linh hoạt của một số trường. Ghi nhận ở Hà Nội và TPHCM cho thấy,
tỉ lệ đến phòng đăng ký dự thi của thí sinh khá cao so với mọi năm, tỉ lệ thí
sinh "ảo" đã giảm đáng kể.
Theo Cục
Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GDĐT), đợt thi này có 575.000 thí
sinh - đạt 75,5% cao hơn so với năm ngoái. ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG
TPHCM) có tỉ lệ TS đến làm thủ tục dự thi đạt 74%. Tại ĐH Luật TPHCM, số thí
sinh đến làm thủ tục đạt trên 75,6%. ĐH Y Dược TPHCM đạt gần 70%, ĐH Mở TPHCM đạt
71%, ĐH Công nghiệp TPHCM đạt 75%, ĐH Ngân hàng TPHCM đạt 66%... Một số trường
có tỉ lệ vượt trên 80% như ĐH Lao động và Xã hội đạt 82%, ĐH An ninh Nhân dân đạt
93%. Cũng trong sáng qua, ĐH Sư phạm Hà Nội có tỉ lệ thí sinh tới làm thủ tục đạt
74% trong tổng số 12.113 hồ sơ. ĐH KHXHNV (ĐH Quốc gia Hà Nội) có 9.370 thí
sinh có mặt, đạt hơn 62% trong số hơn 15.000 hồ sơ đăng ký.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga cho hay, Bộ GDĐT sẽ sớm gửi công văn cho các trường
ĐH, CĐ đề nghị tiếp tục rà soát, điều chỉnh diện ưu tiên cho TS cho đến trước
khi công bố kết quả tuyển sinh. Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ yêu cầu thí sinh chỉnh
sửa ưu tiên phải thực hiện ngay trong ngày thi đầu tiên, nhưng với thực tế hiện
nay để đảm bảo quyền lợi thí sinh, Bộ GDĐT cho phép các trường, thí sinh được
chỉnh sửa sau khi thi cho đến khi công bố điểm.
Ông Trương Ngọc Nam - Giám đốc
Học viện Báo chí và Tuyên truyền (AJC) cho biết, một số ngành "hot"
của trường thuộc nhóm ngành báo chí - truyền thông như báo chí, quảng cáo, quan
hệ công chúng... vẫn giữ vững lượng TS đăng ký dự thi cao, ngược lại, một số
ngành thuộc nhóm chính trị học có số lượng TS dự thi sụt giảm đáng kể, điển
hình có ngành quản lý nhà nước năm nay chỉ 50 hồ sơ đăng ký, trong khi chỉ tiêu
cũng là... 50.
Ông Nam cho hay, trường vẫn đề
ra mức điểm chuẩn hợp lý, nếu thiếu chỉ tiêu sẽ bổ sung bằng nguyện vọng 2. Để
thu hút sinh viên, một số ngành khác thuộc nhóm ngành này được miễn học phí
hoàn toàn. Riêng năm nay, vì cơ cấu TS đăng ký dự thi giữa các nhóm ngành có sự
chênh lệch nên để linh hoạt, AJC quy định thí sinh nếu không đủ điểm đỗ ngành
lựa chọn, có thể chọn các ngành khác ngoài ngành đã dự thi trong nhóm ngành
tham dự thi, nếu vẫn vừa điểm khung của nhóm ngành đó. Tại ĐH Nguyễn Trãi, do
lượng TS đăng ký dự thi không nhiều nên nhà trường cũng linh hoạt áp dụng cách
vừa chung, vừa riêng, tức là tổ chức thi "ba chung" một số ngành kinh
tế, với nhóm ngành về kiến trúc, mỹ thuật, trường chọn xét tuyển nguyện vọng 2.
Theo Báo Lao Động